Đảng bộ xã Thanh Xuân: Lãnh đạo nhân dân vượt khó

26/01/2019 16:35

Trong 60 năm qua, Đảng bộ xã Thanh Xuân (Thanh Hà) không ngừng phát triển lớn mạnh, lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương đạt được nhiều thành tích nổi bật.


Người dân Thanh Xuân trồng ổi trái vụ cho lãi bình quân từ 190-200 triệu đồng/ha

Lãnh đạo xã ngày càng phát triển

Chi bộ Đảng xã Thanh Xuân thành lập ngày 5.2.1959 với 10 đảng viên. Khi ấy, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Bởi Thanh Xuân trước đây giống như một ốc đảo được bồi đắp bởi nhiều con sông như Văn Úc, Gùa, Hương. Sau khi thành lập, Chi bộ Đảng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân hăng hái lao động sản xuất. Vì thế, chỉ đến cuối năm 1959, cả xã đã có 7 HTX nông nghiệp hình thành điều hành sản xuất tập thể. Do xung quanh là sông nước nên mùa mưa lũ, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1960, xã đã huy động các xã viên đóng góp hàng vạn ngày công để đắp 12 km đê bao quanh ngăn lũ, bảo đảm sản xuất. Cũng từ đó, những con đường trên cánh đồng dần hình thành để phục vụ đời sống, sản xuất của người dân. Các phong trào làm thủy lợi, đưa giống mới vào đồng được nhân dân xã Thanh Xuân hưởng ứng tích cực, thực hiện hiệu quả. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Lĩnh vực văn hóa, giáo dục được Chi bộ Đảng và chính quyền xã Thanh Xuân coi là nhiệm vụ quan trọng nên dù cơ sở vật chất còn nghèo nàn, phòng học phải đặt nhờ ở các đình, chùa nhưng thầy và trò ở xã Thanh Xuân đã khắc phục khó khăn, nỗ lực xóa mù chữ, nâng cao chất lượng dạy học. Năm 1960, xã Thanh Xuân được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

Đến tháng 1.1966, Đảng bộ xã Thanh Xuân được thành lập với 48 đảng viên, gồm 2 chi bộ thôn Thiện Trang và Xuân Áng. Khi kháng chiến chống Mỹ ngày càng cam go, quyết liệt, miền Bắc phải chống chọi với những đợt oanh tạc của giặc Mỹ, Đảng bộ xã Thanh Xuân vừa tích cực vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, vừa tăng gia sản xuất để chi viện cho miền Nam. Năng suất lúa được cải thiện, đời sống nhân dân dần ổn định. Năm 1975, Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Xuân vinh dự được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược, xã Thanh Xuân có hơn 500 lượt thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó 75 người anh dũng hy sinh. Xã có 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, Đảng bộ có 187 đảng viên sinh hoạt ở 7 chi bộ, gồm 3 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ nhà trường và 1 chi bộ dân quân cơ động. Liên tục trong các năm 2016, 2017, 2018, Đảng bộ xã đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Nâng cao đời sống nhân dân

Trước năm 2002, Thanh Xuân là vùng chiêm trũng của huyện, giá trị kinh tế cây lúa mang lại không đáng kể, thường xuyên gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2002, diện mạo sản xuất nông nghiệp ở xã Thanh Xuân thay đổi lớn nhờ việc dồn ô, đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất, tạo điều kiện cho nhân dân chủ động canh tác. Đây là xã đi đầu ở huyện Thanh Hà trong chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao như ổi, vải. Năm 2002, có hơn 80% số dân chuyển sang trồng cây vải, ổi, đến nay không còn đất trồng lúa. Những năm gần đây, cây vải cho thu nhập thấp, nhân dân chuyển sang trồng ổi. Hiện nay, toàn xã có hơn 400 ha trồng ổi và đây cũng là cây kinh tế chủ lực của địa phương. Ổi được nông dân xã Thanh Xuân sản xuất trái vụ nên tiêu thụ thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nông dân thu lãi bình quân từ 190-200 triệu đồng/ha, có hộ thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm nhờ cây ổi. Hiện nay, hầu hết diện tích ổi của xã đã được nông dân áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, không sử dụng phân bón hóa học, cỏ dưới gốc ổi được dọn bằng máy cắt chứ không dùng thuốc trừ cỏ như trước đây.         

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), xác định huy động nội lực là chính nên ngay từ khi triển khai, xã thực hiện theo phương châm “lấy dân làm gốc”. Mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động của Đảng ủy, chính quyền địa phương, nhân dân xã Thanh Xuân đã nhận thức được lợi ích của xây dựng NTM. Do đó, việc huy động các nguồn lực để làm đường, xây dựng trường học, trạm y tế và các công trình phụ trợ... ở xã đều được nhân dân đồng thuận. Từ năm 2011-2016, cán bộ, đảng viên, người dân xã Thanh Xuân đã đóng góp kinh phí làm 140 tuyến đường liên thôn, liên xóm, đường ra đồng dài hơn 37 km với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Các tuyến đường đều được thiết kế bảo đảm theo tiêu chí NTM. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,5 triệu đồng/năm. Năm 2016, xã Thanh Xuân được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.

Tiếp tục phát huy thành quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Xuân tiếp tục đoàn kết thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và Đại hội Đảng bộ xã; tiếp tục khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

NGUYỄN VĂN ĐÔNG
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảng bộ xã Thanh Xuân: Lãnh đạo nhân dân vượt khó