Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận việc quá tải tại các bệnh viện tuyến trên là do người dân không tin tưởng y tế tuyến dưới, bệnh nhẹ cũng vào tuyến trên.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) - Ảnh: Quochoi.vn
Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 27.10, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nói chủ trương đầu tư FDI là đúng đắn và góp phần vào tăng trưởng chung, nhưng "không thể thu hút bằng mọi giá".
Ông Sơn cũng thay mặt bà con cử tri, nhân dân Đà Nẵng, tha thiết mong Chính phủ quan tâm thúc đẩy cho dự án cảng Liên Chiểu (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bởi dự án này đã thai nghén suốt 15 năm nhưng hiện vẫn chưa thể tiến triển.
Hiện nay cảng Tiên Sa và cảng Đà Nẵng đang dần quá tải, dự báo tới năm 2020 thì lượng hàng hóa qua cảng sẽ đạt mốc 20 triệu tấn và 2030 sẽ cán mốc 30 triệu tấn, năng lực hai cảng này không thể đáp ứng được.
"Việc xây dựng cảng Liên Chiểu là khát vọng, mong muốn của nhân dân và Đảng bộ Đà Nẵng. Thay mặt bà con nhân dân, cử tri, đồng bào Đà Nẵng, tôi đề nghị sớm thực hiện chuyển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch và xây dựng cảng Liên Chiểu thành cảng hàng hóa", ông Nguyễn Bá Sơn nói.
"Chính quyền Đà Nẵng cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị nhưng việc chậm trễ suốt 15 năm qua đã khiến Đà Nẵng phải chờ đợi quá lâu".
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) thì lưu ý cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không đơn thuần chỉ là cuộc chiến tranh giữa hai cường quốc về thương mại mà còn tạo ra nhiều nguy cơ khác.
"Dễ thấy nhất là sự rủi ro về thương mại, dòng vốn. Tất nhiên chúng ta cũng có những thuận lợi như dòng vốn FDI từ các doanh nghiệp ở Trung Quốc đầu tư qua Việt Nam. Chúng ta cần chủ động đón đợi, có chính sách điều chỉnh và tận dụng những thuận lợi cũng như ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra", ông Đồng nói.
Ông Đồng cho rằng cần kiên định cải cách thể chế, tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, giảm thủ tục phiền hà để thu hút nhà đầu tư; quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, giảm doanh nghiệp nhà nước; đa phương hóa thị trường - đa phương hóa thương mại để tránh phụ thuộc vào thị trường Mỹ, Trung Quốc.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng nền kinh tế cũng giống như một bức tranh, bức tranh thì đẹp nhưng vẫn có những vết nhám. Bức tranh kinh tế của nước ta cũng như thế. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, nhiều rào cản.
Ông Nhưỡng lấy ví dụ về câu chuyện bị gây khó dễ ở một số doanh nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa và cho rằng dù Chính phủ và các bộ ngành đã có những chính sách rất tích cực nhưng rào cản mà địa phương tạo ra đang "rất khủng khiếp".
"Khi tôi đi với một chủ doanh nghiệp để tìm hiểu về tình thế của họ thì chủ doanh nghiệp này - từng 5 lần được phong danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ - đã nói với tôi thế này: 'Ngày xưa chúng tôi đánh Mỹ dễ thế mà bây giờ làm ăn kinh tế khó thế'", ông Lưu Bình Nhưỡng phản ánh.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh - Ảnh: Quochoi.vn
Trao đổi lại với lo lắng của các đại biểu Quốc hội về áp lực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lên kinh tế trong nước, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đồng tình quan điểm rằng chúng ta không coi cuộc chiến này đơn thuần chỉ là tranh chấp về kinh tế mà sâu xa hơn, tiềm tàng hơn còn là những tranh chấp về địa chính trị.
"Ảnh hưởng của những mâu thuẫn quyền lợi này sẽ là rất lớn nên chúng ta phải chủ động đón lõng, có đối sách điều chỉnh kịp thời", ông Tuấn Anh cho biết Chính phủ, các bộ ngành đã có những động thái chủ động để tận dụng những điểm thuận lợi như đón dòng vốn FDI từ các doanh nghiệp Mỹ rời bỏ Trung Quốc, tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ, giảm bớt các thủ tục phiền hà để đón doanh nghiệp vào Việt Nam làm ăn.
Liên quan đến 12 dự án kém hiệu quả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định việc này đang được Chính phủ chỉ đạo rất mạnh mẽ, quyết liệt.
"Năm 2018 - 2019 sẽ xử lý cơ bản và sẽ hoàn thành vào năm 2020 trên ba nguyên tắc lớn: đúng quy định luật pháp, trên nguyên tắc thị trường và nguyên tắc tự chủ nội tại của nền kinh tế chúng ta", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Được mời tham gia giải trình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết lĩnh vực y tế, chăm sóc người bệnh thời gian qua đã có được những bước tiến quan trọng, đích cuối cùng vẫn là sự hài lòng của người dân.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Ảnh: Quochoi.vn
Việc giảm tải đã được thực hiện quyết liệt, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang tầm quốc tế để người dân được thụ hưởng, từ đó chuyển tiến bộ này xuống tỉnh. Bộ Y tế cũng đã ban hành tiêu chí đối với các bệnh viện, phân hạng bệnh viện, có tổ chức quốc tế minh bạch đánh giá các bệnh viện từ trung ương đến tỉnh.
Bộ cũng đã đầu tư xây dựng rất nhiều bệnh viện từ Trung ương tới tỉnh, thái độ chăm sóc, trang bị đường dây nóng, bệnh viện xanh sạch đẹp, xây dựng nhà vệ sinh bệnh viện. "Nếu bệnh viện nào để nhà tiêu, phòng ốc bẩn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm", Bộ trưởng Tiến khẳng định.
Việc lập đường dây nóng đã góp phần chấn chỉnh, xử lý được nhiều y bác sĩ có thái độ không chuẩn mực.
Việc đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tính đúng tính đủ, đưa vào cơ cấu lương để nâng cao chất lượng các bệnh viện, huy động xã hội hoá để giúp người dân có thêm lựa chọn. Bộ cũng đã thực hiện đề án đưa bác sĩ loại giỏi về 62 huyện nghèo đã giải quyết được rất nhiều vấn đề.
Về điểm hạn chế, Bộ trưởng thừa nhận việc quá tải tại các bệnh viện tuyến trên là do người dân không tin tưởng y tế tuyến dưới, bệnh nhẹ cũng vào tuyến trên.
Mặt khác là việc chăm sóc của bệnh viện không đủ, người nhà phải vào chăm sóc người thân khi bị bệnh. Việc trang bị trang thiết bị nhiều bệnh viện cơ sở không đủ, chất lượng khám chữa bệnh giữa các vùng dù đã được tập trung khắc phục nhưng vẫn là một điểm nghẽn.
Chất lượng nguồn nhân lực chưa bảo đảm, chính sách chế độ cho y bác sĩ hiện vẫn chưa đáp ứng được.
Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp kiềng ba chân. Thứ nhất là chăm sóc sức khoẻ ban đầu, lúc chưa bị bệnh. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng 26 mô hình điểm bác sĩ gia đình, phấn đấu 5 năm nữa sẽ có mô hình cơ bản này, ưu tiên cho vùng sâu vùng xa.
Thứ hai là khi bị bệnh phải vào bệnh viện thì phải được chăm sóc chu đáo, toàn diện, giảm thời gian nằm viện, tăng chất lượng điều trị. Với giải pháp này thì hiện Bộ đang mời các đơn vị nước ngoài hỗ trợ, hi vọng một ngày không xa thì người Việt không còn phải ra nước ngoài khám và chữa bệnh. Tuy nhiên điều này cần một nguồn lực tài chính, nhân lực lớn.
"Chân thứ ba là nhân lực là nhân lực, tài chính, là cơ sở hạ tầng. Về nhân lực thì xin Quốc hội có đề án đào tạo riêng cho lĩnh vực y tế theo hướng là sau 6 năm đào tạo thì học ít nhất 4 năm nữa mới trở thành bác sĩ (hàn lâm, bác sĩ chuyên khoa)", bà Kim Tiến nói.
THÁI BÁ DŨNG (Tuổi trẻ)