Hôm trước, mẹ ngồi nói chuyện với bà Hà, thấy bà ấy kêu, cứ sắp đến ngày giỗ là lo ngay ngáy. Nhưng vì phong tục ở đây như thế, không thay đổi được.
Vừa đi làm về, chị Nhài hỏi mẹ chồng:
- Nhà nào trong ngõ nhà mình có đám cưới hay sao mà làm rạp to thế ạ? Có mời nhà mình không mẹ?
- Cưới xin gì đâu, nhà bà Nguyệt có giỗ thôi!
- Giỗ mà làm rạp to thế ạ? Làm con với anh Tuấn cứ tưởng đám cưới.
- Ừ, nghe đâu làm 90 mâm.
- Trời, đám giỗ mà làm 90 mâm cỗ ấy ạ?
- Hồi đầu nhà mình mới chuyển về mẹ cũng bất ngờ về chuyện làm đám cưới, đám giỗ, đám hỏi ở đây. Đám giỗ nhẹ nhàng cũng 50 - 70 mâm, đám hỏi cũng thế, còn đám cưới thì hơn trăm mâm, thậm chí là 200 mâm.
- Đám cưới làm to thì cũng thôi, chứ đám giỗ, đám hỏi mà làm thế thì to quá!
- Thấy bảo, truyền thống người dân ở đây như thế rồi. Đám giỗ còn không nhận phong bì của ai cơ, người nhà đứng ra tổ chức giỗ chi hết.
- Ôi, thế thì nhà nào họ to, làm cả năm có khi chỉ đủ lo 2 cái giỗ mất?
- Hôm trước mẹ ngồi nói chuyện với bà Hà, thấy bà ấy kêu, cứ sắp đến ngày giỗ là lo ngay ngáy. Nhưng vì phong tục ở đây như thế, không thay đổi được.
- Giờ là thời đại nào rồi mà còn làm thế? Các địa phương bây giờ đều tuyên truyền người dân tổ chức cưới xin và làm đám tang, đám giỗ theo nếp sống mới, giản tiện nhưng vẫn trang trọng, phù hợp với phong tục tập quán.
- Mẹ nghe mấy bà trong xóm nói, cũng mong người dân ở đây thay đổi suy nghĩ, tổ chức cưới xin, ma chay, giỗ chạp nhẹ nhàng thôi để vừa đỡ tốn kém mà người được mời đi dự cũng đỡ ngại.
HẢI ĐĂNG