Đại gia công nghệ, bán lẻ 'lấn sân' kinh doanh dược phẩm

16/04/2017 10:46

Được xem là "miếng bánh" béo bở trên thị trường, nhiều doanh nghiệp hiện có dự định lấn sân sang bán dược phẩm khi mảng kinh doanh chủ chốt đang đi vào thời kỳ bão hòa.



Khó nhằn với mảng chủ chốt, nhiều công ty lấn sân sang lĩnh vực mới mong tìm thêm lợi nhuận


Mới đây, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) cho biết, sẽ tham gia phân phối nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng từ tháng 6 tới, bên cạnh phân phối các sản phẩm điện thoại di động, máy tính, thiết bị văn phòng…

Theo dự định của công ty này, vốn đầu tư cho việc mở rộng ngành hàng mới khoảng 40 tỷ đồng. Nhóm sản phẩm mới này sẽ được phân phối thông qua chuỗi các cửa hàng kinh doanh dược phẩm (pharmacy). Digiworld kỳ vọng ngành hàng mới sẽ mang lại lợi nhuận vào năm 2018 và có mức đóng góp doanh thu 80 tỷ đồng cho công ty trong năm nay.

Còn đối với kế hoạch kinh doanh các mặt hàng hiện tại, công ty dự kiến doanh thu năm 2017 sẽ đạt khoảng 3.889 tỷ đồng, tăng 2% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế khoảng 75 tỷ đồng, tăng 12%.

Cũng có dự định lấn sân sang lĩnh vực dược phẩm, mới đây, “đại gia” bán lẻ ngành di động, điện máy là Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động cho biết muốn kinh doanh dược phẩm. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho hay, ngoài việc phát triển hệ thống Bách hóa xanh, có thể sẽ thử nghiệm thêm chuỗi cửa hàng bán dược phẩm. Thay vì mất 2-3 năm hiểu về mô hình này, công ty sẽ tìm kiếm đơn vị chuyên về mảng sản phẩm trên để tiến hành M&A, trong đó, đặc biệt ưu tiên những đơn vị có 10-15 cửa hàng. Đến thời điểm chín muồi công ty sẽ biến chuỗi từ 10-15 shop thành 500 shop. Với M&A, công ty sẽ mua 20-40% cổ phần của các chuỗi bán lẻ khác, sau đó tiếp sức họ phát triển và nâng tỷ lệ sở hữu lên 60%. Định mức đầu tư mà công ty này dự kiến chi là 500 tỷ đồng.

Không chỉ 2 công ty trên mà trước đó, FPT Shop cũng đang cân nhắc bán lẻ thêm lĩnh vực khác. Cụ thể, Tổng giám đốc FPT Shop Nguyễn Bạch Điệp cho biết, thị trường bán lẻ công nghệ sẽ bão hòa và để tiếp tục tăng trưởng thì công ty buộc bán lẻ thêm nhiều lĩnh vực khác, có thể như thời trang, ăn uống, dược phẩm, cửa hàng tiện lợi. Bà Điệp còn cho rằng, ngành dược phẩm tại Việt Nam chưa thấy có chuỗi bán lẻ nào đủ định hướng thị trường. FPT Shop chắc chắn sẽ ngắm nghía các lĩnh vực này nhưng phải qua các phân tích kinh doanh mới quyết định "nhảy" vào. Nếu xâm nhập vào một hướng kinh doanh mới, công ty sẽ “không đi một mình”, phải tìm đối tác để bớt rủi ro hơn.

Ngoài các doanh nghiệp nội khác ngành lấn sân sang kinh doanh dược phẩm thì năm qua thị trường cũng chứng kiến các đại gia ngoại tranh thủ nhảy vào thị trường dược của Việt Nam. Cụ thể, hồi tháng 8.2016 Abbott của Mỹ đã hoàn tất thương vụ mua lại Công ty TNHH Dược phẩm Glomed. Tuy vụ mua bán sáp nhập không được tiết lộ, nhưng theo doanh nghiệp này, họ đã có trong tay thừa kế 2 nhà máy sản xuất tân dược tại Khu công nghiệp VSIP 1 (khu công nghiệp Việt Nam Singapore Bình Dương) từ Glomed. Trước đó, hồi tháng 7.2015, Taisho Pharmaceutial Holdings (thuộc tập đoàn Taisho Holdings của Nhật Bản) đã thống báo về việc hoàn tất mua lại 24,5% cổ phần của Công ty Dược phẩm Hậu Giang. Đây là một trong những công ty dược nằm ở top đầu trên sàn chứng khoán hiện nay của Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên về hướng đi mới này, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng, thị trường dược của Việt Nam quá hấp dẫn. Đây là "mảnh đất hoang dã" chưa được khai khác nhiều nên việc các doanh nghiệp nhảy vào kinh doanh là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, ông cho rằng, bản chất của ngành dược có đặc thù riêng. Ngành dược được phân ra làm hai hướng, đó là sản xuất và kinh doanh phân phối. Đối với kinh doanh phân phối dược ở Việt Nam "quản lý chặt mà không chặt". Cụ thể, quy định về dược phẩm của Cục quản lý dược quá chặt chẽ,  nhưng lại không chặt trong khâu phân phối, dẫn đến tiệm thuốc bán tràn lan, không có bác sĩ chỉ định vẫn kê đơn bán... Với nhóm thực phẩm chức năng, loại này quản lý còn lỏng lẻo, khó kiểm chứng, người mua dựa vào lòng tin. Chi phí sản xuất thực phẩm chức năng thấp trong khi đó giá bán cao nên dễ có lời. Dẫu vậy, nếu sơ sểnh thì cũng rất dễ gặp rủi ro và cạnh tranh trong mua bán.

"Với trường hợp các công ty trên, việc tiếp cận lĩnh vực mới hấp dẫn nhưng sẽ gặp nhiều rủi ro. Điển hình như Thế Giới Di Động, bản chất đây là công ty thương mại quản lý dựa trên hệ thống công nghệ thông tin. Họ thành công với bán điện thoại, điện máy nhưng với Bách hóa xanh hay dược phẩm thì đây vẫn là ẩn số. Việc công ty này nghĩ chỉ cần tổ chức bán hàng tốt, tiếp cận nguồn hàng tận gốc là sẽ có lời nhưng thực tế, dược phẩm là nhóm ngành đặc thù với nhiều rủi ro không phải cứ 'nhảy' vào là thắng", TS Hiển nói.

HỒNG CHÂU (Vnexpress)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại gia công nghệ, bán lẻ 'lấn sân' kinh doanh dược phẩm