Dưới chế độ phong kiến, bên cạnh việc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh lây lan toàn quốc nói chung, tỉnh Hải Dương nói riêng còn nhiều lần bị dịch bệnh hoành hành và cướp đi không ít sinh mạng con người.
Mộc bản sách Minh Mạng chính yếu, quyển 7, mặt khắc 47 ghi về những chính sách của vua Minh Mạng hỗ trợ người dân tỉnh Hải Dương khi gặp dịch bệnh năm 1839
Theo ghi chép trong Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, dưới triều Nguyễn, dịch bệnh ở tỉnh Hải Dương cũng từng xảy ra nhiều lần, trong số đó có một số trận dịch lớn mà tỉnh Hải Dương phải hứng chịu.
Trận thứ nhất vào tháng 3 năm Mậu Tuất (1838). Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 190, mặt khắc 37 có ghi: “Huyện An Dương, tỉnh Hải Dương có lệ khí, truyền nhiễm, chết mất hơn 300 người, sai quan phát thuốc điều trị và lập đàn tế để trừ lệ khí”.
Trận dịch lớn thứ hai diễn ra một năm sau, vào tháng 4 năm Kỷ Hợi (1839). Một trận đại dịch bùng phát ở các tỉnh Bắc Kỳ, trong đó tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Ninh là tâm dịch với số người tử vong lên đến hàng vạn. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 201, mặt khắc 8 ghi lại như sau: “Các tỉnh ở Bắc Kỳ lần lượt tâu báo nạn dịch lệ, duy Hải Dương, Bắc Ninh rất nặng (dân 2 tỉnh ấy nhiễm bệnh chết, ở Hải Dương trên 2 vạn 3 nghìn, ở Bắc Ninh trên 2 vạn 1 nghìn rưỡi)”. Mặc dù không ghi rõ tên của dịch bệnh, nhưng theo con số thống kê người chết, thì đây được xem là trận đại dịch lớn nhất trong lịch sử tỉnh Hải Dương.
Cũng theo Mộc bản sách Minh Mạng chính yếu, quyển 7, mặt khắc 47, thì trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, vua Minh Mạng bày tỏ sự đau lòng và thương xót, ban dụ ra lệnh thiết lập các đàn cầu đảo, mong người dân mau chóng lành bệnh. Vua cũng lập tức phái thầy thuốc điều trị đến khi trong dân gian quả thật mười phần thuyên giảm mới thôi. Đối với người không may tử vong thì đều được phân hạng để cấp tiền. Ngoài ra, vua cũng thi hành chính sách hỗ trợ: “Các tỉnh Bắc Kỳ dạo trước bị dịch lệ, Hải Dương, Bắc Ninh tai hại hơn cả, thứ đến Hà Nội. Chuẩn cho đều được hoãn bắt lính làm tạp dịch và ngạch thuế...”.
10 năm sau, vào tháng 12 năm Kỷ Dậu (1849), niên hiệu Tự Đức thứ 2, một loại dịch bệnh (được gọi là lệ khí) cũng đã bùng phát ở Hải Dương và một số tỉnh thành khác trên cả nước, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 4, mặt khắc 51 cho biết: “Các tỉnh Bình Định, Vĩnh Long, Định Tường, Hà Tĩnh, Sơn Tây, Quảng Bình, Hải Dương, Quảng Yên lệ khí lại phát ra".
Đến năm Quý Sửu (1853), dịch bệnh cũng đã phát ra ở tỉnh Hải Dương: “Các tỉnh Hà Nội, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên, tiết thứ bị chết dịch đều chiểu hạng cấp cho tiền tuất. Về số dân hiện biên ở sổ đinh, tính suốt từ năm ngoái đến nay, chết dịch cộng 9.074 người, cho hoãn hạn điền người vào sổ đinh là 2 năm, hoặc 3 năm, 10 năm”.
Dù ở bất cứ thời đại nào, khi dịch bệnh lan đến, việc ứng phó kịp thời, đẩy lùi dịch bệnh luôn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.
THƠM QUANG