Dai dẳng nạn bạo hành gia đình

04/03/2012 08:01

Hầu hết người phụ nữ khi bị bạo hành đều chấp nhận và im lặng. Đến khi không thể hàn gắn được dẫn tới ly hôn thì họ chịu thiệt thòi hơn...


Chị Nguyễn Thị Lành ở khu 11, phường Tân Bình (TP Hải Dương)

từng là nạn nhân của bạo hành gia đình


Trong cái rét kèm theo mưa phùn, chị Trần Thị Lành ở khu 11, phường Tân Bình (TP Hải Dương) đang oằn lưng đẩy xe bán hoa quả rong. Sau khi học xong THCS, chị Lành đi làm một thời gian thì lập gia đình. Mặc dù cuộc sống không giàu có nhưng vẫn hạnh phúc. Tuy nhiên, anh chị chỉ sinh toàn con gái trong khi đó chồng chị là con một nên anh muốn sinh thêm. Chị Lành không đồng ý. Bắt đầu từ đó, mâu thuẫn gia đình nảy sinh. Chồng chị sinh ra cờ bạc, rượu chè, đi từ sáng đến tối mới về. Đến năm 2010, do nợ nần chồng chất nên anh chị phải bán nhà đi ở trọ. Cuộc sống ngày càng trở nên ngột ngạt hơn. Chị Lành tâm sự: Trong khoảng thời gian sống với nhau, chồng tôi hay gây gổ, kiếm cớ đánh tôi. Có những việc rất đơn giản như đi làm về chưa nấu cơm hay chưa kịp cất quần áo khi trời mưa… anh ấy đều có thể mang tôi ra chửi bới. Mẹ đẻ tôi sống cùng với gia đình tôi. Anh ấy xúc phạm, chửi cả mẹ tôi. Cuộc sống quá ngột ngạt nên đầu năm 2011, chúng tôi đã ra tòa ly dị. Dẫu rằng một mình lo cuộc sống cho 4 người sẽ rất vất vả nhưng tôi thấy được thoải mái về tinh thần.

Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị M. ở thị trấn Tứ Kỳ để tìm hiểu về một cảnh đời cũng có những điều thật trớ trêu. Trong ngôi nhà trọ thuê để làm nghề cắt tóc, gội đầu, chị M. kể về những tháng ngày bị bạo hành khi còn sống cùng chồng. Anh chị có 2 cậu con trai khôi ngô, khỏe mạnh. Tuy nhiên, chồng chị có tính ghen lại hay uống rượu. Sau mỗi lần uống rượu, chồng chị M. lại tìm cách gây sự đánh đập mẹ con chị. Chị M. cho biết: Tôi làm nghề cắt tóc, gội đầu nên tiếp xúc với nhiều người, trong đó có cả đàn ông. Mỗi lần đi làm về, nếu thấy tôi gội đầu cho phụ nữ thì không sao chứ gội đầu cho đàn ông thì thể nào anh ấy cũng tìm cách gây sự. Khi khách về thì nhiếc móc, thậm chí còn đánh đập, ném, phá đồ nghề của tôi. Mỗi lần tôi ra khỏi nhà là anh ấy tìm cách ngăn cản, tìm mọi lý do không cho đi. Nhiều lần tôi khuyên ngăn, nhờ anh chị em trong gia đình khuyên bảo nhưng anh ấy vẫn không thay đổi.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều phụ nữ bị bạo hành gia đình ở tỉnh ta. Theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), các vụ bạo hành tại tỉnh ta thời gian qua tập trung vào các đối tượng có trình độ học vấn hạn chế, ham rượu chè, cờ bạc... Nạn nhân ít nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng. Hầu hết người phụ nữ khi bị bạo hành đều chấp nhận và im lặng, mong một ngày người chồng có thể hiểu ra. Đây chính là một nguyên nhân dẫn đến bạo hành. Chỉ đến khi sự việc nghiêm trọng thì các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương mới biết và có biện pháp can thiệp. Hầu hết các vụ ly hôn đều xuất phát từ bạo hành gia đình.

 Những năm gần đây, nhất là từ khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành (năm 2008), nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về vấn đề này đã có những chuyển biến rõ nét. Tình trạng bạo hành gia đình đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn, coi đây là việc chung của xã hội, không còn là chuyện riêng của từng gia đình như trước đây. Các địa phương đều có những hoạt động nhằm hạn chế tình trạng bạo hành gia đình. Năm 2008, tỉnh đã triển khai 2 mô hình thí điểm về giảm thiểu tiêu cực của tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài tại xã Phúc Thành (Kim Thành) và mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ). Đến nay, những mô hình này đã được nhân rộng ra 6 tỉnh, thành phố. Toàn tỉnh đã thành lập được 75 câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phát triển bền vững” thu hút đông đảo các cặp vợ chồng tham gia sinh hoạt. Qua đó, trang bị thêm cho họ kiến thức sống, hạn chế và giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống, nuôi dạy con, phát triển kinh tế… góp phần hạn chế nạn bạo hành.

Đầu năm 2011, Sở VH-TT-DL phối hợp với Văn phòng Luật sư Thành Đông thiết lập đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình thường trực 24/24 giờ các ngày trong tuần. Đường dây đã tiếp nhận trên 500 cuộc gọi yêu cầu tư vấn, trợ giúp các vấn đề về bạo hành gia đình, mâu thuẫn giữa vợ, chồng, bất hòa về tình cảm và kinh tế… Sau khi được tư vấn, nhiều người đã được giải tỏa về tâm lý và tìm ra những biện pháp giải quyết phù hợp cho bản thân và gia đình.

Mặc dù công tác phòng, chống nạn bạo hành gia đình đã thu được những kết quả tích cực, nhưng cũng còn một số hạn chế. Vấn đề bạo hành gia đình vẫn chưa được mọi người nhận thức đúng. Ngay cán bộ cơ sở làm công tác thống kê về bạo hành gia đình cũng chưa có khái niệm rõ nét thế nào là bạo hành gia đình. Hầu hết họ chỉ thống kê những vụ lớn, rõ ràng, được dư luận xã hội quan tâm, chủ yếu là bạo hành về thân thể và kinh tế, còn bạo hành về tinh thần ít được quan tâm. Để hạn chế các hành vi bạo hành gia đình, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về vấn đề này. Xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá việc triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để việc triển khai đạt hiệu quả cao.   

Theo thống kê của Sở VH-TT-DL, năm 2011, toàn tỉnh có khoảng 150 vụ bạo hành gia đình, giảm 10% so với năm trước. Tập trung vào các hình thức bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế với các đối tượng là người già, phụ nữ và trẻ em. Trong đó, hình thức bạo lực về thân thể chiếm trên 50% và đối tượng là phụ nữ chiếm trên 81%.


THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dai dẳng nạn bạo hành gia đình