Đại biểu Quốc hội kiến nghị “gỡ vướng” tài chính y tế

09/09/2022 06:30

Đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần thiết kế thành chương riêng cho rõ và cho dễ thực hiện thống nhất vấn đề tài chính y tế.

Cần tháo gỡ ngay với hành lang pháp lý đầy đủ

Thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hoà) cho rằng cần loại bỏ cơ chế tự hạch toán và khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong hệ thống y tế công.

Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong quản lý và phát triển hoạt động khám, chữa bệnh. Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phương tiện cho các hoạt động khám, chữa bệnh công lập, kể cả khám, chữa bệnh ban đầu và khám, chữa bệnh tuyến sau, nhằm bảo đảm duy trì hệ thống y tế công lập vận hành theo yêu cầu cạnh tranh công bằng với các loại hình y tế ngoài công lập.

Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hoà)

“Quy định rõ các hình thức, cơ chế trong việc thu hút đầu tư tư nhân trong hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập nhằm tránh lợi dụng hình thức xã hội hóa y tế, lợi dụng sự thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập để liên doanh trục lợi” - ông Lê Hữu Trí nêu quan điểm.

Nhấn mạnh giá dịch vụ y tế vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ ngay với hành lang pháp lý đầy đủ nhằm bảo đảm cho hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, nhất là y tế công lập hoạt động trở lại bình thường, đại biểu kiến nghị cần các cơ chế đặc thù, cơ chế riêng biệt cho hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh và hoạt động mua sắm y tế công lập nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu kịp thời các nhu cầu khám, chữa bệnh và tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các loại hình khám, chữa bệnh.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) cũng đánh giá, cơ chế tài chính cho các bệnh viện công là nội dung hết sức quan trọng, rất cần làm rõ, minh bạch để giúp cho các bệnh viện công lập đi theo đúng định hướng rõ ràng, tránh những vi phạm, sai sót trong quá trình quản lý tài chính của người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

“Các bệnh viện tư nhân hoạt động thì hoàn toàn được quy định rõ và điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp nên rất thuận lợi trong quá trình hoạt động và minh bạch trong quá trình vận hành, trong khi đó các bệnh viện công lập thì cơ chế tài chính lại chưa thật sự rõ ràng” – bà Nhị Hà lưu ý và cho biết dự thảo chưa thấy có điều riêng cho nội dung này.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)

Còn theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), chúng ta không nên chăm chăm vào giá rẻ mới chấp nhận mà đối với ngành y trong đấu thầu, đấu giá phải hướng tới chất lượng dịch vụ tốt, thiết bị phải tốt.

“Tôi nghĩ cần phải có những chính sách đặc thù trong dự án luật này thì chúng ta mới gỡ được những tồn tại bấy lâu nay” – ông An kiến nghị và bày tỏ không đồng tình với quy định chung chung “phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư mua sắm” vì như thế chắc chắn không gỡ được những vấn đề lâu nay liên quan đến thiết bị y tế.

Băn khoăn công – tư

Dành phần lớn thời gian phân tích vào “điều khoản quan trọng nhất và cũng đang vướng nhất trong luật sửa đổi, đấy là điều khoản về hợp tác công tư trong y tế”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) đề xuất bỏ từ "xã hội hóa y tế" “vì thật ra trong lịch sử của ngành y ở Việt Nam hay trên thế giới không thấy định nghĩa thế nào là “xã hội hóa y tế” cả.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định)

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiến nghị nên quy định có 3 hình thức hợp tác công - tư trong y tế. Thứ nhất là hình thức cho vay, khuyến khích để các bệnh viện có tư cách pháp nhân vay tiền của các tổ chức tín dụng cũng như của những tổ chức quốc tế để đầu tư, bệnh viện có trách nhiệm bảo vệ vốn vay.

Hình thức thứ hai là thuê, hiện đã có nhưng chưa rõ ràng. Quy định rõ để bệnh viện công thuê các phương tiện, trang thiết bị của bệnh viện tư nhân; hoặc tư nhân thuê bệnh viện công.

Hình thức thứ ba là hợp tác công - tư phi lợi nhuận. Đây là hướng mà trên thế giới người ta triển khai từ rất lâu và rất thành công. Nghĩa là các nhà hảo tâm, các quỹ xây dựng bệnh viện và cho các bệnh viện công vận hành bệnh viện đấy, lợi nhuận nếu có không chia cho nhau mà tiếp tục giữ lại đầu tư để phát triển bệnh viện rộng hơn, nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng như cho các trường hợp bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Phân tích cụ thể vào dự thảo, Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) thấy rằng chính sách của nhà nước khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân vào khám, chữa bệnh thì chỉ quy định có mấy dòng.

“Tôi nghĩ quy định như thế này mới chỉ gạch tên hình thức ra thôi, còn chưa có nội dung; nếu làm được thì cũng rất vất vả và có thể dẫn đến sai phạm” – ông bày tỏ và đề nghị có chương riêng đến một thời kỳ nào đó khám, chữa bệnh phải là một ngành kinh tế - xã hội ổn định, như mục tiêu đến năm 2030 phải có số giường bệnh ít nhất là 50% của tư nhân và 50% của bệnh viện công, có như vậy mới giải quyết được những tồn tại như hiện nay.

Dai bieu quoc hoi kien nghi go vuong tai chinh y te hinh anh 4

Đại biểu Nguyễn Công Long 

Cũng liên quan “xã hội hóa”, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nghĩ đã đến lúc cần tổng kết lại thực tiễn, đặc biệt là mô hình liên doanh, liên kết từ những bất cập trong hệ thống như hiện nay.

“Tham khảo mô hình của các nước trên thế giới không có nước nào mà giữa nhà nước và tư nhân lại có mô hình liên doanh, liên kết. Chăm sóc y tế là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của bất cứ một nhà nước nào và có chính sách huy động tất cả các nguồn lực xã hội tham gia vào lĩnh vực đó. Nhưng người ta xác định rõ đâu là hệ thống y tế công và y tế tư, không thể có mô hình như thế này được” – ông Long nói và nhấn mạnh cần chính sách huy động các nguồn lực xã hội thành lập tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh tư càng ngày càng hiện đại, phát triển để cùng chung sức với nhà nước.

Theo VOV

(0) Bình luận
Đại biểu Quốc hội kiến nghị “gỡ vướng” tài chính y tế