Luật Khám bệnh, chữa bệnh còn nhiều vướng mắc, bất cập

01/06/2022 09:06

Từ khi triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập từ thực tiễn.


Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc về tình hình thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (ảnh tư liệu)

Chưa quy định cụ thể việc khám chữa bệnh từ xa

Tháng 4.2022, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương giám sát tình hình thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Trong đợt giám sát này, Đoàn đã ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến việc khám chữa bệnh từ xa. Thực tiễn cho thấy việc khám chữa bệnh từ xa là một nội dung mới, rất cấp thiết và phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chuyển đổi số, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh khiến nhiều cơ sở y tế loay hoay vì chưa có cơ sở pháp lý chi tiết để triển khai.

Theo đại diện Trung tâm Y tế TP Hải Dương, việc chưa có một hành lang pháp lý chặt chẽ quy định việc khám chữa bệnh từ xa gây nhiều khó khăn trong thực hiện như khó quy trách nhiệm xảy ra sự cố khi tổ chức khám bệnh, hội chẩn từ xa; chi trả thù lao cho nhân lực thực hiện việc này; quy trình khám chữa bệnh từ xa... Do đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần được rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về những vấn đề liên quan và dự báo sẽ phát sinh như trách nhiệm của bác sỹ, giá dịch vụ, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc khám chữa bệnh từ xa...

Nhiều bất cập liên quan chứng chỉ hành nghề

Tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, việc kiểm tra, đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề và quy định cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề còn tồn tại nhiều bất cập. Theo quy định hiện nay, việc cấp chứng chỉ hành nghề y của các chức danh được thực hiện theo hình thức xét hồ sơ, đối tượng đủ hồ sơ theo quy định pháp luật sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Việc cấp giấy phép hành nghề được giao cho cả Bộ Y tế và Sở Y tế. Điều này gây ra tình trạng không thống nhất khi một người xin cấp giấy phép ở địa phương này nhưng sang địa phương khác hoạt động hoặc một người có thể xin cấp giấy phép hành nghề ở nhiều địa phương khác nhau.

Mặt khác, Luật Khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc người đăng ký hành nghề trải qua thời gian thực hành lâm sàng nhất định tại các cơ sở y tế nhưng không quy định cụ thể về nội dung, yêu cầu năng lực đầu ra và cơ chế theo dõi, đánh giá năng lực chuyên môn, kỹ năng thực hành. Quy định cấp chứng chỉ hành nghề chỉ 1 lần dựa trên hồ sơ gây khó khăn cho việc đánh giá năng lực khi cấp mới và theo dõi thường xuyên năng lực làm căn cứ cấp lại hoặc thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Từ năm 2017 đến nay, Sở Y tế đã tiến hành cấp mới chứng chỉ hành nghề cho 2.602 người, cấp lại cho 112 người và thu hồi, đình chỉ 10 chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, một văn bản hoàn chỉnh, chi tiết hướng dẫn tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề tại các cơ sở y tế và quy định thời gian được cấp chứng chỉ hành nghề vẫn chưa được ban hành.

Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đã thảo luận những bất cập này và góp ý vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

PHẠM TUYẾT

(0) Bình luận
Luật Khám bệnh, chữa bệnh còn nhiều vướng mắc, bất cập