Đặc sắc lễ hội chùa Minh Khánh

21/12/2018 15:41

Lễ hội chùa Minh Khánh (chùa Hương Đại), thị trấn Thanh Hà tưởng nhớ vua Trần Nhân Tông cùng nơi ngài đóng quân, chuẩn bị lực lượng chống giặc Nguyên Mông lần thứ 3.


Lễ rước mâm ngũ quả là tập tục từ xa xưa còn lưu giữ được cho đến ngày nay

Trải qua gần nghìn năm lịch sử, lễ hội ngày nay vẫn lưu giữ được nhiều phong tục từ thời cha ông để lại.

Lưu giữ nếp xưa

Một trong những tục lệ từ thời xa xưa còn lưu truyền đến ngày nay, tạo thành điểm nhấn của Lễ hội chùa Minh Khánh là tục rước cỗ. Cỗ ở đây được làm từ hoa quả quê hương, do chính bàn tay người dân địa phương trồng được. Mâm cỗ có tính nghệ thuật rất cao, đòi hỏi người "trồng cỗ" phải biết về trang trí nghệ thuật, khéo léo. Từ những sản vật thông thường như quả bưởi, quả cam, đu đủ, na..., nghệ nhân phải tạo hình thành các vật thiêng để cúng vua. Ông Nguyễn Văn Tân ở khu 3, thị trấn Thanh Hà - người "trồng cỗ" tiến vua suốt 20 năm qua cho biết: "Khâu chuẩn bị cho một mâm cỗ phải mất cả tháng. Đầu tiên là lên ý tưởng, sau đó huy động nguồn nguyên liệu hoa quả trong vườn của mỗi hộ dân. Việc trồng được một mâm cỗ ưng ý cũng rất công phu".

Mỗi khu dân cư thị trấn Thanh Hà sẽ làm một mâm ngũ quả theo từng chủ đề: cửu long tranh châu (chín con rồng tranh ngọc); cửu long bảo tháp (chín con rồng và tòa bảo tháp); long lân khánh hội (rồng lân mừng hội)... để cúng tiến. Lễ rước này thường được nhân dân tiến hành vào sáng ngày 30.10 âm lịch hằng năm. Từ sáng sớm, người dân 9 khu dân cư của thị trấn Thanh Hà tề tựu đông đủ tại Trung tâm Văn hóa huyện Thanh Hà.

Đi đầu là đội múa lân, đoàn rước phướn, cờ hội, ban nhạc lễ. Tiếp đến là kiệu rước, 9 mâm ngũ quả cùng đông đảo các bô lão, dân làng. Không khí buổi rước diễn ra vui tươi, náo nhiệt. Hai bên đường chật kín người xem. Lễ rước mâm ngũ quả được tiến hành từ vị trí tập kết vào sân chùa, dâng lên Phật và Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Đây là phần lễ được nhân dân phục dựng theo lối cổ. Đặc biệt đây cũng là dịp để người dân thể hiện tài năng, sự khéo léo cũng như giải trí sau những ngày lao động mệt mỏi.

Trong mâm cỗ còn có sản vật bánh dày dâng lên vua. Bánh được làm từ gạo nếp thơm với ý nghĩa gợi nhớ, biết ơn cái tên Hương Đại (người dân vẫn gọi nôm na là Túi Thơm) mà vua Trần Nhân Tông đã đặt cho quê hương mình.

Lễ hội chùa Minh Khánh còn có lễ rước sắc, lễ mộc dục và tế lễ. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian như cờ người, múa rối nước, diễn chèo, hát quan họ... mang tính cổ xưa. Để phù hợp hơn với nhu cầu hiện tại, gần đây, Ban tổ chức lễ hội đưa một số trò chơi mang tính giáo dục truyền thống, vui khỏe, làm sinh động thêm cho lễ hội.


Tương truyền 
di tích Lưu Huyết Bảo Tháp tại chùa chính là nơi cất giữ di nguyện bằng máu của Trần Nhân Tông

Điểm khác biệt

Chùa Minh Khánh khác hẳn với các ngôi chùa khác ở lệ thờ tiền tổ hậu Phật. Ngoài thờ Phật, chùa Minh Khánh còn thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ông còn là người có công lớn trong 2 lần đánh đuổi giặc Nguyên Mông. Thị trấn Thanh Hà và ngôi chùa này cũng là nơi gắn với tên tuổi của ngài.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ 3 đánh giặc Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông cùng binh sĩ đã tới vùng Bình Hà (nay là thị trấn Thanh Hà). Thấy nơi đây có địa hình sông nước hiểm trở, ngài quyết định xây dựng căn cứ chỉ huy đánh giặc. Nơi đây vẫn còn nhiều di tích như đền Ngự Dội (nơi thủ sắc của nhà vua, nơi quan nhà Trần đóng quân), xóm Kỳ (nơi đóng quân của đội cờ trận), xóm Chiềng...

Chùa Minh Khánh là nơi vua thường ngự. Trong thời gian đó, nhân dân địa phương đã dốc lòng giúp vua đánh giặc, giữ vững bờ cõi, phát triển kinh tế. Cảm về lòng mến khách, sự nhiệt tình của dân chúng, ông đã đặt tên cho làng là Hương Đại. Từ đó, chùa Minh Khánh còn được gọi là chùa Hương theo tên vua đặt. Cũng tại chùa Minh Khánh, trước khi xuất quân đánh giặc, Trần Nhân Tông đã cắt máu thề rằng: sau này đuổi được lũ giặc Nguyên Mông, đất nước yên bình ông sẽ xuống tóc đi tu. Tương truyền, di tích Lưu Huyết Bảo Tháp tại chùa chính là nơi cất giữ di nguyện bằng máu của ngài.

Trong "Thần tích, thần sắc làng Bình Hà", năm 1938 có ghi sự tích, sau khi dẹp giặc xong theo đúng như lời thề trước tró, ngài đã truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, rồi vào tu tại núi Yên Tử. Trong khi tu hành, ngài trở về làng Hương Đại, vãn cảnh chùa Minh Khánh. Ngài để lại ý nguyện sau khi viên tịch, một phần tro xương của mình sẽ được gửi về lưu tại chùa. 9 viên xá lỵ (tức tro xương) của ngài ngày nay vẫn được lưu giữ tại chùa Minh Khánh.

Chùa còn nhiều di tích cổ xưa để lại như 8 bệ đá trước cửa (còn gọi là giá cỗ), hệ thống tượng Phật, tháp cổ, 16 tấm bia cùng 13 đạo sắc phong thời Lê - Nguyễn. Với những giá trị lịch sử - văn hóa, năm 1925 toàn quyền Đông Dương đã ký văn bản xếp hạng Minh Khánh tự. Năm 1990, chùa Minh Khánh được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

 LÊ HƯƠNG - THÀNH CHUNG

(0) Bình luận
Đặc sắc lễ hội chùa Minh Khánh