Da diết làng quê, câu hát

29/08/2021 11:30

Sống và trưởng thành ở Sài Gòn nhưng không gian thơ Trương Nam Hương nhắc nhiều nhất lại chính là quê mẹ- Bắc Ninh.

Nhớ mẹ và làng quan họ

Nghe quan họ đêm rằm anh bật khóc
Lời chênh vênh uốn lượn mái chùa
Vịn câu hát anh lần về cội gốc
Chợt thấy mình có lỗi với làng xưa...
Bao mưa nắng đời anh chưa hiểu hết
Giờ xót xa thương mẹ nhớ làng
Mẹ cho của hồi môn là câu hát
Để con rời quê kiểng có hành trang
Mẹ thường bảo làng ta giàu cổ tích
Có bà tiên ông bụt giúp người
Nhưng mẹ vẫn một đời áo rách
Cố giữ lành câu quan họ thôi
Người để lại chiếc khăn hoa lý
Em nhớ cho đời mẹ xưa nghèo,
Vẫn thơm thảo mùi hương quả thị
Với câu thề quán dốc trăng treo
Giờ biết lấy cớ gì anh dối mẹ
Quan họ quên... rơi dọc tháng ngày
Sợi tóc rụng như lá vườn lặng lẽ
Mẹ không còn và mắt anh cay
Cứ ẩn hiện dáng đời trong câu hát
Lòng mẹ ta nhân hậu vô vàn
Vẻ thanh thoát nét hào hoa của trúc
Cũng nói lên cốt cách của làng
Đêm nay ngồi nghe em thay mẹ hát
Trăng tròn người thẹn nón đầu che
Chờ em hát đến “người ơi người ở...”
Hẳn lòng anh tủa rễ tựa cây đề.

TRƯƠNG NAM HƯƠNG

Không hiểu sao mỗi khi đọc bài thơ “Nhớ mẹ và làng quan họ” tôi lại muốn khóc. Có phải vì nỗi niềm của thi sĩ đã bật lên rưng rức ngay từ câu đầu tiên. Vì sự hoài niệm, khắc khoải ám ảnh suốt dọc bài thơ?

Sống và trưởng thành ở Sài Gòn nhưng không gian thơ Trương Nam Hương nhắc nhiều nhất lại chính là quê mẹ- Bắc Ninh. Mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa và thấm đẫm ân tình với những làn điệu dân ca quan họ. Chỉ riêng điều ấy thôi đã gợi biết bao cảm xúc, huống hồ với một tâm hồn thơ nhạy cảm lại cộng với nỗi niềm cách xa vời vợi. Tôi nhớ Trương Nam Hương từng có những câu thơ khái quát ấn tượng về bản quán: Trong tôi có chút sâu đằm/Của Kinh Bắc với thâm trầm cố đô.

Trong bài thơ, quê hương và bóng dáng người mẹ hiện lên rờ rỡ dù đã lặn tận sâu trong tâm tưởng. Quê hương đó là làng quan họ với mái chùa uốn lượn, những câu chuyện cổ tích đượm tình cùng bà tiên, ông Bụt; với nét thanh thoát, hào hoa của trúc; với vành trăng tròn vằng vặc... một vùng quê xứ Bắc nên thơ và đầy ân nghĩa. Trên mảnh đất và không gian ấy đã sinh ra những con người tài hoa, tâm hồn cao đẹp mà người mẹ là minh chứng sinh động, gần gũi nhất. Dù người chỉ là người mẹ nông thôn “một đời áo rách”. Người không có nhiều của nả để lại cho cháu con ngoài chiếc khăn hoa lý và những câu quan họ mượt mà nhưng đó lại là cả một gia tài giàu có mà phải mãi sau này, khi đã lăn lộn trên đường đời gió bụi, người con xa quê mới thấm: Bao mưa nắng đời anh chưa trải hết/ Giờ xót xa thương mẹ nhớ làng.

Điều mà mẹ để lại cho người con là vốn văn hóa, là tâm hồn, cốt cách, là tấm lòng bao dung độ lượng... những thứ đã thấm vào máu, vào tim một cách tự nhiên từ cuộc đời của mẹ: Nhưng mẹ vẫn một đời áo rách/Cố giữ lành câu quan họ thôi/...Em nhớ cho đời mẹ xưa nghèo/Vẫn thơm thảo mùi hương quả thị.

Từ những làn điệu quan họ da diết trọng tình: Với câu thề quán dốc trăng treo/Vẻ thanh thoát nét hào hoa của trúc với lời nhắn nhủ “người ơi người ở”.

Tâm tình trong từng điệu hát ấy đã trở thành hành trang cho người con “rời quê kiểng”. Dù cho “Quan họ quên... rơi dọc tháng ngày” thì có những điều vẫn không bao giờ mất. Bởi càng đi xa, càng thấm trải những bon chen, bất trắc giữa cuộc đời, người ta lại càng tha thiết tìm về những giá trị bền bỉ, cội rễ, thiêng liêng. Như tìm về một bến đỗ bình yên, thân thuộc, bao dung. Đó chính là cảm thức thường trực nhưng phải đợi khi có nguyên cớ - dẫu vô tình mới bật lên tức tưởi. Là nguồn cơn để  “nghe quan họ đêm rằm anh bật khóc”. Lời hát chênh vênh uốn lượn kia bỗng chốc đánh thức bao điều sâu kín mà nhức nhối tâm can: Vịn câu hát anh tìm về cội rễ/ Chợt thấy mình có lỗi với làng xưa.

Thấy có lỗi, có lẽ vì trước kia người con chưa thấy được những giá trị, vẻ đẹp của văn hóa quê hương, nét quê mùa, tảo tần của mẹ. Phải đến bây giờ, khi đủ trải nghiệm, nhận thức mới vỡ ra, bỗng “xót xa thương mẹ nhớ làng”. Chỉ có điều, nhận ra thì đã muộn “mẹ không còn và mắt anh cay”.

Những câu thơ vừa khơi gợi lại tự vấn da diết, khắc khoải  như cứa vào tim người đọc. Vừa đẹp, vừa buồn; vừa bừng thức lại nhoi nhói tâm can.

Nhưng trong dòng hoài niệm miên man ấy vẫn trong trẻo nỗi niềm hiện tại: Đêm nay ngồi nghe em thay mẹ hát/Trăng tròn người thẹn nón đầu che/Chờ em hát đến “người ơi người ở/Hẳn lòng anh tủa rễ tựa cây đề”.

Lời hát của người em gái như tiếp nối truyền thống, kéo dài văn hóa quê hương. “Em thay mẹ hát” nhưng hy vọng cuộc đời em đỡ vất vả hơn cuộc đời của mẹ. Chỉ có cái tình, cái nghĩa của người quan họ thì đừng bao giờ để mất nghe em!

Có khá nhiều bài thơ hiện đại về vùng quê Kinh Bắc nhưng hiếm bài thơ nào để lại cảm xúc vừa lắng đọng, vừa dạt dào như “Nhớ mẹ và làng quan họ”. Đó là bởi tình cảm nồng nàn, chân thực từ dòng hoài niệm thăng hoa. Sự hòa trộn từ nỗi nhớ, sự ám ảnh và cảm thức về quê, về mẹ và cuộc đời dệt thành một thi phẩm đầy sức gợi, lan tỏa. Thể thơ tự do với mạch thơ nhuần nhị mà ào ạt, lấp lánh phong vị dân gian để lại những câu thơ ấn tượng: Mẹ cho của hồi môn là câu hát/...Sợi tóc rụng như lá vườn lặng lẽ.

Trương Nam Hương làm cho những người không sinh ra trên quê hương Kinh Bắc cũng chợt thấy “nhớ mẹ và làng quan họ” da diết!

 NHẤT MẠT HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Da diết làng quê, câu hát