Đã đến lúc có cơ chế để tích tụ ruộng đất

11/12/2019 17:36

Chiều 11.12, các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ.


Đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện) đề nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ người dân tập trung sản xuất

Đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc) cho biết hiện nay tình trạng nông dân bỏ ruộng khá nhiều. Xu thế tích tụ ruộng đất đã hình thành khá rõ. “Nhiều người từ các huyện Thanh Hà, Kim Thành sang Gia Lộc thuê ruộng sản xuất, bước đầu có hiệu quả.

Vì vậy trong phương hướng năm 2020, tỉnh cần đề cập kỹ hơn đến việc tạo cơ chế, điều kiện để các doanh nghiệp, HTX có khả năng được tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Gia Lộc hiện đã có chủ trương hỗ trợ cho người tích tụ từ 5 ha trở lên”, đại biểu Toản nói.

Đồng quan điểm với đại biểu Toản, đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện) cho biết huyện Thanh Miện hiện có hơn 100 ha ruộng bỏ hoang. Đây là tư liệu sản xuất quan trọng của người nông dân nhưng đang bị lãng phí.

"Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ người dân tập trung sản xuất. Huyện sẽ tiến hành khảo sát những hộ dân bỏ ruộng xem còn nhu cầu sản xuất nữa hay không để huyện thống kê, báo cáo tỉnh xin cơ chế cho người dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, qua đó hình thành sản xuất tập trung, quy mô lớn", đại biểu Mạnh nói. 

Cũng liên quan đến sản xuất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Khắc Toản cho rằng cần bỏ kiểu sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, phải hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cho ra sản phẩm sạch. Theo đại biểu Toản, đến thời điểm này cần thực hiện và có chỉ tiêu cụ thể cho việc phát triển nông nghiệp sạch.

“Gia Lộc hiện có 12 ha đất sản xuất trong nhà màng, nhà lưới nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Sản phẩm nông nghiệp sạch không lo đầu ra. Vì vậy cần xác định rõ mục tiêu, định hướng cụ thể về mở rộng sản xuất trong nhà màng, nhà lưới trong năm 2020”, đại biểu Toản phân tích. 

Tuy nhiên, theo đại biểu Toản tỉnh cần quan tâm giải quyết vấn đề nguồn nước tưới phục vụ sản xuất. Gia Lộc là huyện nông nghiệp và đang hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch nhưng nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của huyện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

"Có lúc huyện đã phải đóng cống đầu nguồn, bơm nước thải ra sông ngoài. Cách làm này chỉ là tình thế và không phải biện pháp tốt, không thể kéo dài", đại biểu Toản nói.

Đại biểu Trần Thị Mai (Bình Giang) nêu ý kiến, việc chuyên canh sản xuất nông nghiệp có hiệu quả lớn, tuy nhiên vẫn phụ thuộc lớn vào điều kiện môi trường, sức cạnh tranh thấp, khó bảo quản. Trong tình hình này, UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết “Quy định chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh” là rất cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng đối tượng quy định trong dự thảo còn chung chung. Theo đại biểu, nghị quyết cần quy định rõ thời điểm bắt đầu hỗ trợ, thời gian hỗ trợ bao lâu để có đánh giá. Bên cạnh đó, cần làm rõ các dự án có được hưởng nhiều chế độ hỗ trợ cùng lúc hay không?

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Đồng Dũng Mạnh cho biết năm 2019, người chăn nuôi thiệt hại nặng do dịch tả lợn châu Phi, nhiều gia đình trắng tay, một số lâm vào cảnh nợ nần. Song, việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại rất chậm. 

Làm rõ ý kiến của đại biểu Mạnh, đồng chí Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết đến ngày 5.12.2019, đã có 254 trong tổng số 255 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh công bố hết dịch tả lợn châu Phi, chỉ còn duy nhất xã Hiệp Cát (Nam Sách) chưa qua 30 ngày.

Theo thống kê, tổng thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gần 1.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ cho người chăn nuôi 890 tỷ đồng, số còn lại hỗ trợ cho người dập dịch, mua hóa chất khử trùng...

Đến nay, tỉnh hỗ trợ 2 đợt với 769 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ người chăn nuôi 736 tỷ đồng... Giám đốc Sở Tài chính đề nghị các huyện chỉ đạo quyết liệt việc thanh toán tiền hỗ trợ cho người dân đợt 2 để hoàn thiện toàn bộ việc hỗ trợ cho người chăn nuôi.

"Đến thời điểm này còn 208 tỷ đồng chưa chi, trong đó 154 tỷ đồng hỗ trợ cho người chăn nuôi, số còn lại chi cho công tác dập dịch, mua hóa chất khử trùng. Nguyên tắc là các lần hỗ trợ trước phải xong thì mới hỗ trợ tiếp lần sau", Giám đốc Sở Tài chính nói.

Ngày 12.12, HĐND tỉnh tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn và một số nội dung khác.

NHÓM PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đã đến lúc có cơ chế để tích tụ ruộng đất