Cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca phủ nhận cáo buộc chiếm đoạt 35 tỷ đồng hay đồng ý chạy án, còn bên đưa tiền khẳng định ông nhận vì hứa giúp "thoát lao lý".
Sáng nay, trình bày nội dung kháng cáo tại phiên phúc thẩm mở tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Ninh, cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca khai "không hiểu vì sao" vợ chồng Trương Xuân Đước lại viết đơn tố cáo ông chiếm đoạt 35 tỷ. Ông coi Đước như anh em ruột, "không có tiền cho thì thôi chứ không thể chiếm đoạt tiền của người này một cách ngớ ngẩn như vậy".
Theo ông Ca, khi Đước bỏ trốn do bị Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra trốn thuế, vợ là Ngọc Anh đã đến nhà nhờ tìm cách cứu chồng. Khi biết doanh thu công ty là 200 tỷ đồng và Đước hưởng bất chính 10% bằng việc mua bán hóa đơn, ông Ca nói Ngọc Anh chuẩn bị ngay số tiền đã chiếm đoạt và thêm một khoản để phòng phát sinh để nộp khắc phục hậu quả.
"Tôi hướng dẫn cụ thể nhưng không nói Ngọc Anh phải mang tiền đến nhà tôi và không nói mang đi chạy tội. Tôi yêu cầu mang tiền khắc phục xong sẽ đưa Đước ra đầu thú, cao lắm thì đi tù vài tháng", ông Ca khai tại trước Hội đồng xét xử TAND Cấp cao.
Ông Ca khẳng định bốn lần vợ chồng Ngọc Anh mang tiền đến đều như "chạy loạn", vứt bao đựng tiền vào nhà, nhắc cất đi. "Tôi không biết tổng số tiền và cũng không nhìn thấy trong đó có tiền thật hay không, chỉ nghe vợ chồng Ngọc Anh nói là tiền".
Khi việc đưa tiền bị điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh đến nhà "kiểm đếm và thông báo là 35 tỷ", ông đã bàn giao toàn bộ ngay, cựu giám đốc Công an Hải Phòng khai và cho hay không động đến các gói tiền này.
Trước lời khai trên của ông Ca, chủ tọa hỏi: Tại sao ông Ca và Đước coi nhau như anh em ruột thịt, không thù oán gì, không làm sai thì làm sao đưa nhau đi tù. Ông Ca đáp: "Không hiểu vì sao lại bị họ tố cáo".
Sáng nay, trình bày quan điểm không cầm tiền chạy án, không chiếm đoạt tiền nhưng ông Ca không kêu oan mà chỉ muốn giảm tội. "Bị cáo nhận thấy tiền để trong nhà ba tháng là phạm tội rồi", ông Ca nói trước tòa phúc thẩm.
Khi đối chất, vợ chồng Ngọc Anh thừa nhận chủ động tìm đến ông Ca để nhờ giúp thoát lao lý và có đưa tiền.
Ông Đước nói nếu ông Ca không đồng ý giúp chạy án thì không đem số tiền lớn đến làm gì, "không muốn nói ra cho xong, nói lại ra lại đau lòng, sự thật là sự thật rồi".
Phiên phúc thẩm mở do ông Ca cùng bị cáo Đước, Ngọc Anh, Nguyễn Đình Đương (cựu chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải) và Đặng Khắc Thành, Hà Thị Nhàn kháng cáo xin giảm hình phạt. 7 bị cáo còn lại chấp nhận mức án sơ thẩm, không kháng cáo.
Trong phiên tòa diễn ra hơn 3 tiếng, Hội đồng xét xử nhận định bị cáo Ca ban đầu không thừa nhận hành vi nhận tiền chạy án nhưng sau đó đã hiểu và nhận tội, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, được nhiều cơ quan ban ngành có đơn xin giảm án, nhiều tuổi và có bệnh. Bị cáo đã nộp đủ 35 tỷ nhận của vợ chồng Đước và còn nộp hộ hai người này 1,1 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả nên có căn cứ để giảm án.
Bị cáo Đước chỉ được xem xét giảm án cho tội Đưa hối lộ vì thành khẩn khai báo, hành vi phạm tội chưa thực hiện được. Các bị cáo khác đều có tình tiết giảm nhẹ nên đủ căn cứ giảm án.
Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên thay đổi một phần bản án sơ thẩm, phạt bị cáo Ca 7 năm tù, giảm 3 năm; bị cáo Đước 7 năm tù, giảm 2 năm. Ngọc Anh bị tuyên 3 năm 3 tháng tù; Đương 5 năm; Thành 15 tháng tù. Riêng Nhàn 12 tháng 5 ngày tù, trả tự do tại tòa do đã chấp hành đủ.
Ngày 12/4, TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên ông Ca 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Đước án 9 năm, Ngọc Anh 4 năm 6 tháng về tội Mua bán hóa đơn; chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và Đưa hối lộ; Đương 6 năm 6 tháng do Nhận hối lộ; Thành và Nhàn 15-18 tháng tù về tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.