Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh xác định ông Ca đã bốn lần nhận tiền, tổng 35 tỷ đồng, của vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước với hứa hẹn chạy án, rồi chiếm đoạt.
Trong bản án tuyên chiều nay 12/4, tòa nhận định ông Đỗ Hữu Ca đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân, gây ảnh hưởng xấu dư luận. Hành của của ông Ca thuộc tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần. Ông Ca vì thế bị tuyên 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hôm qua, Viện Kiểm sát đề nghị mức phạt 10-11 năm.
Tòa ghi nhận trong quá trình công tác ở lực lượng công an, bị cáo được tặng nhiều bằng khen, huân huy chương. Quá trình trả lời xét hỏi, ông Ca tỏ ra ăn năn, nhận tội. Ông được UBND Hải Phòng, Công an Hải Phòng, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có đơn xin giảm tội. Các tình tiết này cùng với việc mắc bệnh hiểm nghèo, là người cao tuổi, cựu giám đốc Công an Hải Phòng được tòa áp dụng nhiều điểm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ở hành vi khác trong vụ án, bị cáo Trương Xuân Đước bị tuyên 24 tháng tù về tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và 7 năm tù do đưa hối lộ, tổng hình phạt 9 năm tù. Ông Đước bị Hội đồng xét xử đánh giá là có vai trò cao nhất trong vụ án.
Vợ ông Đước là Nguyễn Ngọc Anh nhận 18 tháng tù về tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và 3 năm tù do đưa hối lộ, tổng hình phạt 4 năm.
Vợ chồng ông Đước chủ động khai báo hành vi đưa hối lộ nên được cơ quan chức năng trả lại 15 trong 35 tỷ đồng đã đưa cho ông Ca.
Ở tội nhận hối lộ, ông Nguyễn Đình Đương, cựu chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Cát Hải, bị tuyên 6 năm 6 tháng và nhân viên dưới quyền Đỗ Thanh Hoài án 4 năm 6 tháng năm về tội nhận hối lộ.
Ông Đặng Khắc Thành bị đề nghị 18 tháng tù và Hà Thị Bích Nhàn bị tuyên 15 tháng tù với tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Các bị cáo Hà Thị Trang, Đỗ Thị Đua, Vũ Ngọc Tú, Chu Thị Thu Hiền, Nguyễn Hiền Tài và Ngô Văn Tuyên bị phạt từ 300 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng với tội trốn thuế.
Cáo trạng và bản án nêu, ông Đước bắt đầu buôn bán hóa đơn trái phép kiếm lời từ năm 2005 khi thành lập Công ty Cổ phần Khánh Dung. Ban đầu, vợ chồng Đước mua hóa đơn đầu vào với giá từ 5 đến 6% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT). Năm 2018, ông Đước thấy việc mua hóa đơn của người khác có nhiều rủi ro, dễ bị phát hiện nên lập nhiều công ty để vừa làm nguồn cấp hóa đơn đầu vào vừa xuất bán hóa đơn trái phép cho người khác.
Đến khi bị bắt, ông Đước và vợ đã thành lập 26 công ty "ma". Việc mua bán hóa đơn trái phép của vợ chồng Đước diễn ra trong một thời gian dài nhưng không bị phát hiện, xử lý.
Nhà chức trách cho biết do thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự của tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là 10 năm (tội phạm nghiêm trọng) nên việc truy cứu các hóa đơn của hai bị can này tính từ 2/2013, với hơn 15.600 tờ hóa đơn mua bán trái phép.
Tổng số tiền hàng giao dịch ghi trên hóa đơn hơn 6.000 tỷ đồng. Vợ chồng ông Đước thu lời bất chính hơn 41 tỷ đồng sau khi trừ hết chi phí.
Theo nhà chức trách, để dễ làm ăn, vợ chồng Đước móc nối với chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Cát Hải Nguyễn Đình Đương và cán bộ thuế Đỗ Thanh Hoài.
Từ 8/2021 đến 8/2022, vợ chồng ông Đước đưa cho ông Đương và Hoài tổng cộng 362 triệu đồng. Trong số này, 70 triệu đồng là phong bì khi gặp gỡ, 100 triệu đồng khi thành lập hai công ty mới và 192 triệu đồng "lương" hàng tháng theo thỏa thuận.
Năm 2022, hành vi của Đước bị Công an tỉnh Quảng Ninh đưa vào tầm ngắm. Vốn có quan hệ thân tình 19 năm, được cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca coi như em trong nhà nên ông Đước trước khi bỏ trốn đã bảo vợ đến nhờ vả.
Khi ông Ca hỏi chuyện và nói cần phải chuẩn bị tiền để khắc phục hậu quả, vợ chồng Đước bốn lần mang nhiều bao tải tiền đến với ý nghĩ đây là tiền chạy án, tổng cộng 35 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Đước vẫn bị bắt vào ngày 3/2/2023, 4 ngày sau đến lượt Ngọc Anh. Việc đưa tiền bị phát hiện. Ngày 15/3/2023, ông Ca bị bắt.
Làm việc với cơ quan điều tra và trong ngày đầu tiên tại tòa, ông Ca khai có việc vợ chồng Đước mang tiền đến nhà nhờ lo việc. Sai phạm của Đước là mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng nên ông có nói "muốn cứu thì gia đình phải bồi hoàn tiền chiếm đoạt của nhà nước" và thêm khoản tiền nữa đề phòng phát sinh.
"Tôi nói với Ngọc Anh rất kỹ, không hề bảo mang tiền chạy tội và không bảo mang tiền đến nhà tôi", ông Ca khai và khẳng định "không gặp ai để tác động hay chạy tội". Các bao tiền, ông không sờ tới. Chỉ khi cơ quan công an kiểm đếm, ông mới biết đó là 35 tỷ đồng.
Phản đối lời khai này, ông Đước nói "ông anh dám làm không dám nhận". Theo đó, nếu ông Ca không yêu cầu thì gia đình mình không rút tiền từ ngân hàng. "Tự dưng tôi cầm tiền mang về mà không có việc gì thì có phải là điên đâu", ông Đước trình bày.
Sau một đêm suy nghĩ, ở ngày làm việc thứ hai của ông Tòa, ông Ca bất ngờ nhận tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông nói thấy nhận thức của mình trước đây chưa đúng, một phần do tuổi già nên tiếp cận cái mới khó khăn, suy nghĩ pháp luật lỗi thời.
Trong lời nói sau cùng tại tòa, ông Ca, người từng 9 năm làm Giám đốc Công an Hải Phòng, khẳng định cả đời chưa bao giờ gian dối, thất kính với người khác, dù nghỉ hưu nhưng cuộc sống không quá khó khăn đến mức phải lừa tiền người em thân thiết "một cách ngớ ngẩn như vậy".
Nghe người anh nói lời cuối trước tòa, Đước cũng ngậm ngùi: "Xin Hội đồng xét xử giảm tội cho anh Ca, còn tôi không cần gì cả".
TN (theo VnE)