Cựu giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt khai thấy bất thường khi cấp dưới đưa 500 triệu đồng "quà" của Việt Á sau đấu thầu kit test, nhưng bận chống dịch nên quên trả.
Chiều 5/3, ông Việt, 51 tuổi, cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội và cựu trưởng phòng Tài chính Lê Minh Tuyến, 50 tuổi, bị Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử về tội Vi phạm quy địnhvề đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, sauhai lần hoãn vì lý do sức khỏe của ông Việt.
Ông Việt bị cáo buộc "móc nối, thông đồng" với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nâng giá mua kit test Covid-19. CDC Hà Nội sau đó nhận "lại quả" 1,3 tỷ đồng, trong đó ông Việt là 500 triệu đồng.
Tại toà, nêu lại bối cảnh phạm tội, ông Việt nói tháng 6/2020, khi đang làm Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ông được điều động phụ trách CDC Hà Nội tháng 6/2020, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Người tiền nhiệm là ông Nguyễn Nhật Cảm bị bắt trong vụ bê bối liên quan "thổi giá" thiết bị xét nghiệm, sau đó nhận hình phạt 10 năm tù.
Trong giai đoạn ông Cảm làm giám đốc, CDC Hà Nội được xác định đã tiếp nhận 61.100 kit xét nghiệm Covid-19 từ Việt Á nhưng chưa thanh toán.
Ông khai suốt quá trình đấu thầu kit test, không gặp gỡ riêng với Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt mà chỉ hai lần gặp ở trung tâm, khi Việt Á tới gửi công văn đòi tiền chứ "CDC không mời họ đến làm việc". Tại các buổi gặp gỡ này, theo ông, đại diện Việt Á chỉ muốn thanh toán nốt tiền và bày tỏ nếu có gói thầu tiếp theo thì mong muốn được tham gia.
Tại cuộc họp công khai sau đó, cựu giám đốc CDC khai có nhiều người dự gồm lãnh đạo, trưởng, phó các phòng ban, trên dưới 10 người nên "mọi việc rất rõ ràng". Do sự việc đã quá lâu, ông cho hay không nhớ từng câu chữ mình chỉ đạo, song "nói đại ý" là kit của Việt Á được các chuyên môn đánh giá đạt yêu cầu, trước đây CDC đã sử dụng và phù hợp, "cố gắng mua được sản phẩm như vậy".
Về các tiêu chuẩn khoa xét nghiệm đưa ra cho kit test, ông Việt nói chuyên ngành của mình là tim mạch nên không có kiến thức về chống dịch. Các vấn đề liên quan thầu, ông đều phải dựa vào các khoa chuyên môn để thực hiện.
Trước lời khai này, chủ tọa Vũ Quang Huy truy vấn "trước đó bị cáo vừa khai chỉ đạo cuộc họp là ‘cố gắng mua sản phẩm như của Việt Á’? Là người đứng đầu, phải nhận thức thông số kỹ thuật đảm bảo khách quan chứ?". Ông Việt đáp, ban đầu không nhận ra, khi đóng hai gói thầu mới biết như thế là có lợi cho Việt Á.
Về việc nhận tiền "cảm ơn" của Việt Á, ông Việt khai ngay khi Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt nói có quà cho CDC, ông đã giao cho bị cáo Tuyến tiếp nhận. Việc này nói giữa cuộc họp, có nhiều người biết. Khi ông Tuyến mang tiền lên phòng, ông Việt nói sắp đi họp nên "rất vội, từ chối nhiều lần" nhưng cuối cùng vẫn nhận. Đi họp về, nhận thấy số lượng tiền "nhiều bất thường", ông định trả lại nhưng "chống dịch gấp rút, công việc ào ào" nên quên, mãi về sau mới biết là quà của Việt Á.
HĐXX dẫn lời khai của ông Việt tại cơ quan điều tra rằng ngay khi đưa tiền, ông Tuyến nói rõ của Việt Á. Ông Việt sau đó còn hỏi lại "với người khác thì thế nào?" và được cấp dưới trả lời "xong xuôi cả rồi", đồng thời đưa tờ giấy ghi các con số, ông Việt có xem qua.
Toàn bộ số tiền 500 triệu đồng nhận, ông Việt đã được vợ khắc phục.
Khai báo sau đó, bị cáo Tuyến khẳng định sau khi cầm tiền của Việt Á đã chia cho nhiều cán bộ khác trong CDC chứ không hưởng riêng 800 triệu đồng. Song tại cơ quan điều tra, các cá nhân này đều phủ nhận.
Ông Tuyến hôm nay vẫn nói: "Có thế nào khai vậy. Họ phủ nhận, bị cáo cũng không có cách nào khác". Các cá nhân trên được tòa triệu tập song đều có đơn xin vắng nên không thể đối chất trực tiếp.
Ông Việt và Tuyến đều được đánh giá có nhiều tình tiết giảm nhẹ, được VKS đề nghị phạt án tù treo, trong đó ông Việt 30-36 tháng, ông Tuyến 24-30 tháng.
Do ông Tuyến còn thiếu 80 triệu đồng trong nghĩa vụ khắc phục hậu quả và có nguyện vọng nộp trong sáng mai, tòa nghị án kéo dài để "tạo điều kiện" cho bị cáo này nộp nốt tiền.
Tòa thông báo sẽ tuyên án chiều mai, lúc 14h30.
VKS cáo buộc, ngay khi nhận nhiệm vụ tại CDC Hà Nội, ông Việt và ông Tuyến đã mời Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt và phó tổng giám đốc Vũ Đình Hiệp đến họp, thống nhất việc thanh toán cho 61.000 kit xét nghiệm và "làm thế nào để đảm bảo Việt Á trúng thầu bán kít xét nghiệm cho CDC Hà Nội để Việt Á đỡ thiệt".
Hai tháng sau, được cấp dưới báo cáo nhu cầu bổ sung hơn 45.000 kit test trong khi còn nợ Việt Á rất nhiều tiền, ông Việt chỉ đạo bà Đỗ Thị Thu (Phó khoa Dược, vật tư y tế) xây dựng tính năng kỹ thuật của kit xét nghiệm khi đưa ra đấu thầu như thế nào để đảm bảo Việt Á trúng thấu, "có lợi nhuận, bù vào số tiền CDC Hà Nội chưa thanh toán", cáo trạng nêu.
Về phía Việt Á, lãnh đạo Việt và Hiệp cũng chủ động phối hợp CDC Hà Nội để cùng làm hồ sơ sao cho Việt Á trúng thầu. Hiệp cung cấp cho bà Thu bảng chào giá, nói về những tính năng bắt buộc phải đưa vào hồ sơ mời thầu, nhằm đảm bảo Việt Á trúng thầu.
Ngày 6/8/2020, bà Thu có phiếu đề xuất mua hóa chất, sinh phẩm, vật tư phục vụ chống dịch vào 5 tháng cuối năm 2020. Trong đó có 38.300 kit, đơn giá 470.000 đồng/kit, tổng giá trị 18 tỷ đồng.
Phiếu đề xuất được ông Việt phê duyệt và được CDC triển khai thành hai gói thầu.
Gói thứ nhất, số lượng 10.000 kit xét nghiệm, tổng 4,7 tỷ đồng, được thực hiện theo phương pháp chỉ định thầu rút gọn. Nhà chức trách xác định chưa đủ căn cứ kết luận CDC Hà Nội có sai phạm.
Gói thầu thứ hai, tổng giá trị 13,1 tỷ đồng, được thực hiện theo phương pháp đấu thầu rộng rãi. Dựa trên các thông số trước đó đã trao đổi với Việt Á, ông Việt tiếp tục chỉ đạo bà Thu cung cấp thông tin về kit Việt Á cho cơ quan thẩm định giá để ban hành chứng thư thẩm định với thông số kỹ thuật đặc thù, chỉ có sản phẩm do Công ty Việt Á sản xuất mới có.
Sau khi CDC Hà Nội đăng hồ sơ mời thầu, đến thời điểm đóng thầu, chỉ có Công ty Việt Á nộp hồ sơ, do đó trở thành nhà cung cấp cho CDC Hà Nội với giá trị hợp đồng 13 tỷ đồng.
Bộ Công an, VKSND Tối cao phối hợp Viện Khoa học hình sự và các đơn vị thuộc Bộ Y tế tiến hành thực nghiệm điều tra, xác định giá kit xét nghiệm của Việt Á (đã bao gồm 5% lợi nhuận) tối đa là 143.000 đồng/kit. Do đó, thiệt hại của vụ án là số tiền chênh mà CDC Hà Nội đã trả cho Việt Á trong gói thầu thứ hai, tức hơn 9 tỷ đồng.
Nhà chức trách cáo buộc, sau khi đấu thầu thành công hai gói cung cấp vật tư, CDC Hà Nội được Việt Á "cảm ơn" hơn một tỷ đồng. Trưởng phòng Tài chính Lê Minh Tuyến nhận hơn 1,3 tỷ đồng từ phó tổng giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp, ngay sau đó mang lên phòng làm việc của ông Trương Quang Việt, đưa 500 triệu đồng. Ông Tuyến hưởng lợi 830 triệu đồng và đưa cho bà Thu 30 triệu đồng.
VKS đánh giá, bà Thu không biết tiền này là của Việt Á, chỉ làm việc theo chỉ đạo của cấp trên, không nhằm động cơ vụ lợi. Bà Thu thành khẩn và nộp lại 30 triệu đồng, do đó không bị xử lý hình sự mà bị đề nghị xem xét kỷ luật.
Liên quan vụ án, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt và cấp phó Vũ Đình Hiệp trước đó đã hầu tòa hai lần, trong vụ án liên quan Học viện Quân y hồi cuối tháng 12/2023 và vụ án liên quan cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tháng 1 vừa qua.
Ngoài sai phạm tại CDC Hà Nội, cơ quan điều tra cáo buộc Việt Á đã thông thầu tại 20 địa phương khác để được cung cấp kit xét nghiệm Covid-19 với giá cao, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 400 tỷ đồng.
T.H (theo VnExpress)