Ông Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, bị cáo buộc đã ký nhiều văn bản trái pháp luật tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác quặng apatit trái phép và được "cảm ơn" 5 tỉ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Bí thư Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh cùng 15 bị can trong vụ án khai thác khoáng sản trái phép.
Ông Nguyễn Văn Vịnh bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng tội danh, viện kiểm sát truy tố hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Lào Cai gồm: Doãn Văn Hưởng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Dương và Lê Ngọc Hưng (đều là cựu Phó Chủ tịch tỉnh); Mai Đình Định, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Phan Văn Cương, cựu Phó Ciám đốc Sở Công Thương…
7 người ở Công ty Apatit Việt Nam gồm: Nguyễn Quang Huy (cựu Tổng Giám đốc); Phạm Cao Khiêm (cựu phó tổng giám đốc); Nguyễn Ngọc Bích (cựu chủ tịch hội đồng thành viên)… bị truy tố tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Riêng ông Nguyễn Mạnh Thừa, giám đốc Công ty Lilama, bị truy tố 2 tội là rửa tiền và vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Theo cáo trạng, năm 2009, Công ty Lilama được cấp giấy chứng nhận để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng tại xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai, trên diện tích 3,77ha.
Tuy nhiên, công ty này đã dựa vào văn bản không đúng thẩm quyền của UBND tỉnh Lào Cai để tận thu apatit, khai thác khoáng sản trái phép một cách công khai.
Công ty Lilama sau đó ký hợp đồng với Công ty Apatit Việt Nam để bán toàn bộ số quặng khai thác chui, thu lời bất chính. Các bị can đã khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng apatit các loại, giá trị hơn 610 tỉ đồng, cáo trạng nêu.
Hành vi của các bị can bị cáo buộc đã làm mất nguồn tài nguyên dự trữ khoáng sản quốc gia. Trong đó, bị can Thừa thu lời bất chính hơn 183 tỉ đồng, Công ty Apatit Việt Nam thu lời bất chính hơn 184 tỉ đồng.
Để xảy ra sai phạm dẫn tới doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong thời gian dài, kết quả điều tra xác định có trách nhiệm liên đới của hàng loạt cựu quan chức tỉnh Lào Cai, từ cựu bí thư, cựu chủ tịch tỉnh đến lãnh đạo một số sở ngành.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Văn Vịnh khi còn là phó chủ tịch tỉnh giai đoạn 2012-2015, chịu trách nhiệm về công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Tuy nhiên, quá trình thực thi công vụ, ông Nguyễn Văn Vịnh đã có nhiều chỉ đạo, ký nhiều văn bản, giấy chứng nhận đầu tư bị cho là trái quy định pháp luật tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép.
Ông Vịnh biết rõ diện tích 3,77ha tại thôn 2, xã Đồng Tuyển thuộc khai trường 18 đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch quặng apatit và thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Vịnh đã ký giấy chứng nhận đầu tư cùng nhiều văn bản và tài liệu khác có liên quan không đúng thẩm quyền, trái quy định pháp luật.
Hành vi của ông Vịnh bị xác định đã tạo điều kiện cho Công ty Lilama và Công ty Apatit khai thác, tiêu thụ trái phép hơn 974 tấn quặng trong phạm vi 3,77ha.
Viện kiểm sát xác định trong công tác quản lý nhà nước thì ông Nguyễn Văn Vịnh chịu trách nhiệm chính, các cựu lãnh đạo còn lại là người thực hành.
Đáng chú ý, quá trình điều tra, ông Nguyễn Văn Vịnh và giám đốc Công ty Lilama khai nhận vào Tết Nguyên đán năm 2015, doanh nghiệp này đã đến phòng làm việc biếu quà Tết cựu bí thư 5 tỉ đồng.
Việc biếu quà Tết được thực hiện sau khi ông Nguyễn Văn Vịnh làm bí thư Tỉnh ủy Lào Cai và sau khi Công ty Lilama đã san gạt xong mặt bằng dự án, khai thác và tiêu thụ trái phép xong quặng apatit.
Sau khi nhận 5 tỉ đồng "cảm ơn" từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Vịnh đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết.
Hành vi của cựu bí thư cùng các cựu lãnh đạo tỉnh Lào Cai bị cáo buộc đã xâm hại đến uy tín Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng".
Do đó, viện kiểm sát cho rằng cần phải đưa các bị can ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Theo Tuổi trẻ