Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương, thời điểm cuối tháng 7, tiền gửi dân cư là gần 173.100 tỷ đồng, chiếm 85% trong cơ cấu nguồn vốn huy động tại ngân hàng.
Thời điểm cuối tháng 7/2024, tổng nguồn vốn huy động toàn ngành ngân hàng trong tỉnh ước gần 203.620 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cuối năm 2023, tăng 1% so với cuối tháng 6. Trong đó, tiền gửi từ dân cư chiếm 85% tổng nguồn vốn huy động, đạt gần 173.100 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2023, tăng 1% so với cuối tháng 6.
Ở chiều ngược lại, thời điểm cuối tháng 7 tổng dư nợ tín dụng đạt 141.100 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm 2023, tăng 0,2% so với tháng trước.
Như vậy, chênh lệch giữa nguồn vốn huy động và dư nợ toàn ngành ngân hàng trong tỉnh hơn 62.500 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với cuối tháng 6, thấp hơn gần 640 tỷ đồng so với mức chênh lệch trung bình 7 tháng năm 2024.
Trên phạm vi cả nước, số tiền trong dân gửi trong ngân hàng đạt 15-16 triệu tỷ đồng. Tại cuộc họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành, cơ quan về chính sách tiền tệ chiều 5/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu cần có giải pháp để nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh, chứ không phải chỉ nằm trong ngân hàng. Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giữ mức lãi suất cho vay, thậm chí giảm lãi cho vay với các lĩnh vực ưu tiên…