Khói Tết bập bùng từ chiều hai tám, hai chín cho tới cuối ngày ba mươi. Tôi gọi đó là làn khói của nhung nhớ, của sự chờ đợi.
Ngồi bên bạn một chiều đông thảnh thơi, cạnh chiếc bếp tự chế của bà cụ bán nước vừa dùng để sưởi ấm, vừa dùng để nướng ngô khoai, tự dưng lòng lại xao xuyến, nhớ quay quắt, nhớ cồn cào đến cay xè cả mắt mũi mùi khói ở quê. “Nhớ chi lạ lùng, nhớ gì không nhớ lại nhớ khói”, bạn cười khi tôi nói rằng đang rất nhớ khói.
Cuối năm, tần suất những cơn gió bấc ập về càng dầy đặc. Mặc dù không phải là nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng của cơn lạnh mạnh nhất nhưng nó cũng đủ làm người dân quê tôi co ro, run rẩy. Những cơn gió bấc gợi ký ức tôi nhớ mùa đốt đồng ở quê. Thường thì mùa bấc về trùng với mùa đốt đồng, lúc ấy cũng chừng non tháng nữa là Tết. Những rơm, những rạ, những thân cây ngô khô, cỏ dọc bờ ruộng được vun lại thành từng đụn để đốt lấy tro, cho kịp mùa đổ ải sắp tới. Mùa đốt đồng nào tôi cũng theo chân ba ra ruộng, mặc dù ba ra sức ngăn cản bắt tôi ở nhà. Tôi thích được hít cho đầy lồng ngực cái mùi khói của rơm, của rạ và mùi của đất ngai ngái quyện vào nữa. Và hét lên sung sướng khi đống lửa bùng cháy, kéo theo sau là ngọn khói đen kịt bốc lên tận ngút trời cao.
Nhưng thích hơn cả vẫn là khoảnh khắc cùng đám bạn trong làng chăn trâu đồng chiều rồi gặp người lớn đốt rác. Cả đám mười đứa như một, thả trâu, chân trần chạy nhảy từ ô ruộng này tới ô ruộng khác, thi thoảng lại còn “làm xiếc” trên những đống lửa bé sắp tàn. Thằng Kiên sau khi vượt qua những sợi khói trên đống lửa rồi tự phong mình là “siêu nhân”, còn cái Hà dang rộng cánh tay làm động tác là là tưởng rằng mình đang bay trên bầu trời rộng lớn. Cũng có khi, bọn trẻ ăn theo “mùa đốt đồng” kiếm củi, rơm rạ, kèm theo mấy củ sắn, củ khoai nướng, “bày trận” giữa đồng. Chao ôi, ngon hết ý! Cho đến tận bây giờ mỗi khi nhắc đến, tôi vẫn cho rằng đó là thức quà ngon nhất mà tôi từng được thưởng thức. Cắn miếng khoai bở tan trong miệng, giữa tiết trời lạnh giá, lại cùng khói quyện hòa dễ gì mà quên được cơ chứ!
Cuối năm, dù bận rộn cỡ nào mẹ cũng vun vén ngõ vườn nhà sạch sẽ. Cái vườn rộng thênh thang, nào nhãn, nào ổi, nào mít, đến đông lá rụng dầy thành thảm và cả cái ngõ dài chạy từ đường cái vào cũng um tùm cỏ dại. Ngày còn nhỏ hoặc lớn lên đi xa có dịp về sớm tôi lại phụ giúp gom rác cho mẹ đốt. Nếu như khói đồng có cái mênh mang diệu vợi của mùi rơm, mùi rạ, mùi những hạt thóc lép cháy khét thả vào không gian đồng quê thơm mùi bùn ngấu, mùi đất cày ải một hương vị của ngày mùa, thì những đụn khói chiều cuối năm ở sân vườn, ngõ nhà có cái mùi vị đặc trưng không lẫn vào đâu được trong ký ức của những người con xa quê như chúng tôi. Bởi trong mùi khói có cả mùi hạnh phúc của hai mẹ con khi ở bên nhau. Xuyên qua làn khói mỏng đang vương vít tôi thấy khóe mắt mẹ đang cười.
Sau cùng là khói Tết. Khói Tết bập bùng từ chiều hai tám, hai chín cho tới cuối ngày ba mươi. Tôi gọi đó là làn khói của nhung nhớ, của sự chờ đợi. Bắt đầu từ nồi bánh chưng ba nhóm bằng củi khô quanh vườn, những đụn trấu chất quanh bếp lửa, bén dần, bén dần và bùng cháy một cách mạnh mẽ. Khói Tết lẫn trong mùi Tết, mùi của thực mà ảo, thực mà mộng, mùi của cơn đói cồn cào, của cỗ Tết ngày mai, của khoanh bánh đang đợi bố cắt vào mâm cơm chiều ba mươi. Khói Tết hòa quyện cùng hơi khói nồi bánh chưng khi ba vớt, chêm thêm nước. Bên chái bếp nhỏ, mẹ tỉ mẩn sên mứt, rang hạt dưa, hạt bí, đóng gói, cho vào lọ chuẩn bị cho ngày mai. Tết đến sao mà thân thương đến lạ. Cái mùi khói của ngày ba mươi theo tôi đi suốt cuộc đời ta như một niềm hạnh phúc hư ảo mà có thực trong đời. Tôi đã khổ cực, nghèo khó, lớn lên bằng những mùa khói thân thương như vậy. Thật xấu hổ, khi mà cũng có lúc tôi từng chán ngắt với sự buồn tẻ của quê nghèo, suốt năm quanh quẩn với cái mùi khói như vậy. Nhưng khi đi xa tôi đã nhận ra rằng, nhờ lớn lên qua những mùa khói khó nhọc mà tôi mới có ngày hôm nay, có một miền ký ức ngan ngát về khói rất đẹp, dễ gì ai cũng được như tôi?!
Cuối năm, nhớ khói… Chỉ là khói thôi, nhưng sao mà háo hức lạ lùng…
CAO VĂN QUYỀN