Thời gian qua, cơ quan công an khởi tố một số vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động mua bán đất trên địa bàn tỉnh.
Bằng nhiều thủ đoạn, Lương Minh Anh, sinh năm 1997 ở thôn Linh Khê, xã Thanh Quang (Nam Sách) lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của người dân rồi bỏ trốn. Trước đó, cơ quan công an khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1990 ở thôn Đông, xã Cổ Dũng (Kim Thành) về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Giữa tháng 9/2023, Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Thị Thúy, sinh năm 1983 ở tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhật Nam không có dự án bất động sản tại Hải Dương nhưng công ty này mở văn phòng môi giới bất động sản tại TP Hải Dương để huy động tiền của khách hàng. Đến thời điểm này, chưa có thông tin người dân Hải Dương bị Nhật Nam lừa đảo, chiếm đoạt bao nhiêu tiền nhưng số nạn nhân không hề nhỏ.
Các vụ án kể trên đều có điểm chung khi các đối tượng chỉ là môi giới, không phải người có tài sản nhưng vẫn bán đất cho người dân rồi thu tiền. Các hoạt động mua bán chỉ diễn ra trên giấy.
Sự việc trên không mới mà âm thầm diễn ra từ nhiều năm qua. Giai đoạn 2017-2022, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh rất sôi động, cứ mua là có lãi nên nhiều người dân bỏ tiền thông qua môi giới để đặt mua những lô đất của các dự án bất động sản còn đang làm thủ tục đầu tư. Các "cò đất" phô tô bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị ở TP Hải Dương, Nam Sách, Bình Giang, Kim Thành... rồi tự giới thiệu được các chủ đầu tư chọn làm đại lý ủy quyền để phân phối sản phẩm. Một số môi giới còn úp mở việc có hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ đầu tư các dự án để tạo niềm tin với người mua. Cá biệt có dự án còn chưa có quy hoạch 1/500 đã được mang ra giao dịch đặt tiền.
Để tránh bị pháp luật "sờ gáy", các đối tượng như Minh Anh, Huyền khá am hiểu pháp luật liên quan đến bất động sản để nhận tiền phù hợp với tiến độ triển khai dự án. Khi dự án có quy hoạch chi tiết 1/500, chưa lựa chọn được chủ đầu tư, các đối tượng nhận tiền của người mua bằng hình thức vay mượn dân sự kèm quyền được mua lô đất. Với các dự án đã lựa chọn được chủ đầu tư, đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, các đối tượng nhận tiền của người mua bằng hình thức mua bất động sản hình thành trong tương lai. Khi dự án nghiệm thu hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư hoàn thiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, các đối tượng nhận tiền bằng hợp đồng chuyển nhượng.
Điều đáng nói hầu hết các dự án môi giới bán cho người dân đều bị các chủ đầu tư phủ nhận việc có hợp tác kinh doanh. Một số chủ đầu tư đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng, thông tin trên báo chí chưa mở bán. Các hoạt động thu tiền của người dân là do các môi giới tự làm, không liên quan đến chủ đầu tư. Cam kết giữa môi giới và người mua chỉ có giấy viết tay nhận đặt cọc lô đất và tiền chênh lệch. Sau khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư bán giá bao nhiêu, người mua phải chịu. Tuy nhiên, vì lợi nhuận mơ hồ mà bất chấp rủi ro, nhiều người dân vẫn chuyển tiền cho môi giới để "mua" những tờ giấy cam kết không có giá trị pháp lý. Sự việc chỉ vỡ lở như các vụ án kể trên do các dự án bất động sản không bảo đảm tiến độ như môi giới tự ý cam kết với người mua cộng với thị trường bất động sản từ cuối năm 2022 đến nay lao dốc. Người dân không còn muốn tiếp tục mua các lô đất đó nữa mà muốn đòi lại tiền đặt cọc và tiền chênh lệch đã đưa cho môi giới trước đó.
Về nguyên tắc, việc mua - bán chỉ xảy ra giữa người có tài sản và người có nhu cầu mua tài sản đó sau khi đã đạt được thỏa thuận về giá. Song, các vụ án mà cơ quan công an đang điều tra kể trên, người bán đều là môi giới, không có tài sản nhưng vẫn thu tiền của người mua. Số tiền mà họ thu của người mua đều sử dụng vào việc cá nhân, không chuyển cho chủ đầu tư như cam kết. Việc này, chẳng khác nào "Cuội bán vịt giời".
PHƯƠNG LINH