Hiện nay, sản phẩm trong nước vẫn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng tương ứng 89% và 93%.
>> Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bài 1: Chắp cánh cho hàng Việt
Hàng Việt Nam đứng trước việc phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng
Chất lượng và tính an toàn khi sử dụng là hai yếu tố được người tiêu dùng quan tâm hơn cả. Tuy nhiên, người tiêu dùng yêu thích sản phẩm ngoại nhập vẫn nhiều đang đặt ra thách thức, đòi hỏi hàng Việt phải cải thiện năng lực cạnh tranh và hội nhập tốt hơn.
Yêu cầu hàng hóa tiêu chuẩn
Kết quả khảo sát Cuộc điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện cho thấy, người tiêu dùng ngày nay đặc biệt quan tâm đến các yếu tố thông tin sản phẩm rõ ràng, có thể truy xuất nguồn gốc, dễ tìm mua hay thương hiệu nổi tiếng. Bên cạnh đó, yếu tố giá cả, khuyến mãi chỉ còn sức hút với một bộ phận nhỏ người tiêu dùng và không phải là lựa chọn tiên quyết.
Cụ thể, có khoảng 88% người tiêu dùng nhận biết logo Hàng Việt Nam chất lượng cao, kế đến là chứng nhận ISO, VietGAP, Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập... Gần 90% người tiêu dùng tham gia khảo sát đồng tình với quan điểm “sản phẩm đạt các chứng nhận tiêu chuẩn làm tôi yên tâm khi mua dùng”.
Không ít trường hợp hàng Việt không có tiêu chuẩn hoặc thiếu chứng nhận tiêu chuẩn nên dù chất lượng tốt vẫn phải chịu cảnh “rớt từ vòng gửi xe” khi tìm đường hội nhập. Bên cạnh đó, trường hợp sản phẩm tốt mà không có bất kỳ chứng nhận tiêu chuẩn nào cũng bị các nhà phân phối trong nước lẫn đối tác nước ngoài từ chối vẫn diễn ra phổ biến.
Trong bối cảnh hội nhập, vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, chất lượng rất quan trọng đối với sản phẩm, hàng hóa, nhất là để hàng Việt có thể chinh phục người tiêu dùng trong nước. Do vậy, muốn cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp cận, làm theo tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng toàn cầu.
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia dự báo, người tiêu dùng tương lai quan tâm đến các yếu tố mua trải nghiệm hơn là mua sản phẩm, tìm giải pháp để đơn giản cuộc sống. Họ sẵn sàng bỏ tiền để mua thời gian, việc mua sắm góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Theo đó, doanh nghiệp buộc phải tư duy lại bản đồ phát triển thị trường, chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, sức khỏe và trách nhiệm môi trường, công nghệ… Đây còn là những yêu cầu chuyển động đương nhiên doanh nghiệp phải tự vượt qua, mà không có sự bảo hộ và hỗ trợ.
Hàng hóa ngày nay muốn bán được, muốn đi xa và lên được kệ hàng thế giới bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn với sự hỗ trợ mang tính quyết định của công nghệ. Thống kê những năm gần đây cho thấy, hơn 80% giá trị, lượng giao dịch thương mại quốc tế chịu sự tác động của tiêu chuẩn. Ngoài ra, có 84% tổ chức thương mại sử dụng tiêu chuẩn trong các chiến lược, hoạt động xuất khẩu của mình.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, có hơn 1 triệu tiêu chuẩn (quốc tế, khu vực, quốc gia, cơ sở) được xây dựng, công bố và áp dụng trên thế giới; trong đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình và thủ tục đánh giá sự phù hợp có thể trở thành rào cản kỹ thuật đối với hàng hoá trong nhiều trường hợp xuất nhập khẩu. Tiêu chuẩn mang lại lợi ích cho tất cả các bên gồm: người tiêu dùng, doanh nghiệp, Chính phủ, nhất là tạo ra lòng tin thị trường thương mại tự do.
Cải tiến mô hình kinh doanh
Theo thống kê, kênh siêu thị là nơi được người tiêu dùng ưu tiên đến nhất khi chọn mua nhu yếu phẩm, văn phòng phẩm, đồ gia dụng. Kế đến là hệ thống cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi (gồm tạp phẩm của hộ gia đình). Chợ truyền thống tuy có giảm vị thế ở một số mặt hàng nhưng vẫn chiếm ưu thế ở ngành hàng thực phẩm tươi sống. Kênh trực tuyến dù đứng cuối bảng nhưng vẫn cho thấy xu hướng mua sắm online ngày càng khởi sắc, nhất là hàng may mặc, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, điện tử... hầu hết phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trẻ.
Tại địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, nhiều chủ tiệm tạp hóa (trực tiếp và trực tuyến) bắt đầu hiểu vai trò của dữ liệu khách hàng, giá trị thương hiệu và khả năng kiểm soát giá trị doanh nghiệp. Mô hình “tiệm tạp hóa” ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung có xu hướng thay đổi, bắt đầu quan tâm đến việc tối ưu hóa kinh doanh như: không còn giữ nhiều vốn lưu động để tăng tồn kho; cân đối dòng tiền ra – vào hiệu quả; cẩn thận hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp; chú ý chọn sản phẩm có tính thanh khoản... Nhiều đơn vị kinh doanh mô hình “tiệm tạp hóa” đã từng bước chú trọng tìm nguồn cung cấp rẻ, ổn định và cơ hội mua bán trên mạng để tăng doanh số.
Với mạng lưới chợ truyền thống, bà Nguyễn Thị Huyền Trân, Phó Ban quản lý chợ nguyễn Tri Phương, TP Hồ Chí Minh cho hay, trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, người tiêu dùng tìm đến sản phẩm chất lượng và đảm đảm an toàn. Ban quản lý chợ đã hình thành khu vực chuyên kinh doanh hàng hóa đạt chuẩn để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Khu vực này chuyên kinh doanh các mặt hàng thịt lợn, trứng, rau… có bao bì, nhãn mác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được người tiêu dùng ủng hộ.
Cụ thể, đối với mặt hàng rau xanh, ngày thường đạt sức tiêu thụ từ 200 – 300 kg/ngày; riêng dịp Lễ, Tết thì hơn 500 kg/ngày. Bên cạnh đó, khảo sát của Ban quản lý chợ cũng cho thấy, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền để ưu tiên mua sắm sản phẩm chất lượng và đảm bảo an toàn.
Theo nghiên cứu khảo sát thị trường năm 2018 tại các hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), hàng Việt được đánh giá ba khía cạnh gồm: khoảng 94% người tiêu dùng cho rằng hàng Việt kinh doanh tại Saigon Co.op đã thay đổi mẫu mã, hình thức; khoảng 91% cho rằng hàng Việt cải tiến chất lượng tốt hơn theo xu hướng thị trường và xu hướng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; khoảng 88% hàng việt có hàm lượng sáng tạo công nghệ cao và thành công khi thâm nhập vào thị trường ngách.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực Liên hiệp Thương mại HTX TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) chia sẻ, kết quả trên đạt được là nhờ vào các chương trình hành động thiết thực; trong đó có thể kể đến Saigon Co.op tập trung kết nối nguồn cung tận nơi – phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng.
Giải pháp này không chỉ góp phần giải quyết đầu ra, xóa bỏ tình trạng “giải cứu”. Saigon Co.op không ngừng phát triển đa dạng mô hình bán lẻ khác nhau để tạo “sân chơi” hàng Việt thông qua triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; xuất khẩu hàng Việt ra thị trường toàn cầu qua các hợp tác quốc tế… Hiện đơn vị này còn trở thành “bà đỡ” cho nhiều mặt hàng đang từng bước xây dựng thương hiệu và đứng vững trên thị trường, nhất là sản phẩm nông sản và đặc sản Việt.
Trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp cần có chiến lược kết nối thị hiếu tiêu dùng, nhất là người già đang có tỷ lệ tăng cao và ngày càng nhiều người dân ưu tiên sử dụng sản phẩm tự nhiên, bản địa, an toàn thực phẩm, organic… Doanh nghiệp cần tạo ra những trải nghiệm đáp ứng nhu cầu tiện ích cho người tiêu dùng hơn là chỉ nghĩ về việc bán sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, hành trình số hóa thúc đẩy thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, hướng đến những giải pháp kết nối người tiêu dùng hiệu quả, dù online hay offline.
MỸ PHƯƠNG
Bài cuối: Cơ hội trong nền kinh tế số