Cuộc sống hôn nhân cũng có nghĩa là tha thứ và bỏ qua. Người bạn đời của ta không phải là hoàn hảo và chính ta cũng không là hoàn hảo.
Sau khi có con, tôi mới thấu hiểu được rằng cuộc sống sau hôn nhân không hề đơn giản chút nào vì vợ chồng là hai cá tính khác nhau và đang cố gắng kết hợp sống thành một. Sự khác biệt và bất đồng cũng bắt đầu từ đó mà nảy sinh.
Những bất đồng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc hôn nhân, thậm chí đe dọa, phá hỏng hôn nhân. Chính vì thế vợ chồng tôi đã tạo cho mình một thói quen chấp nhận những điểm khác biệt của nhau, tập yêu những điểm mạnh, điểm yếu của nhau, nhờ vậy vợ chồng tôi đang sống rất hạnh phúc. Tôi còn nhớ khi đứa con đầu lòng chào đời, tôi muốn chồng phải là người dưới quyền điều khiển của tôi. Tôi bảo đi là đi, bảo đứng là đứng, nếu anh ấy trái lời là tôi giận dỗi, làm ầm ĩ lên. Nhưng tôi đã nhầm, bây giờ anh ấy không thể chiều tôi như hồi mới yêu nữa mà anh ấy có lập trường, quan điểm riêng của mình. Anh ấy cũng không thể bắt tôi phải thế này hay thế khác theo ý muốn của anh ấy được. Thế là chúng tôi trở thành hai thái cực âm, dương đối chọi nhau. Thực ra sau khi có con, vợ chồng tôi ai cũng thay đổi đến mức không nhận ra mình. Đây là một điều rất nguy hiểm cho cuộc sống vợ chồng. Khi còn yêu nhau, anh ấy sẵn sàng làm bất cứ điều gì để lấy lòng tôi, nhất là những ngày kỷ niệm của phụ nữ và sinh nhật. Anh ấy thường tặng tôi những món quà bất ngờ, những bó hoa lung linh kèm theo nhiều câu nói có cánh. Vậy mà sau khi kết hôn, tất cả những điều ngọt ngào đó cứ thưa thớt dần. Anh không chăm chút bản thân như trước nữa mà có gì mặc nấy, suốt ngày đàn đúm bạn bè ăn nhậu tùy thích... Tôi thì "lột xác" thành một con người khác, khô khan, cứng nhắc, thờ ơ và lãnh đạm. Tôi thờ ơ với việc mua sắm quần áo mốt mới, chọn kiểu tóc hay chăm sóc da và cơ thể sau khi có chồng, có con. Đã có lần anh nói nửa đùa nửa thật: “Dạo này em xuống cấp nhiều lắm, cần phải “tút” lại”. Nhưng tôi lại biện bạch: “Em quá bận rộn với công việc, con cái và gia đình. Vả lại có chồng có con rồi đẹp để mà làm gì nữa? Miễn là lo cho chồng, cho con tốt là được rồi”. Giờ thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng, đó là suy nghĩ sai lầm của người phụ nữ, vì nó có thể giết chết hôn nhân do vợ càng ngày càng xấu đi trong mắt chồng và nhiều người khác. Cuộc sống hôn nhân đã làm tăng trách nhiệm tài chính ở mỗi người, đặc biệt người chồng có vai trò là trụ cột kinh tế, người kiếm tiền chính trong gia đình. Còn tôi thì áp lực công việc, chăm con cái, phục vụ gia đình khiến tôi... quá căng thẳng, mệt mỏi. Nói tóm lại, khi vợ chồng tôi có thêm một thành viên mới thì cả tôi và chồng không còn quan tâm đến các món quà, những điều lãng mạn từ nửa kia như thuở còn yêu nữa. Thay vì nhận được một bó hoa, thì tôi lại thích chồng tặng các món quà bằng vật chất hoặc một chiếc phong bì hơn. Còn trong những dịp quan trọng như sinh nhật chồng, thay vì mua quà, thì tôi mua thêm món gì ngon ngon để cải thiện cho bữa ăn gia đình. Điều này, lâu dần đã khiến vợ chồng tôi cảm thấy thích thú, vì cả hai không đòi hỏi gì ở nhau hơn thế.
Thế đấy, cuộc sống hôn nhân cũng có nghĩa là tha thứ và bỏ qua. Người bạn đời của ta không phải là hoàn hảo và chính ta cũng không là hoàn hảo.
HOÀNG BÍCH HÀ