Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống nhiều người, nhất là các hộ và công nhân trực tiếp chăn nuôi lợn.
Từ khi có dịch tả lợn châu Phi, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Tươi ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) bị đảo lộn
Công nhân bức bối
Trong khi nhiều trang trại không còn lợn để nuôi vì bệnh DTLCP thì trang trại của gia đình bà Phạm Thị Mây ở thôn Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) vẫn còn hơn 100 con lợn nái, 1.000 con lợn thịt vẫn khỏe mạnh. Để đi qua cơn bão dịch, bà Mây đã hạn chế người ra, vào khu vực chăn nuôi. Ngoài 3 người nhà và 5 công nhân nuôi lợn, bà Mây thuê thêm 1 người chuyên khử trùng chuồng trại.
Các công nhân tại đây ăn, ở ngay bên cạnh khu vực chuồng trại. Khi chưa có DTLCP, các công nhân này được ra ngoài để về nhà, mua đồ... từ 2-3 lần/ tháng, nhưng từ khi trong tỉnh có bệnh dịch đến nay họ mới được ra ngoài vài lần. Nhà ở gần trang trại, nhưng anh Vương làm việc tại đây cũng chỉ được về nhà vài lần trong suốt nửa năm nay, mỗi lần một buổi tối. Anh Vương cho biết: "Từ khi xuất hiện bệnh DTLCP đến nay, công việc của chúng tôi không những vất vả hơn mà còn ít được về nhà trong khi thu nhập không thay đổi. Nhiều lúc chúng tôi cũng mệt mỏi, chán nản".
Không chỉ công nhân, các cán bộ kỹ thuật cũng phải ăn, ở trường kỳ tại trang trại trong dịp cao điểm chống bệnh DTLCP. Anh Nguyễn Văn Đại, quê ở tỉnh Nam Định, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Dinh dưỡng Á Châu (xã Tân Trường, Cẩm Giàng), là nhân viên hỗ trợ kỹ thuật cho trang trại của ông Phạm Văn Dũng ở thôn Đồng Lại, xã Liên Hồng (Gia Lộc). Trang trại của ông Dũng vẫn còn khoảng 1.000 con lợn nái và lợn thịt khỏe mạnh. Hằng ngày, anh Đại phải hướng dẫn công nhân chăm sóc, vệ sinh cho lợn và khu vực chuồng trại; phun thuốc sát trùng; bổ sung vitamin; dùng lồng, keo dán, bẫy ruồi, muỗi, chuột... Đến làm việc tại trang trại của ông Dũng cách đây gần 5 tháng nhưng đến nay anh Đại mới được ra khỏi đây 3 lần. Anh Đại cho biết: "Tôi tranh thủ lúc được nghỉ để về quê và thăm người yêu. Thời gian hạn hẹp nên đi lại rất mệt mỏi. Khi mới xuống hỗ trợ chú Dũng, tôi có việc muốn xin phép về quê 1 tuần nhưng không được vì đúng thời điểm dịch bệnh căng thẳng".
Tại một số trang trại trong tỉnh giữ được lợn khỏe mạnh, nhiều công nhân phải ở lại trang trại hàng tháng trời. Một số người không chịu được tình trạng này đã nghỉ việc để tìm việc khác. Nhiều chủ trang trại đang phải đôn đáo tìm người thay thế.
Chủ hộ lao đao
Trong "cơn bão" bệnh DTLCP, ảnh hưởng nhiều nhất là các chủ trang trại. Nhiều tháng nay gia đình chị Nguyễn Thị Tươi ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) chỉ ra ngoài khi có việc thật cần thiết. Nếu thức ăn hết thì sử dụng thịt lợn, rau có sẵn trong trang trại. Trước đó, gia đình chị Tươi còn có một xưởng mộc, chồng chị làm mộc. Nhưng từ khi có bệnh DTLCP đến nay, công việc ở xưởng mộc gần như bỏ. Nhờ cách ly và đồng loạt thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng nên đến nay gia đình chị vẫn giữ được khoảng 450 con lợn khỏe mạnh. Chị Tươi cho biết: "Các cơ quan chức năng đã tiêu hủy số lượng lớn lợn mắc bệnh ở các trang trại khác nên tôi đã thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên gia đình tôi vẫn thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt như trước. Cuộc sống của gia đình tôi đảo lộn vì bệnh DTLCP".
Từ ngày có bệnh dịch, gia đình ông Dũng thường xuyên phải xuống trang trại hỗ trợ công nhân trong tất cả các khâu chăn nuôi thay vì trước kia chỉ kiểm soát, quản lý là chính. Không chỉ vất vả hơn, để giữ được đàn lợn, ông Dũng đã phải bán đi 2 mảnh đất với giá khoảng 2 tỷ đồng để trả nợ và đầu tư chăm sóc giữ đàn lợn khỏe mạnh. Cũng như ông Dũng, ngoài khoản nợ 1 tỷ đồng ngân hàng, chị Tươi còn phải vay thêm bạn bè, họ hàng để duy trì đàn lợn. "Dù giá bán ra thấp nhưng chúng tôi vẫn phải trả lãi ngân hàng. Hiện giá thịt lợn đã nhỉnh hơn thời điểm trước nhưng chưa có lãi nhiều. Hy vọng thời gian tới giá tăng thêm để người chăn nuôi đỡ thiệt", chị Tươi than thở.
Dù chưa có số liệu thống kê chính thức song số trang trại vẫn duy trì được đàn lợn khỏe mạnh từ vài trăm đến hàng nghìn con trong tỉnh không nhiều. Có huyện chỉ còn từ 2-3 trang trại, huyện nhiều cũng chỉ 10 trang trại. Bệnh DTLCP làm không ít hộ chăn nuôi khó khăn, kể cả các hộ có lợn không bị nhiễm dịch. Để các trang trại duy trì và tiếp tục phát triển chăn nuôi trong thời điểm này rất cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp.
VIỆT QUỲNH