Cuộc sống còn khó khăn, nhiều ca sĩ ở Hải Dương phải tranh thủ làm thêm công việc khác để vừa bảo đảm đời sống, vừa trụ lại được với nghề.
Ngoài thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, hầu hết ca sĩ nhận các show diễn bên ngoài để tăng thu nhập. Ảnh nhân vật cung cấp
Cuộc sống của các ca sĩ ở Hải Dương còn nhiều khó khăn, tuy vậy, lòng yêu nghề, hy sinh cho nghệ thuật đã níu kéo họ gắn bó với công việc.
"Chân trong, chân ngoài"
H.A. là ca sĩ lâu năm và đã được biên chế của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hải Dương. Không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, chị tích cực tìm các cơ hội việc làm ở bên ngoài. Từ các sự kiện khai trương, hội họp..., chị sẵn sàng tham gia với vai trò ca sĩ, dẫn chương trình. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đây là những công việc chị và các đồng nghiệp tích cực tận dụng để tăng thu nhập. Nếu không khai thác công việc bên ngoài, thu nhập tại đơn vị sẽ rất khó khăn để họ có thể xoay xở trong cuộc sống, vì thu nhập của các ca sĩ tỉnh lẻ không cao.
Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hải Dương hiện có 10 ca sĩ, 5 nam, 5 nữ. Họ là những ca sĩ đã có thời gian gắn bó với đơn vị, được đánh giá tốt về chuyên môn, đạo đức, với tiền lương khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy, chạy show và làm các công việc bên ngoài là lựa chọn hầu hết của các ca sĩ ở đây để tăng thu nhập.
T.L. ngoài công việc tại trung tâm còn tham gia giảng dạy tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hải Dương. Ngoài thời gian này, chị bán nhiều mặt hàng online như sữa chua, hoa quả... Nhiệm vụ chính và công việc bên ngoài chiếm nhiều thời gian, song chị cho rằng còn khỏe mạnh thì còn phải làm việc để nuôi dưỡng ước mơ được ca hát mà chị cũng như các đồng nghiệp ấp ủ từ thuở nhỏ. Dù rất bận bịu, song khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị, T.L. cũng như nhiều đồng nghiệp khác không hề nề hà, tập luyện đến đêm khuya để buổi biểu diễn chính thức trọn vẹn nhất. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, T.L. là 1 trong 2 ca sĩ của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hải Dương đi cùng đoàn công tác của tỉnh Hải Dương biểu diễn phục vụ các cán bộ, chiến sĩ trên Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Chuyến đi 15 ngày thực sự vất vả, song T.L. đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đánh giá cao qua các tiết mục biểu diễn của mình.
Cuộc sống chật vật về kinh tế, lòng yêu nghề của các ca sĩ đã được thử thách qua một thời gian rất dài khi các hoạt động văn hóa văn nghệ phải tạm dừng do dịch Covid-19. Lúc bấy giờ các ca sĩ không thể tham gia khai thác các công việc bên ngoài, chỉ trông chờ chính vào đồng lương. Một số ca sĩ nữ có thể nhờ cậy chồng song với những người có hôn nhân không trọn vẹn, chồng mất, phải nuôi con nhỏ thì đó là những khoảng thời gian hết sức khó khăn. Đặc biệt với những nam ca sĩ, phải là trụ cột gia đình thì mức thu nhập ít ỏi từ đồng lương nếu không chi tiêu hợp lý, tiết kiệm thì luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau.
Gắn bó vì tình yêu với nghề
Cuộc sống của ca sĩ ở Hải Dương chưa bao giờ so sánh được với các ca sĩ ở những thành phố lớn hoặc các địa phương có các hoạt động kinh tế-xã hội phát triển mạnh, nhiều sự kiện, nhiều cơ hội việc làm. Tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hải Dương đã từng có ca sĩ xin nghỉ việc để tìm kiếm một công việc khác có mức thu nhập tốt hơn. Tuy vậy con số này không nhiều, hầu hết tiếp tục gắn bó với nghề và tích cực, năng động khai thác các công việc bên ngoài để cải thiện cuộc sống. Nhiều ca sĩ ở đây kinh tế không khá giả nhưng nhiều năm qua luôn tận tâm phát triển nghề nghiệp.
T.H. là một ca sĩ của trung tâm quê ở Nam Định, lấy chồng người Nam Định nhưng anh đang đóng quân ở tỉnh khác. Các con của chị phải gửi về quê cho cha mẹ chăm sóc, còn mình ở lại Hải Dương công tác. Trong đợt nghỉ dài do dịch Covid-19, chị cho biết đời sống thực sự khó khăn song luôn tin tưởng dịch bệnh sẽ sớm được giải quyết để trở lại với công việc. Đây là nghề nghiệp chị ước mơ từ nhỏ, vì thế, dù khó khăn cũng luôn tìm cách khắc phục để có thể sống với đam mê.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động văn hóa văn nghệ được diễn ra trở lại, công việc của các ca sĩ đã ổn định, tuy vậy, thu nhập vẫn luôn là một mối lo toan của họ. Hiện nay, trong các sự kiện phục vụ nhiệm vụ chính trị, thù lao của các ca sĩ vẫn có nhưng ở mức thấp. Một số ca sĩ cho biết mức thù lao sau mỗi buổi diễn chỉ đủ để mua thức ăn nấu một mâm cơm bình thường cho gia đình.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hải Dương cho biết mức thu nhập của ca sĩ, diễn viên dù chưa cao song họ đều chấp nhận hy sinh để cống hiến cho nghề nghiệp đã chọn. Để cải thiện cuộc sống, nhiều người đã linh hoạt khai thác các công việc bên ngoài. Các ca sĩ tại đây đều là những người yêu nghề, chịu khó, có trình độ, là nòng cốt trong các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương.
TIẾN HUY