Cuộc hội ngộ của những đặc công biệt động

20/04/2019 11:16

Sáng 19.4, hơn 100 cựu chiến binh Lữ đoàn 316 đặc công biệt động từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh phía bắc đã về TP Bà Rịa họp mặt, ôn lại những chiến công của 44 năm trước.

Ông Tư Cang tự hào kể lại những chiến công của Lữ đoàn 316

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 44 năm trước, Lữ đoàn 316 đã góp phần quan trọng trong việc giữ cầu, dẫn đường để các cánh quân tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. 

Đó là đánh chiếm cầu Bà Bếp, cảng Rạch Dừa, dẫn đường cho Quân đoàn 2 chiếm Đài rađa Núi Lớn (Vũng Tàu), giải phóng Vũng Tàu, đánh chiếm sân bay Biên Hòa, Bộ tổng tham mưu VNCH... trong đó chiến công nổi bật nhất là đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc.

Ông Tư Cang hỏi thăm đồng đội ngày trước

Đại tá tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên chính ủy cánh bắc Lữ đoàn 316 - năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhớ lại tháng 3.1974, Thượng tướng Trần Văn Trà - tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam - ký quyết định thành lập Lữ đoàn 316 đặc công đặc biệt, với nòng cốt là lực lượng tình báo và bổ sung lực lượng biệt động. 

Ông Tư Cang làm chính ủy cánh bắc của lữ đoàn này.

"Lữ đoàn có mấy nhiệm vụ chính. Một là vận động nhân dân may cờ, sẵn sàng chào đón bộ đội trên các đường tiến quân. Hai là giữ các cây cầu xung quanh Sài Gòn để xe tăng tiến về trung tâm Sài Gòn. Ba là đánh giáp công vào những vị trí chốt yếu của địch. Và một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là dẫn đường cho xe tăng, bộ đội tiến vào trung tâm Sài Gòn", ông Tư Cang nhớ lại.

Từ phải sang trái là các cựu chiến binh của Z81: Trần Xuân Kiện, Lại Đăng Phú, Trịnh Văn Sơn đang ôn lại những kỷ niệm của 44 năm trước

Cựu chiến binh Trần Xuân Kiện (81 tuổi) ngày ấy là đại úy - tiểu đoàn trưởng Z81 (Lữ 316), trực tiếp chỉ huy đánh, giữ cầu Rạch Chiếc kéo dài ba ngày từ 27 đến 30.4.1975. 

Những cấp dưới của ông Kiện ngày ấy là Lại Đăng Phú - quân y, bộc phá viên và chiến sĩ lái xe cho ông Kiện là Trịnh Văn Sơn cũng có mặt. 

"Trận đánh rất ác liệt kéo dài từ ngày 28 đến sáng 30.4 vì quân thám báo, biệt kích VNCH cứ liên tục chi viện từ trong Sài Gòn ra", ông Kiện nhớ lại.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc hội ngộ của những đặc công biệt động