Do dịch, người tiêu dùng Việt chọn mua hàng trực tuyến nhiều và muốn thanh toán thuận tiện hơn làm bùng lên cuộc đua giữa các nền tảng.
Giao hàng nhanh, thanh toán tiện là hai hướng đua "nóng" nhất của các nền tảng trực tuyến mùa Covid-19. Ảnh: Liên Hương
Từ khi Covid-19 xuất hiện, GrabMart - "át chủ bài" mới của Grab tại Việt Nam quyết tâm tạo cảm giác "ở nhà đi chợ cũng nhanh như tự đi" cho khách hàng. Theo đó, đơn vị này đã tung ra chương trình cam kết hàng thực phẩm tươi, giao chỉ trong một giờ và đổi miễn phí nếu "không tươi" trong vòng một ngày.
Trong khi đó, Tiki cũng vừa đưa ra thị trường một dịch vụ giao nhanh mới trong ngày cho 500.000 sản phẩm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. "Chúng tôi dự kiến tăng lên một triệu sản phẩm trong 3 tháng tới", ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng giám đốc phát triển doanh nghiệp Tiki tuyên bố.
Số liệu ghi nhận của Tiki trong 6 tháng đầu năm cho biết đơn hàng sử dụng dịch vụ giao nhanh chiếm hơn 60%. "Điều này một lần nữa cho thấy tốc độ giao hàng ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm cũng như quyết định mua sắm của người tiêu dùng", đơn vị này nhận định.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy nền kinh tế số Việt Nam tăng tốc đáng kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Khảo sát của Kantar về Covid-19 được thực hiện từ 9-23.6 cho biết 62% người tiêu dùng Việt Nam khẳng định họ đã gia tăng đáng kể số lần giao dịch trực tuyến.
Khảo sát của YouGov Survey thực hiện từ 16 đến 20.7 thì ghi nhận lượng người dùng mua sắm trực tuyến ở mức kỷ lục với trung bình 30 triệu lượt mua hàng trực tuyến ghi nhận tại Việt Nam mỗi ngày. Có 72% người cho rằng việc chuyển sang kinh doanh trực tuyến rất quan trọng đối với các nhà bán lẻ và 75% cho biết việc các nhà bán lẻ chấp nhận thanh toán kỹ thuật số cũng rất quan trọng.
Những người "kiếm sống" trong nền kinh tế số biết rõ những chuyển động này. Grab xác nhận số lượng đối tác trên GrabMart tăng hơn 10 lần so thời điểm đầu tháng 8 và cuối tháng 4, một dấu hiệu cho thấy nhiều đơn vị kinh doanh đã bắt đầu tăng tốc tiến trình online để sống qua dịch.
Báo cáo thị trường về tình hình SEO địa phương 2020 của Moz - một hãng chuyên về SEO tại Seattle (Mỹ) cũng cho hay 71% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam cho biết đã ứng dụng các phương pháp mới để cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho khách kể từ khi đại dịch diễn ra. Trong đó gồm thiết lập kênh thương mại điện tử, soạn sẵn túi hàng cho khách và giao hàng.
Không chỉ có giao nhanh, thanh toán tiện lợi cũng là một bài toán khách hàng đang đặt ra. "Kinh doanh trực tuyến có thể là một vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ", bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào nói, đồng thời cho rằng trong số vấn đề nan giải đó chính là thanh toán.
Hôm 13.8, Visa công bố khởi động một chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tăng trải nghiệm dịch vụ thanh toán kỹ thuật số. Bước đầu, họ hợp tác với Shopee và NowFood để cung cấp hỗ trợ đến các đơn vị kinh doanh online.
Những tên tuổi truyền thống hơn cũng "trở mình" trong khâu thanh toán để làm mới hình ảnh và bắt kịp những thay đổi của người dùng. Cách đây một tuần, Vinasun vận hành tiện ích thanh toán trả trước có tên VNS Prepaid.
Người dùng sẽ nạp trước một số tiền vào tài khoản này, dùng để thanh toán khi đi taxi. Vinasun cho phép nạp tiền vào bằng nhiều kênh như ZaloPay, MoMo, Payoo cùng với thẻ nội địa 26 ngân hàng đã có đăng ký giao dịch thanh toán trực tuyến cũng như hệ thống cửa hàng hỗ trợ nạp Payoo toàn quốc.
Những tên tuổi ngoại cũng nhìn thấy cơ hội cho mình. Toss, "kỳ lân" Fintech đầu tiên của Hàn Quốc đặt chân vào Việt Nam trong tháng 9.2019 với ứng dụng Step Counter. Chưa đầy một năm, họ có hơn một triệu người dùng Việt.
Khi dịch bệnh đang bùng phát và nhu cầu thanh toán trực tuyến dâng cao, hôm 10.8, Toss ra mắt thẻ ảo trả trước trên ứng dụng của mình thông qua hợp tác thẻ đồng thương hiệu với CIMB Việt Nam. Thẻ này không có gì mới lạ, nhưng động thái trên "thức thời" ở chỗ đây là sản phẩm thẻ đầu tiên mà người dùng có thể đăng ký và sử dụng trên một ứng dụng phi ngân hàng ở Việt Nam.
"Hợp tác với các công ty Fintech là bước đi cần thiết của ngân hàng trong thời đại kỹ thuật số. Hầu hết các ngân hàng đều hiểu rằng việc đem lại những trải nghiệm tích cực và sự tương tác linh hoạt là hai yếu tố cực kỳ quan trọng để có thể gia tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng", ông Thomson Fam Siew Kat, CEO CIMB Việt Nam nói về bước đi này với Toss.
Theo VnExpress