Cuộc đua gay cấn

21/10/2019 09:08

Ngày 21.10, Canada tiến hành cuộc tổng tuyển cử được xem như một cuộc "trưng cầu ý dân" đối với đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau.


Thủ tướng Justin Trudeau

Cuộc bầu cử sẽ quyết định liệu đảng Tự do của ông Trudeau có giành được đa số để tiếp tục lãnh đạo nhiệm kỳ hai hay không, tuy nhiên, ngay cả những chuyên gia chính trị kỳ cựu nhất cũng chưa dám khẳng định chính phủ mới của Canada sau ngày 21.10 sẽ về tay đảng nào. Diễn biến tiến trình tranh cử giữa các chính đảng khiến đây được đánh giá là cuộc đua gay cấn nhất trong lịch sử tổng tuyển cử ở Canada.

Thời gian 40 ngày của chiến dịch tranh cử lần này được giới quan sát đánh giá là “ngắn một cách đáng ngạc nhiên”, nếu so với thời gian được đo bằng năm tại Mỹ. Đáng chú ý, chiến dịch tranh cử lần này tại Canada cũng ngắn hơn so với hồi năm 2015, khi cuộc đua tranh cử kéo dài tới 78 ngày. Nhiều chuyên gia chính trị cho rằng khi rút ngắn thời gian của chiến dịch tranh cử, đảng Tự do cầm quyền muốn hạn chế “sự nguy hiểm” đối với Thủ tướng Trudeau, đồng thời giảm bớt cơ hội “được thể hiện mình” của các lãnh đạo đảng khác.

Thời gian tranh cử ngắn khiến cử tri ít được chứng kiến các cuộc tranh luận giữa lãnh đạo các đảng. Trong đợt tổng tuyển cử này, chỉ có một cuộc tranh luận chính thức bằng tiếng Anh giữa các nhà lãnh đạo của 6 chính đảng tại Canada (gồm đảng Tự do, Bảo thủ, Dân chủ Mới, đảng Xanh, Khối Quebec và đảng Nhân dân Canada). Tại hai cuộc tranh luận bằng tiếng Pháp, chỉ có một cuộc có sự tham gia đầy đủ của 6 chính đảng.

Môi trường đã trở thành vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử năm nay. Thủ tướng Trudeau tuyên bố nếu tái đắc cử, chính phủ của đảng Tự do sẽ trồng 2 tỷ cây xanh trong 10 năm, giúp tạo ra mỗi năm  3.500 việc làm thời vụ. Đảng Tự do cũng cam kết sẽ nỗ lực đưa lượng khí thải carbon dioxide về 0 vào năm 2050. Trong khuôn khổ thỏa thuận về biến đổi khí hậu đạt được tại Paris năm 2015, các nước đã phát triển, trong đó có Canada, cam kết cắt giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050 (so với mức của năm 2005). Canada nằm trong nhóm 10 nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất và cũng là một trong những quốc gia có mức phát thải tính trên đầu người cao nhất thế giới.

Trong khi đó, kinh tế là chủ đề hết sức nhạt nhòa trong chiến dịch tranh cử của các đảng. Nền kinh tế Canada vẫn phải dựa vào việc khai thác các nguồn lực không thể tái tạo, cũng như bị chi phối bởi “sức khỏe” của thị trường bất động sản, trong khi khu vực chế tạo đang kiên nhẫn chờ đợi một chiến lược để phát triển. Nhiều CEO trong lĩnh vực công nghệ nhận định năng lực sản xuất của Canada đang tụt hậu và sự thịnh vượng của nền kinh tế trong tương lai đang ở thế rủi ro.

Tuy nhiên, thay vì đưa ra các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo các đảng tranh nhau hứa hẹn với cử tri rằng tình hình tài chính của họ sẽ được cải thiện, nhằm giảm bớt mối lo “cơm áo” của tầng lớp trung lưu. Vấn đề nằm ở chỗ để cuộc sống của người dân Canada dễ thở hơn về tài chính, cần có một chiến lược để nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn, trong đó lãnh đạo các đảng có thể hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc xây dựng các chính sách thúc đẩy sự đổi mới tại các doanh nghiệp của Canada, như giúp các doanh nghiệp tăng vốn, tăng khả năng tiếp cận với lao động có kỹ năng và với các khách hàng mới. Nhưng dường như không có đảng nào đưa ra được giải pháp thuyết phục.

Theo kết quả thăm dò được công ty nghiên cứu Nanos Research thực hiện qua điện thoại với 1.200 cử tri ngay sát ngày bầu cử, đảng Tự do của Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang dẫn trước đảng Bảo thủ một khoảng cách mong manh 2,3 điểm (trong khi sai số của cuộc khảo sát này là cộng/trừ 2,8 điểm phần trăm). Cụ thể, 32,6% số người tham gia khảo sát ủng hộ đảng Tự do, so với mức 30,3% ủng hộ đảng Bảo thủ của ông Andrew Scheer. Đảng Dân chủ mới (NDP) xếp thứ ba với tỷ lệ ủng hộ của cử tri là 18,4%.

Quebec, tỉnh bang đông dân thứ hai tại Canada - là một trong ba chiến trường khốc liệt nhất đối với các chính đảng trong cuộc tổng tuyển cử lần này. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu Nanos Research, đảng Khối Quebec (Bloc Quebecois) đang thắng thế tại  tỉnh bang Quebec. Nếu xu hướng này tiếp diễn, Khối Quebec sẽ gia tăng quyền lực tại quốc hội.

Bên cạnh đó, nhóm cử tri chủ chốt đang lưỡng lự chưa biết theo đảng nào được đánh giá sẽ giữ vai trò quyết định. Đó là những cử tri không hài lòng với những gì đang diễn ra trong Chính phủ Canada và muốn thấy sự thay đổi, song cũng cho rằng đảng Tự do dù sao vẫn là đảng tốt nhất để hình thành một chính phủ. Mục tiêu của đảng Tự do là đưa nhóm cử tri đang bất mãn này quay lại ủng hộ mình, trong khi đảng Bảo thủ nhấn mạnh về sự cần thiết phải thay đổi.

Kịch bản đang được giới quan sát dự báo nhiều nhất là không đảng nào giành đủ ghế để thành lập một chính phủ đa số. Lãnh đạo đảng Dân chủ Mới, ông Jagmeet Singh đã để ngỏ khả năng liên kết với đảng Tự do để thành lập một chính phủ liên minh.

Nhìn lại năm 2015, ở thời điểm 3 tháng trước cuộc tổng tuyển cử, đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau mới chỉ nhận được sự ủng hộ của 25% số cử tri. Nhưng khi tiếng còi chung cuộc vang lên, đảng Tự do đã có bước bứt phá ngoạn mục để tiến lên vũ đài chiến thắng với 184 ghế ở hạ viện. Yếu tố bất ngờ liệu có trở thành “truyền thống” trong các cuộc tổng tuyển cử ở Canada? Điều đó đang khiến cuộc đua lần này càng trở nên gay cấn và khó dự đoán.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc đua gay cấn