Kinh Môn lên thị xã là niềm vui lớn. Đây cũng là động lực để xây dựng nơi đây thành một đô thị trẻ, khỏe, năng động, sáng tạo và mang một tầm vóc mới.
Kinh Môn đang trên đà phát triển
Ngày 1.11.2019, Kinh Môn đã lên thị xã. Từ ngã ba Phú Thái huyện Kim Thành, một biển quảng cáo rất lớn có dòng chữ "Chào mừng thị xã Kinh Môn" đã được trưng lên. Vượt qua cầu An Thái vào địa phận Kinh Môn lại gặp tấm biển: "Thị xã Kinh Môn kính chào quý khách". Các cơ quan, trụ sở công ty, cổng làng... đều treo băng rôn với dòng chữ "Chào mừng thị xã Kinh Môn". Cờ Tổ quốc, hồng kỳ được cắm ở cơ quan, ở nhà dân, nơi công cộng, rực rỡ như ngày Tết.
Đi trong không khí ấy, tôi bâng khuâng, phảng phất một nỗi nhớ, một niềm vui. Hình như có cái gì vừa mất đi, có cái gì vừa đến, mới mẻ và hy vọng. Thế là từ nay, cái tên chung "xóm, thôn, làng, xã, huyện" đã thành dĩ vãng và thay vào đó là "thị xã, phường, phố", đường có tên, nhà có số...
Vùng đất này đã có từ thời Vua Hùng, ban đầu có tên Thiểm Sơn. Đến giữa thế kỷ XV, năm Quang Thuận thứ 10, khi lập phủ thì lấy tên là phủ Kinh Môn. Phủ Kinh Môn có 7 huyện, trong đó có huyện Giáp Sơn (còn đọc là Hiệp Sơn). Đến cuối thế kỷ XIX, bỏ cấp phủ. Huyện Giáp Sơn được mang tên là huyện Kinh Môn.
Trong thực tế, một vùng quê ra đời trước rồi sau đó mới có tên. Cái tên riêng của vùng quê có khi thay đổi theo thời cuộc, còn cái tên chung thì hình thành rất tự nhiên. Làng, xã, chòm, xóm, thôn, trại... của Kinh Môn đã có hàng nghìn năm nay, đã đi sâu vào tình cảm và ký ức của người Kinh Môn đời này qua đời khác... Những cái tên giản dị, nôm na ấy nhưng lại rất xúc động mỗi khi nhớ đến hoặc nói đến, bởi nó gắn liền với mỗi con người.
Nhìn dòng chữ "thị xã Kinh Môn", tôi bỗng bần thần nhớ về quá khứ cách đây đã 60 năm. Tháng 5.1960, tôi cùng 12 bạn về nhận công tác ở huyện Kinh Môn.
Vượt qua đò Thái, chúng tôi đi bộ 5 km về cơ quan huyện. Đường đá lởm chởm, đi hết một tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ gặp duy nhất một chiếc xe ngựa chở mấy người khách từ huyện lỵ ra đò Thái. UBND huyện đóng trên ngọn đồi giữa phố. Đấy là dãy nhà của quan tri huyện xây từ trước.
Chiều chiều, ngồi nhìn dòng sông Kinh Thầy chảy quanh, thuyền buồm lớn nhỏ, đi lại tấp nập. Họa mới có cái thuyền máy phành phạch nổ. Là thanh niên vùng đồng bằng và thành phố, nay được gặp miền quê có núi đồi, sông nước, chúng tôi thích lắm. Dãy núi An Phụ dài tít tắp, toàn là núi khô, đồi trọc. Một vài bạt sắn, lùm cây trông như tấm áo vá của người nghèo.
Nhìn vào khu Nhị Chiểu, núi đá trùng điệp mang màu xanh xám lẫn vào mây trời. Ngay đầu phố là con đèo mang tên "Đèo Ngựa", thấp, lởm chởm sỏi đá. Chỉ hai đầu là có nhà dân. Toàn bộ con đèo không có nhà nào ở. Đi lên An Sinh có đèo Nẻo, hẹp và lồi lõm. Trên nữa là đèo Gù dài và quanh co, hoang vắng.
Gần hết dãy núi An Phụ là đèo Mông (còn gọi là đèo Lê). Con đèo cao và quanh gấp ở phía làng Mông. Đấy là con đèo duy nhất có đường nhựa nối Lai Khê - Bến Triều vắt qua. Kinh Môn lắm sông mà toàn sông lớn bao quanh không hở chỗ nào, biến nơi đây thành hòn đảo. Đặc biệt, 5 xã khu Nhị Chiểu lại thêm một lần sông nữa thành đảo trong đảo.
Vì thế Kinh Môn đi đâu cũng gặp đò. Cả huyện có tới 44 con đò đã thành tên, những đò nhỏ tự phát không kể. Giai đoạn Kinh Môn sáp nhập với Kim Thành mang tên là Kim Môn (1979 - 1997), những ai ở khu Nhị Chiểu muốn sang huyện, dứt khoát phải lụy hai đò. Mùa mưa bão, thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ Tết, chen đò như chen chợ.
Trong bụng vẫn nhớ câu ca "Con ơi mẹ dặn câu này/ Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua". Nhưng không có cách nào khác, lên được đò là phúc lắm rồi. Cả huyện không có cây cầu nào, không lụy đò thì lụy ai để ra vào đất Kinh Môn?
Huyện Kinh Môn rộng thế mà chỉ có 3 con đường. Đường Tuần Mây đi bến đò Triều làm từ lâu, đường hẹp, nhựa đã bong gần hết. Đường Bến Triều - An Lưu đất đá lổn nhổn. Đường An Lưu - đò Thái cũng vậy. Ngoài ra có mấy đường bờ sông, bờ đê khó mà đi được xe đạp chứ nói gì đến ô tô chở hàng.
Giao thông như vậy nên công nghiệp của huyện mãi đến năm 1958 mới có mỏ đất cao lanh ở Tử Lạc, mỏ đá vôi Vạn Chánh được khai thác. Lúc thịnh nhất vào năm 1972 - 1973 mỏ cao lanh có 450 công nhân. Mỏ đá năm1995 mới có 420 người cả thợ và cán bộ phòng, ban. Phương thức khai thác rất thủ công, lấy sức người là chính.
Ngoài ra đến cuối thập kỷ sáu mươi mới có xí nghiệp vôi gồm 6 lò với 12 khẩu lò đóng ở bờ sông thuộc làng Vạn Chánh. Xí nghiệp vôi do Ty Kiến trúc quản lý. Một số lò vôi ở Phạm Mệnh, Duy Tân, An Lưu, Hiệp Sơn... là của HTX nông nghiệp. Đồng ruộng Kinh Môn không màu mỡ như Thanh Hà. HTX nông nghiệp dưới thời bao cấp vì lối làm ăn "cha chung không ai khóc" nên nông nghiệp lạc hậu.
Cùng giai đoạn bao cấp, chiến tranh phá hoại của Mỹ xảy ra. Mỹ ném bom phá kho dầu ở Phạm Mệnh 6 lần. Nhiều lần chúng ném bom kho lương thực ở xã Thất Hùng. Chúng ném bom phố An Lưu (nay là khu dân cư sau trường THCS và trường mầm non) rất khủng khiếp, hủy diệt gần hết khu dân cư sinh sống...
Đất nước vừa thống nhất năm 1975, Kinh Môn hào hứng sản xuất và kiến thiết thì chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra năm 1979. Lại lên đường, lại bom đạn, thanh niên vừa rời quân ngũ về với gia đình lại mặc áo lính ra đi. Cùng năm 1979, Kinh Môn nhập với Kim Thành mang tên mới Kim Môn. Huyện lỵ mới đóng ở Phú Thái.
Huyện lỵ cũ ở An Lưu bỏ không. Nhà cơ quan đóng cửa. Cứ thế thời gian trôi đi, Kinh Môn vẫn nghèo túng, vẫn cách trở đò giang, vẫn là vùng xa của tỉnh. Đi công tác về các huyện đồng bằng như Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ... mới thấy bà con nhìn Kinh Môn với con mắt rất xa lạ. Chả thế mà ở trường tôi có hai cô giáo quê Hưng Yên, nghỉ Tết xong, các cô kể rằng khi về nhà mẹ hỏi nơi công tác, các cô kể Kinh Môn núi ra sao, sông thế nào.
Nghe xong mẹ các cô hỏi: "Thế con đi đường có gặp người không?". Hay một anh bạn quê Hà Nội từng dạy học ở Kinh Môn sau nghỉ hưu về Hà Nội sống, mở lớp dạy thêm. Học trò đến khá đông. Khi vui mồm anh nói chuyện núi rừng, hang động ở Kinh Môn cho học sinh nghe. Sau đó không hiểu sao các em nghỉ hết. Mãi sau anh mới vỡ lẽ phụ huynh các em cho rằng anh dạy ở vùng dân tộc thì không đủ khả năng luyện thi cho con em Hà Nội.
Năm nay, phường Thất Hùng có 40 ha cam cho thu hoạch, gồm giống cam Vinh và cam đường canh. Ước tính nông dân Thất Hùng thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng/ha cam
Kinh Môn những năm sáu mươi, bảy mươi, tám mươi của thế kỷ XX là thế đấy.
Vậy mà năm 2019, vùng quê nghèo và xa xôi ấy lại thành thị xã. Nhiều người nghĩ rằng lên thị xã trước phải là Ninh Giang với thị trấn trên bến dưới thuyền, buôn bán tấp nập đã hàng trăm năm nay.
Hoặc phải là Bình Giang, nơi gần quốc lộ 5, nơi có Kẻ Sặt đông vui, buôn bán sầm uất không kém gì Kẻ Chợ (Hà Nội). Vậy mà cả hai nơi ấy đều chưa lên thị xã. Cái "số độc đắc" ấy lại rơi vào Kinh Môn. Tại sao vậy?
Cái lý thì nhiều lắm. Song có thể khuôn lại một cách khái quát là tiềm năng của Kinh Môn rất phong phú.
Năm 1975 thống nhất đất nước là sự kiện vĩ đại có tác động rất lớn đến mọi miền Tổ quốc. Vì thế hai năm sau (1977), nhà máy xi măng Hoàng Thạch được khởi công xây dựng. Tiếng mìn khởi công thức tỉnh vùng núi đá Bích Nhôi, Tử Lạc. Người dân ở đây lần đầu trông thấy những chiếc cần cẩu, ô tô khổng lồ, trông thấy những công nhân người Đan Mạch da trắng, tóc vàng, mũi lõ.
Cả những lon nước ngọt, lon bia họ uống xong vứt vỏ đi cũng khiến ngạc nhiên và lạ lẫm. Năm sau, nhà máy xi măng Duyên Linh xuất hiện. Dần dần các nhà máy xi măng khác nối nhau ra đời. Đến năm 1996, không những nhà máy xi măng Hoàng Thạch mở rộng tới 3 dây chuyền sản xuất mà còn xuất hiện nhà máy xi măng Phúc Sơn.
Việc xóa bỏ bao cấp như luồng gió lành đem đến cho Kinh Môn một niềm vui và sức sống mới. Nhất là từ năm 1997, huyện Kinh Môn được tái lập. Cả huyện như một công trường xây dựng. Từ một chốn nhà quê, phố hẹp, đường nhỏ, nhà cấp bốn nay đổi đời. Các cơ quan của huyện được xây mới. Nhà cao tầng mọc lên. Một năm sau, Kinh Môn được công nhận là huyện miền núi với những ưu ái mới càng thúc đẩy cho các làng xã đi lên. Vì thế đến năm 2000, huyện đã có 35 làng văn hóa.
Cũng năm này, cầu An Thái được khánh thành. Bến phà Thái xưa là bến đò đã có hàng mấy trăm năm nay thành hoang phế. Cổng lớn của huyện đã mở kéo theo bao sự kiện ùa vào. Có thể khẳng định năm 2003 là cái mốc quan trọng trong quá trình vươn lên của Kinh Môn. Đó là năm khởi công làm đường 188 nối từ quốc lộ 5 ở Phú Thái chạy sang Mạo Khê gặp quốc lộ 18. Đồng thời khởi công làm hai cây cầu lớn là cầu Hiệp Sơn qua sông Kinh Thầy và cầu Đá Vách qua sông Đá Vách.
Cả huyện như một công trường lớn. Ở đâu cũng thấy xây dựng, hối hả và sôi động. Cầu và đường đang thi công thì ngay năm sau đó thị trấn Minh Tân và Phú Thứ ra đời. Thị trấn An Lưu đổi thành thị trấn Kinh Môn. Một huyện có 3thị trấn, mầm mống đô thị đã hiện hình. Cùng lúc đó, thép Hòa Phát về xã Hiệp Sơn xây dựng khu liên hợp sản xuất thép. Năm 2007, Công ty CP Lilama 69.3 cũng về Kinh Môn xây dựng cơ sở sản xuất và đóng trụ sở tại thị trấn Kinh Môn. Năm 2008 thông xe cầu Hiệp Sơn.
Một năm sau thông xe nốt cầu Đá Vách. Thế là cầu đã thông, đường lại thoáng, Kinh Môn được đổi đời. Tốc độ đô thị hóa càng nhanh. Nông nghiệp cũng khởi sắc với các đặc sản nếp cái hoa vàng, hành, tỏi, sắn dây bạt ngàn. Hàng chục trang trại trồng trọt và chăn nuôi trở nên nổi tiếng như nuôi đà điểu ở Tử Lạc, chim cút ở Thăng Long, cá thì không kể hết.
Dự án 327 đã thành công, phủ 1.812 ha rừng lên 17 xã. Sau gần 10 năm, Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương được xây dựng ở các xã: Phúc Thành, Quang Trung (nay đã sáp nhập thành xã Quang Thành) sắp hoàn thiện. Năm 2016, cụm di tích An Phụ, Kính Chủ, Nhẫm Dương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Năm sau thì hệ thống bia ma nhai ở động Kính Chủ lại được công nhận là "Bảo vật quốc gia". Đồng thời, cũng năm 2017, Kinh Môn là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận "Huyện nông thôn mới". Sang đầu năm 2019, hai cây cầu lớn nữa là cầu Mây và cầu Triều cũng được khởi công.
Thành công nối tiếp thành công. Niềm vui được nhân lên để Kinh Môn thành thị xã từ ngày 1.11. Dẫu biết rằng cuộc đổi đời nào cũng đầy khó khăn và vô cùng vất vả nhưng huyện Kinh Môn lên thị xã Kinh Môn vẫn là một niềm vui lớn, một động lực vô cùng mạnh mẽ để thị xã gấp rút hoàn thành các đường phố lớn.
Cụ thể là mở rộng, làm hệ thống thoát nước, lát vỉa hè, trải nhựa mới, đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng... Các khu đô thị ở phường An Lưu, Hiệp An, Long Xuyên, An Phụ, Hiệp Sơn, Phạm Thái... đang hoàn chỉnh quy hoạch. Các công trình văn hóa công cũng như các khu dân sinh đều được sửa sang, nâng cấp.
Rồi tên phường, phố, số nhà, di tích, chợ búa, quảng trường, bệnh viện, trường học, cơ quan... bao nhiêu việc lớn nữa cần làm. Biết là không dễ và không phải một sớm một chiều xong được, nhưng tôi vẫn tin rằng thị xã Kinh Môn trẻ, khỏe, năng động, sáng tạo sẽ phát triển một cách toàn diện, mang tầm vóc mới.
2019 trở thành năm bản lề giữa cái cũ (huyện Kinh Môn) với cái mới (thị xã Kinh Môn), năm bước ngoặt lịch sử của đất Kinh Môn. Chúng ta bâng khuâng nhớ thương một huyện Kinh Môn miền núi xa xôi, hẻo lánh và rất nghèo, giúp ta cố gắng để xây dựng một thị xã Kinh Môn công nghiệp nhưng vẫn là “thị xã nông thôn mới”, để toàn dân có cuộc sống hạnh phúc hơn, tình người đằm thắm hơn cùng với bản sắc văn hóa truyền thống của Kinh Môn không bao giờ phai nhạt.
Bút ký của VĂN DUY