Cuộc chiến "săn sale", làm sao cho hiệu quả?

12/12/2021 15:30

Việc "săn sale" được nhiều người trẻ coi là chiến tích để chứng tỏ bản thân là người tiêu dùng thông thái, ít nhất là trong suy nghĩ của họ. Nhưng "săn sale" sao cho hiệu quả có phải ai cũng biết?

"Bõ công ngồi săn sale, mình mua thỏi son chính hãng giá 150.000 đồng. Ai cần mua, mình gửi link" là dòng trạng thái của Hà My, 24 tuổi, nhân viên truyền thông ở Hà Nội viết trên facebook.

Khi đăng tải bài viết, một phần My mong muốn bạn bè, người thân, đồng nghiệp sẽ mua được đồ tốt giá rẻ. Nhưng thực ra, mục đích chính của cô gái 24 tuổi là muốn khoe "chiến tích săn sale" của bản thân.

Tuy nhiên, niềm vui trên nhanh chóng bị dập tắt sau khi My đọc được các bình luận về bài đăng. "Tuần trước, mình cũng săn sale thỏi này, kèm hộp bông tẩy trang miễn phí", Trang, một đồng nghiệp của My viết.

"Úi giời, giống thỏi son em dùng nhưng em mua giá rẻ hơn, có 138.000 đồng thôi", Vy Oanh một người em của My ở trường đại học bày tỏ.

Thậm chí, tài khoản Nguyễn Đức, anh họ của My còn gợi ý: "Sao không đợi đến ngày 12.12 mà mua, giá lúc đó sẽ mềm hơn đấy".

Chưa cần đọc hết các bình luận, My chiêm nghiệm ra một chân lý, các nhãn hàng, ứng dụng hay nền tảng tổ chức ra các cuộc đua "săn sale" mới là người thông thái vì họ đã khiến tất cả khách hàng nghĩ rằng mình là người thông thái nhất nhưng thực chất là không phải.


Cuộc đua của các ứng dụng vào dịp khuyến mãi cuối năm (Ảnh: A.C)

Ma trận "săn sale" bủa vây giới trẻ

2 năm trước, Nguyễn Hà Trang, sinh năm 2002 ở Hà Nội chỉ nhớ 3 ngày đặc biệt trong năm, bao gồm ngày sinh nhật của chính mình, của bố và của mẹ. Sau này, cô nàng gen Z còn nhớ thêm những "ngày đôi" như 9.9, 10.10, 11.11, đây là dịp các sàn thương mại điện tử sẽ đua nhau khuyến mãi, giảm giá với quảng cáo "sale sập sàn", "sale up to 90%"…

Điển hình, ngày 11.11 năm nay, Trang đã "nướng" vào các sàn điện tử gần 2 triệu đồng để mua những món đồ vừa cần thiết vừa không cần thiết. "Nói chung, cảm giác giành giật, tranh nhau mua một món đồ giá rẻ sẽ khiến bản thân cực kỳ hưng phấn, dù hàng hóa đó mua về chưa chắc được sử dụng", Trang bày tỏ.

Ngày mua sắm tháng trước, Trang đã thức từ 0 giờ đến 3 giờ chỉ để "săn sale" vài miếng rửa bát, bút bi, dây buộc tóc, ốp điện thoại, găng tay nilong dù trong nhà vẫn còn. Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng Trang mua theo sự cần thiết và dùng được ngay là sữa rửa mặt, phấn phủ, kem nền, son môi.

"Tôi có thể bỏ ra 2 triệu đồng để đầu tư một thỏi son nhưng lại tiếc 15.000 đồng phí vận chuyển, thế nên, tôi luôn chờ ngày freeship ở sàn mới mua. Hay cuốn sách 80.000 đồng ở tiệm, tôi mua là có sẵn nhưng không thích bằng cảm giác sở hữu sách với giá 78.000 đồng ở sàn, mặc dù 3 - 4 ngày sau mới có sách. Và chính tâm lý sợ tiếc, bỏ lỡ đó đang khiến tôi lao vào những cuộc săn sale được cho là tiết kiệm", Trang nói.

Tương tự, Nguyễn Thúy Lê, sinh năm 2000 ở Hà Nội từng đặt gần 20 đơn hàng vào ngày 10.10. Tuy nhiên, số đồ Thúy có thể dùng được ngay chỉ có 2 - 3 món, còn lại đều bị quăng vào góc tủ, chưa biết lúc nào mới được mang ra.

"Tâm lý FOMO cứ quanh quẩn trong đầu tôi vào mỗi dịp giảm giá. Tôi cứ nghĩ giá rẻ thế này sao mình không mua, lại còn được miễn phí vận chuyển, mua chưa dùng có thể để đó mà. Thực chất, đồ mua về mà không dùng ngay thì có nguy cơ không sử dụng rất cao", Thúy nói.

Hiệu ứng FOMO (Fear of Missing Out - nỗi sợ bị bỏ rơi, sợ mất cơ hội) đang xâm lấn nhiều người trẻ, nhất là khi các cuộc chiến khuyến mại, giảm giá bùng nổ, bủa vây người dùng. Và chỉ có ai thực sự tỉnh táo, mua sắm khoa học, biết bản thân cần gì mới tránh khỏi ma trận "săn sale".


Ma trận giảm giá, khuyến mại bủa vây người dùng (Ảnh: CNN)

Làm thế nào để "săn sale" hiệu quả?

Cách đơn giản như Chu Hiền, sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội thực hiện là ngồi ghi ra những đồ vật nào cần mua hoặc không và bỏ vào giỏ hàng trước. Thậm chí, Hiền còn ghi lại giá niêm yết của sản phẩm để vào ngày săn sale mang ra so sánh. Nếu giá thực sự giảm, cô nàng mới mua, còn nếu "độn giá", cô nàng sẽ dừng lại.

"Năm trước, vào ngày 9.9, tôi có đặt mua một chiếc nồi chiên không dầu với giá 580.000 đồng. Lúc đó, tôi thật sung sướng vì nghĩ mình săn được hàng rẻ. 3 hôm sau, tôi vào gian hàng đó, vẫn chiếc nồi đó, màu đó, thậm chí không phải ngày khuyến mại mà chỉ có giá 575.000 đồng, nghĩa là tôi mua phải giá đắt nhưng bản thân lại nghĩ là rẻ", cô nàng kể lại.

Theo Chu Hiền, sự thông thái của người dùng không tự nhiên mà có, nếu có thì phải trải qua nhiều thương vụ nhớ đời, để từ đó rút ra kinh nghiệm.

Theo cô gái gen Z, "săn sale" chỉ có ý nghĩa thực sự khi mọi người mua được đồ tốt giá rẻ chứ không phải là mua đồ lỗi giá rẻ. Cũng giống như mô hình mua sắm truyền thống, trên sàn thương mại điện tử cũng có nhiều gian hàng và không phải địa điểm nào cũng tốt. Thậm chí nhiều cửa hàng còn bán hàng giả, hàng kém chất lượng khiến khách "tiền mất tật mang".

Cách đây không lâu, Hiền Hương (Hà Nội) mua phải một hộp kem dưỡng ẩm nhái. Hậu quả là cô nàng phải đến bác sỹ khám và điều trị da trong thời gian dài, mặc dù trước đó Hương cũng khá cẩn thận khi vào đọc các bình luận đánh giá về cửa hàng, sản phẩm trước khi đặt mua.

Kể từ đó, với Hương, việc lựa chọn sản phẩm chất lượng còn quan trọng hơn việc mua hàng giá rẻ.

Ngày trước, nhiều lễ hội giảm giá vốn chỉ diễn ra trên mạng nhưng giờ còn được nhiều cửa hàng áp dụng, ăn theo. Vào các "ngày đôi",  nhiều cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đồng loạt treo biển "Sale up to 80%". Nếu không để ý, người mua sẽ tin sái cổ về việc cửa hàng giảm giá 80% vì chữ "up to" được ghi bé xíu và phóng to chữ "Sale" và "80%".

Chủ một cửa hàng thời trang ở Hà Nội tiết lộ chiêu thức này sẽ dẫn dụ được khách hàng đến mua sắm. Những sản phẩm giảm giá tới 80% chỉ là đồ cũ, lỗi mốt hoặc đồ cửa hàng muốn đẩy đi. Còn đồ mới thì chỉ giảm giá cho có như 5%, 10%. Mục đích chính trong các đợt giảm giá này là giới thiệu sản phẩm mới đến với khách hàng.

Thế nên, trước khi bước vào ma trận giảm giá, khuyến mãi, nhất là dịp cuối năm, người tiêu dùng cần tỉnh táo. Thứ nhất là hãy liệt kê ra những món đồ thực sự muốn mua, không mua tràn lan. Thứ hai là chọn cửa hàng uy tín, cho phép đổi trả hàng nếu xảy ra lỗi, hỏng. Thứ ba là hãy tiêu tiền thông minh, đúng lúc đúng chỗ.

Theo Dân trí

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến "săn sale", làm sao cho hiệu quả?