Tôi có ông anh họ ở quê, mỗi lần về thăm, anh đều mời ăn cơm và lần nào cũng bê ra một bình rượu ngâm thuốc to.
Anh uống và ép tôi cùng uống. Nhưng dịp cuối tuần vừa rồi, đến bữa ăn tôi thấy anh gọi con mang bình rượu ra, rồi lại giục cất vào. Tôi hỏi:
- Sao bác không làm một vài ly?
- Ăn xong là tôi với chú phải đến thăm ông Cả vừa ra viện sau mấy tuần bị tai nạn giao thông. Uống làm sao được...
- Uống ít thôi mà!
- Chứng tỏ chú chưa đọc luật. Ít cũng bị phạt, chỉ cần có hơi cồn… Thôi ăn cơm đi chú - anh gắp miếng đậu phụ rán vào bát tôi.
Quay ra đã thấy chị và các cháu ngồi quây quần trên cái chiếu. Lúc đó, anh mới kể chuyện hôm qua Hội Người cao tuổi xã đã họp, nghe ông đại diện hội ở huyện về giới thiệu Luật Phòng chống tác hại của rượu bia vừa được Quốc hội thông qua.
- Có nhiều điểm mới không bác? - tôi hỏi.
- Năm, sáu điểm gì đó nhưng toàn những điểm quan trọng. Chẳng hạn, đã tham gia giao thông, cả đi xe đạp cũng không được uống tí ti nào. Hoặc nhà mà cần rượu bia thì cũng không được sai bọn trẻ con đi mua, vì nó còn dưới 18 tuổi. Lại chuyện ép nhau uống như ngày xưa anh hay ép chú là phạm luật đấy! Bây giờ gia đình có trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không được uống rượu bia, nói các thành viên khác hạn chế uống…
Thấy anh tôi nói đã lâu, tôi xen vào:
- Vậy là những câu như “tửu bất khả ép”, “ép bất khả từ”… từ nay sẽ không còn dùng để ép nhau uống nữa?
- Phạm luật đấy! Luật mới có nhiều điều hay, điều mới, nếu thực hiện nghiêm thì cả làng bình yên...
- Thế các cụ có bàn cách nào đưa luật vào cuộc sống không?
- Sẽ còn phải bàn nhiều nhưng trước tiên vẫn là tuyên truyền, giáo dục để có nhận thức đầy đủ, từ đó mới tự giác thực hiện, rồi phải xây dựng mô hình “không rượu bia” trong các hoạt động khác…
- Cũng khó đấy! - tôi lại tiếp.
- Tất nhiên là thế nhưng đây cũng là “cuộc chiến” lâu dài, như cấm pháo, đội mũ bảo hiểm… phải không chú?
TRỌNG NGUYỄN