"Cuộc cách mạng" của các gia đình mùa nồm ẩm

18/02/2022 14:27

Sau khi thấy chị Lan treo quần áo khắp nhà, ra tối hậu thư không thay đồ, giặt khăn tắm, ông xã chị lập tức khuân về chiếc máy sấy hơn 20 triệu đồng.


Trước khi mua máy sấy, ông xã của Nga, anh Trần Long hong quạt cho quần áo. Ảnh: Tuyết Nga

Như nhiều người miền Bắc, chị Phạm Ngọc Lan, ở Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, không sợ lạnh giá hay mưa dầm, nhưng kiểu thời tiết lạnh, mưa phùn lại nồm ẩm, sương mù suốt từ Tết tới nay khiến chị vô cùng ngán ngẩm.

Nhà có bốn thành viên mỗi ngày thay ra cả chậu quần áo đầy ụ. Sau khi giặt và phơi nhưng không có nắng, quần áo vẫn ám một thứ mùi hỗn tạp, trộn lẫn giữa ẩm ướt, mùi hôi và mùi ngai ngái của nước xả. "Cầm một cái áo có mùi ấy, thật sự chỉ muốn ném đi", chị nói.

Những năm trước, Lan thường mang quần áo vào nhà, dùng quạt thổi mạnh hay máy sấy, bàn là cho khô. Dù cách nào, mùi quần áo không có nắng vẫn rất ám ảnh.

Từ đầu mùa xuân năm nay, chị bàn với chồng sắm một chiếc máy sấy nhưng anh gạt phắt vì ban công nhỏ và nghĩ máy chỉ dùng khoảng một tháng mùa xuân không cần thiết. Thuyết phục chồng là ngoài việc làm khô quần áo, máy còn có khả năng hút bụi vải mịn, tiết kiệm được thời gian phơi nên sẽ dùng quanh năm nhưng ông chồng vẫn không xuôi.

Sau kỳ nghỉ Tết năm ngày ở quê, gia đình Lan tiếp tục đi du lịch Mộc Châu ba ngày. Quần áo hơn một tuần đó dồn lại. Lần này chị Ngọc Lan không thuyết phục chồng nữa mà đem quần áo giăng như "thiên la địa võng" khắp nhà, yêu cầu chồng con hạn chế thay đồ và khăn tắm.

Sáng hôm sau chị thấy ông xã dậy sớm kê lại ban công, chậu cây rồi 9 giờ thấy có người chở máy sấy đến lắp. "Mình thừa biết sẽ có kết quả này vì chồng là người gọn gàng và không thể chịu đựng được việc không giặt khăn tắm hàng ngày", chị Lan cười.

Sau một tuần dùng máy sấy, ngày nào cũng ôm mớ quần áo thơm tho, mềm mịn, khô cong, ông xã chị cũng phải công nhận "mấy chục triệu bỏ ra có ý nghĩa đến số thập phân cuối cùng".

Kiểu thời tiết nồm ẩm thường xuất hiện ở miền Bắc sau Tết Nguyên đán, với đặc điểm mưa phùn kéo dài nhiều ngày, độ ẩm không khí cao, dẫn đến hiện tượng nhà cửa "toát mồ hôi", hơi nước đọng khắp nền nhà, tường, đường xá nhớp nháp, quần áo phơi không khô và nấm mốc sinh sôi, khiến nhiều người bị bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Kiểu thời tiết này đã kéo dài từ bắt đầu kỳ nghỉ Tết tới nay, độ ẩm thường xuyên trên 80%, gây ra rất nhiều bất tiện cho các gia đình, đặc biệt ở nhà đất và có con nhỏ. Nhiều gia đình mặc dù kinh tế chưa cho phép, buộc phải sắm các loại máy sấy và máy hút ẩm với giá từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng.

Đại diện một số siêu thị điện máy ở Hà Nội cho biết máy sấy quần áo là thiết bị gia dụng được người dùng quan tâm nhất, doanh số bán ra tăng từ 12 đến 14 lần so với trước đợt mưa lạnh kéo dài này. Các dòng tủ sấy tầm giá 2 triệu đồng hoặc máy sấy từ 7 đến 15 triệu đồng đều có lượng bán ra tăng cao. Nhiều sản phẩm đã hết hàng nhiều ngày trong khi nhà sản xuất chưa thông báo thời gian phân phối thêm.

Ông Lê Quang Vũ, Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị điện máy Media Mart, cũng khẳng định doanh số máy sấy vài tuần qua tăng 10 lần so với giai đoạn trước đó. Về việc các siêu thị, cửa hàng thường xuyên trong tình trạng khan hàng gần đây, ông Vũ cho rằng các công ty đã dự đoán sai nhu cầu thị trường, dẫn đến bị động trong kế hoạch nhập hàng.

"Thông thường máy sấy sẽ bán chạy vào khoảng tháng 12 và tháng 1 hàng năm, sau đó nhu cầu giảm dần. Tuy nhiên, năm nay thời tiết mưa lạnh vào tháng 2 và kéo dài khiến lượng người mua tăng ngoài dự kiến ở miền Bắc", ông Vũ nói.

Bên cạnh đó, thị trường đầu năm cũng ghi nhận xu hướng người dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho máy sấy. Đáng chú ý nhất là máy sấy với công nghệ bơm nhiệt (heatpump) dưới 20 triệu đồng ngày càng được quan tâm.

Gia đình chị Tuyết Nga, ở Thanh Xuân cũng vừa buộc phải chi hơn 17 triệu cho một chiếc máy 9 kg, dòng heatpump vì bó tay với cái cảnh quần áo của con 5 tháng tuổi bày la liệt khắp nhà, áp dụng đủ mọi mẹo mà không khô triệt để.

"Mình gọi khá nhiều nơi mà đâu cũng báo 'cháy hàng'. Những dòng ưng ý, giá đều trên 20 triệu đồng. May chọn được sản phẩm này đang giảm 20%, song phải chờ một tuần mới có hàng", Nga, 29 tuổi, chia sẻ.

Dòng máy sấy bơm nhiệt này tiết kiệm điện hơn dòng thông hơi. Lúc lấy ra quần áo chỉ ấm chứ không nóng, chế độ sấy hỗn hợp được cả quần bò, áo len, áo phông, sơ mi mà cạp hay gấu đều khô đều như nhau, áo không nhàu.

Sấy xong hai mẻ lấy ra được cả đống bụi vải khiến bà mẹ trẻ rùng mình. Còn ông xã cô hết hẳn cằn nhằn vì phải phơi đống đồ lắt nhắt của con. Một điểm khiến đôi vợ chồng hài lòng nữa là giải quyết thêm được vấn đề thẩm mỹ. Trước đây giàn treo đồ với cả đồ nhạy cảm che kín không gian ban công, nay giàn phơi chỉ để phơi giẻ lau, thảm, giúp cho tầm nhìn thoáng đãng. Chồng Nga đã trang trí thêm bộ đèn để khu vực này thêm đẹp.

Không chỉ khó chịu với mùi quần áo, nhà chị Đoàn Hoa ở quận Long Biên, vô cùng "ớn mùa nồm" vì nền nhà tầng trệt lúc nào cũng ướt như tưới nước, kính bóng mờ toát mồ hôi, các móc dính trên tường rụng hết. Vợ chồng, con cái đi lại trong nhà nhưng thi thoảng lại trượt ngã. Chị đã áp dụng các cách như bật máy sưởi, điều hòa, xông tinh dầu mà nhà vẫn mốc khắp nơi.

Từ năm 2018, vợ chồng chị quyết định làm "cách mạng" bằng việc đầu tư mỗi phòng một máy hút ẩm và một máy sấy quần áo. Mỗi chiếc giá từ 7 đến 9 triệu đồng. Vào những ngày độ ẩm từ 80% trở lên, chị bật máy hút, mỗi ngày đổ hai lần, mỗi lần trên 4 lít nước.

Những năm trước sống ở nhà mặt đất, chị Uyên Phạm cũng gặp nhiều vấn đề khó chịu của kiểu thời tiết này, như nhà ướt, đũa mốc, quần áo không khô... Từ khi lên chung cư hai năm nay, vấn đề nồm ít còn ảnh hưởng, nhưng mùi quần áo vẫn là rắc rối chưa thể giải quyết.

"Vợ chồng trẻ tiêu gì cũng phải tính toán từng đồng nhưng bao năm ức chế vì thời tiết này nên năm nay thống nhất phải mua hút ẩm và máy sấy", Uyên chia sẻ.

Sau khi chi khoảng 20 triệu đồng cho hai sản phẩm, Uyên thấy việc sử dụng máy hút ẩm có thể hơi phí vì chỉ dùng tạm thời trong mùa này, riêng chiếc máy sấy khiến chị "hoàn toàn hài lòng" vì vừa giải quyết bất cập thời tiết, vừa bảo đảm sức khỏe, sinh hoạt cho gia đình và tiết kiệm thời gian.

"Thứ đồ tốt nhất chính là thứ nâng cao chất lượng cuộc sống và phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Mấy nay hai vợ chồng cứ bảo nhau sao không mua máy sấy sớm hơn", Uyên cho hay.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Cuộc cách mạng" của các gia đình mùa nồm ẩm