Thống đốc NHNN thừa nhận việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức do các ngân hàng trung ương thế giới tiếp tục tăng lãi suất nhanh và mạnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn, Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (lĩnh vực ngân hàng) gửi về Quốc hội.
Báo cáo điểm lại những kết quả trong điều hành chính sách tiền tệ năm qua và nêu ra những vấn đề, thử thách đang đặt ra trong thời gian tới.
Giảm lãi suất gặp khó khăn
Bà Nguyễn Thị Hồng-Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết trong điều hành lãi suất 8 tháng qua, cơ quan này giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng. Từ đó, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng lạm phát quốc tế tiếp tục ở mức cao, trong nước tác động vòng 2 tăng áp lực lên lạm phát, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh, mạnh và dự báo đạt mức 4,5%-4,75% vào cuối năm 2023. Để tiếp tục thực hiện các biện pháp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN đã điều chỉnh tăng 1%/năm lãi suất điều hành, tăng từ 0,3%-1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND tại tổ chức tín dụng.
Về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, Thống đốc cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay (đặc biệt là từ giai đoạn tháng Ba), tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn từ những diễn biến phức tạp, khó lường trên thị trường quốc tế. Cụ thể là Fed đẩy mạnh lộ trình thắt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất ở mức độ lớn với tần suất cao và đồng USD quốc tế có thời điểm tăng đến hơn 19%.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn, hấp thụ cú sốc bên ngoài, vừa bán lượng lớn ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường. Nhờ đó, 9 tháng năm 2022, VND mất giá khoảng 4,8% so với USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực diễn biến thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Về giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, Thống đốc thừa nhận, áp lực lạm phát có xu hướng tăng, lạm phát so với cùng kỳ tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 4% gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023.
Cùng với đó, việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức do một số nguyên nhân như các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.
Bên cạnh đó, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020. Hiện lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng, tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VND.
Thống đốc phân tích thêm, áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi nhưng các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi. Cụ thể, thị trường vốn đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cùng kỳ năm 2021 và kiều hối có xu hướng giảm. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế (IMF, Ngân hàng Thế giới), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam.
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới. Moody’s cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lên 124% và 17%. Đó là mức cao nhất các quốc gia xếp hạng Ba và Baa, cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu. Từ đó, dẫn đến tồn ngân ngân quỹ Nhà nước, là các khoản ngân sách nhà nước thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu… hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế. Cung về vốn bị đọng tại ngân sách nhà nước, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn.
Ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo
Thống đốc cho biết thêm, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng thực hiện xử lý vấn đề sở hữu chéo, sở hữu vượt giới hạn quy định, NHNN tiếp tục quan tâm xem xét, nhận diện và có giải pháp kiểm soát, quyết liệt xử lý vấn đề sở hữu chéo, vi phạm sở hữu cổ phần gắn với quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng.
Các tổ chức tín dụng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại... Theo đó, sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát.
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ bản xử lý, khắc phục một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo. Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đến nay đã được khắc phục; sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm, đến nay còn tại 1 ngân hàng thương mại với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau là Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu-Công ty cổ phần Bất động sản Hòa phát-Á Châu (tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Á Châu tại Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát-Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,05%).
Việc xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định phát sinh trước khi Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực chủ yếu còn tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, phụ thuộc vào lộ trình xử lý theo đề án của các tập đoàn và chỉ đạo của các Bộ, ngành chủ quản.
Thống đốc cũng chia sẻ, trên thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định. Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Theo Vietnam+