Năm 2021 có một điều đặc biệt hiếm gặp là ngày 23 tháng chạp ngày ông Công ông Táo lại trùng với ngày Lập Xuân 4.2.2021.
Theo văn hóa Á Đông, vào ngày Lập Xuân (ngày đầu tiên của tiết Lập Xuân mở đầu 24 tiết khí trong năm) là ngày rất quan trọng. Trong các di chỉ cổ đã ghi rất kỹ việc ngày Lập Xuân vạn vật tại nội gia phải an yên, con người tâm thái bình tĩnh, tích cực đón chào vận khí mới. Và cũng theo tập tục, ngày 23 tháng Chạp sau khi cúng ông Công ông Táo xong các gia đình sẽ tiến hành rút tỉa chân nhang, bao sái lau dọn vệ sinh bàn thờ, tổng vệ sinh phòng thờ hay nơi thờ cúng và nhà cửa luôn để chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán.
Tuy nhiên vào những năm đặc biệt, thủ tục sẽ phải khác hơn tùy biến linh hoạt phù hợp lễ nghi.
Chuyên gia phong thủy Song Hà cho biết: Dù chúng ta cúng ông Công ông Táo ngày nào, trước 23/12 âm hay đúng ngày 23.12 âm vẫn phải tiến hành lau dọn bàn thờ, tổng vệ sinh nhà cửa trước khi bắt đầu bước vào tiết Lập Xuân, tiết khí đầu năm mới. Năm 2021, Lập Xuân bắt đầu từ 21 giờ 59 phút ngày 3.2.2021 tức đêm 22.12.2020 âm lịch. Chính vì vậy chúng ta phải tiến hành bao sái đồ thờ, dọn dẹp nhà cửa như dựng giường lau dọn phòng ngủ, chuyển két sắt lau dọn khu tài vị, tháo bếp lau dọn bếp nấu, di chuyển bàn ghế lau dọn phòng khách, tháo lắp trần nhà... trước 21giờ ngày 3.2.2021.
Nếu gia đình nào cúng ông Công ông Táo sớm vào các ngày 19, 20, 21, 22 tháng chạp ( ngày 22.12 phải cúng sáng hoặc cúng chiều không cúng tối) nên rút tỉa chân nhang, bao sái, dọn dẹp tổng vệ sinh ngay sau khi cúng. Nếu gia đình nào cúng ông Công ông Táo đúng ngày 23 tháng chạp thì cúng xong để an yên, sang sáng ngày 24 hay 25 mới được rút tỉa chân nhang. Vì ngày 23 tháng chạp trùng ngày 4.2 ngày Lập Xuân không thể rút tỉa chân nhang được sẽ gây bất ổn cho vận khí đầu năm mới.
Ngoài ra cần chú ý khi làm nghi thức rút tỉa chân nhang phải rất chú ý không được làm xê dịch bát hương, không xê dịch bàn thờ. Nếu gia đình nào vì bàn thờ mối mọt, cong vênh, nứt vỡ hay bát hương nứt , bát hương đồng gỉ cần phải đánh bóng hay đơn giản muốn chuyển bàn thờ sang vị trí tốt hơn ... buộc phải thay bàn thờ, thay bát hương , buộc phải di chuyển thì sau khi chuyển vị ban án thờ, chuyển vị bát hương phải làm lễ an vị bát hương an vị ban án thờ ngay. Trong các di chỉ cổ về tập tục văn hóa đã ghi rất kỹ việc bát hương an yên trong một ngôi nhà là điều tối quan trọng. Kỹ thuật rút tỉa chân nhang phải một tay giữ bát hương, một tay nhẹ nhàng rút dần chân nhang. Lau dọn bàn thờ phải lau mặt nhật nguyệt của bát hương đầu tiên, lau bát hương trước rồi mới lau đến các đồ thờ khác.
Chuẩn bị nước ngũ vị hương và rượu gừng pha vào nhau tạo 7 mùi hương là 7 vía của trạch chủ thường là nam nhân trong gia đình. Nếu nam nhân làm chủ khí trong nhà để lại 17, 27, 37 chân nhang. Nếu nữ nhân làm chủ khí trong nhà (trường hợp mẹ góa con côi hay bà mẹ đơn thân) để lại 19, 29, 39 chân nhang. Khi lau dọn tổng vệ sinh bàn thờ phòng thờ tối kị mở toang các cửa phòng thờ ra ánh nắng ánh sáng dương quang chiếu rọi vào bàn thờ gây tổn hại linh khí phạm Dương Quang Sát. Phòng thờ quanh năm buông rèm tối tránh ánh sáng bên ngoài, được dùng điện phía trong và 24/24h bật 2 cây đèn đỏ hoặc đèn vàng. Đề phòng hỏa hoạn nếu dùng bàn thờ gỗ nên đặt kiếng trên bàn thờ tránh tàn rụng gây cháy, tiy nhiên phải dán đề can mờ để không phản chiếu hình ảnh đồ thờ đổ xuống kiếng kính...
Văn khấn đồ lễ cúng ông Công ông Táo:
Hàng năm, đến ngày 23 tháng chạp, người người nhà nhà lại cúng ông Táo. Theo quan niệm dân gian thì ngày này là ngày ông Táo về chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng trên thiên đình những chuyện vừa xảy ra trong một năm vừa qua dưới hạ giới. Để tiễn ông Táo về trời sau một năm ở cùng con dân dưới hạ giới. Người ta bày mâm cúng với cá chép làm phương tiện cho ông Táo bay về trời cùng nhiều món ăn và đồ vật khác.
1. Lễ vật cúng Táo quân
Lễ vật cúng Táo quân (hai ông, một bà) tùy mỗi gia đình chủ yếu là thành tâm nhưng thông thường cần chuẩn bị những lễ vật như sau:
Một bình bông, đĩa trái cây ngũ quả (thanh long, mãng cầu, trái dừa, đu đủ, xoài). Ba chén chè trôi nước, ba đĩa mứt, ba đĩa trà khô, nhang, đèn, rượu, kẹo, cốm, bánh. Giấy cúng gồm tiền, vàng, bộ đồ, con ngựa…
Ngoài ra cũng tùy mỗi gia đình có thể cúng mâm cơm thường dùng hằng ngày gồm: Cơm, canh, cá, rau, củ kiệu, đĩa thịt luộc hoặc gà luộc, mắm, đĩa bánh chưng hay bánh tét... để dâng cúng.
Bên cạnh đó tín ngưỡng dân gian còn dâng cúng cá chép sống - vật để Táo quân cưỡi về trời. Khi làm lễ cúng xong người dân phóng sinh cá chép.
Đặc biệt ngày 30 Tết phải làm lễ rước ông Táo về ngự ở gia đình để cầu xin ngài phù hộ cho đất nước được thanh bình, nhân dân an lạc. Tất cả dân chúng đều cơm no áo ấm. Mọi người đều sống thoải mái qua đầu năm cho đến những cuối năm...
2. Cách cúng ông Táo ngày 23
Bạn thắp 3 nén hương (hoặc 5, 7, 9 nén tùy ý, nhưng nhìn chung là số lẻ), sau đó, bạn vái ba vái và khấn bài cúng. Sau khi hương tàn 2/3 thì bạn xin phép hạ lễ hoá vàng. Sở dĩ cần đợi hương tàn hết 2/3 là bởi có quan niệm cho rằng nếu hương còn thì hoá vàng mới giúp các ông Táo nhận được.
3. Bài cúng ông Công ông Táo
Sau đây là bài khấn đưa ông Táo về trời, mời các bạn cùng tham khảo:
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:…………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật!
Theo VTC