Năm 2021, tròn 60 năm quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam.
Trao quà cho nạn nhân da cam tại lễ phát động hưởng ứng giải báo chí với chủ đề "Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học cho Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam"
Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ song sự khốc liệt vẫn hiện hữu trong không ít gia đình những người trở về từ cuộc chiến, bởi di chứng chất độc hóa học. Ở nhiều gia đình, nỗi đau da cam vẫn còn đó dù đã trải qua 3 thế hệ.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ các nạn nhân chất dộc da cam/dioxin vượt qua bệnh tật, khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Nỗi đau da cam - nỗi đau xuyên thế hệ
Ngược dòng lịch sử, cách đây tròn 60 năm, ngày 10.8.1961, quân đội Mỹ đã tiến hành vụ rải chất độc hóa học đầu tiên xuống miền Nam, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam, nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân ta, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng.
Đây là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, kéo dài nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Trong 10 năm, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã trút xuống miền Nam Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam, chứa khoảng 366 kg chất độc dioxin - loại chất độc mạnh nhất mà loài người biết được cho đến nay.
Chỉ riêng khu vực A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, theo tài liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, khối lượng chất da cam rải xuống đây là trên 434.000 gallon, với một lượng dioxin khoảng 11 kg trong khoảng thời gian từ năm 1965-1970.
Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản.
Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân của chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh.
Do những hậu quả to lớn và nghiêm trọng từ cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam, năm 2009, Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) đã quyết định lấy ngày 10/8 hằng năm là Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Dù 60 năm đã trôi qua, nhưng nỗi đau da cam vẫn hằn lên trong mỗi gia đình nạn nhân. Theo thống kê, có đến 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân của chất độc da cam. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo.
Đặc biệt là ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; ở một số địa phương, hậu quả chất độc da cam đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4.
Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân là rất lớn, vượt ra ngoài khả năng của gia đình. Do đó, đa số hộ nạn nhân chất độc da cam thuộc hộ nghèo, đời sống vật chất, tinh thần còn rất khó khăn, thiếu thốn. Cùng với nghèo khổ là những nỗi đau. Nỗi đau của những người bố, người mẹ sinh con ra bị dị hình dị dạng; nỗi đau của những đứa trẻ dị tật, bị mù, câm, điếc...
Có thể nói, “nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”.
Nỗ lực khắc phục
Chất độc hóa học/dioxin mang lại nỗi đau khủng khiếp và nguy hiểm không gì sánh được đối với những nạn nhân chất độc da cam/dioxin - mang tên NỖI ĐAU DA CAM. Nỗi đau ấy đẩy các nạn nhân vào hoàn cảnh cùng cực, đau đớn hết đời này qua đời khác. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã huy động nhiều nguồn lực, cùng với các tổ chức và cá nhân trong nước xây dựng nhiều chế độ hỗ trợ, ưu đãi đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam để phần nào chia sẻ nỗi đau da cam.
Ngay khi chiến tranh còn đang diễn ra và sau khi kết thúc, Đảng, Nhà nước, Quân đội, các ban, bộ, ngành đã dự báo được nguy cơ, hậu quả của chất độc hóa học do quân đội Mỹ và đồng minh gây ra đối với môi trường, con người, phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Một số tổ chức, đơn vị đã được thành lập, bổ sung thêm nhiệm vụ để tiến hành đánh giá, xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý, khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin, thể hiện rõ quyết tâm, sự chủ động, tích cực của Việt Nam nhằm khắc phục hậu quả, hướng tới tương lai.
Tháng 10.1980, Chính phủ thành lập Ủy ban đặc biệt điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ủy ban 10-80) nhằm có một cuộc điều tra cụ thể, đầy đủ những tác động tàn khốc của chất độc hóa học lên con người và môi trường tại những vùng đất quân đội Mỹ đã phun rải trong thời gian chiến tranh. Kết quả điều tra của Ủy ban 10-80 đã khẳng định, tác hại của chất độc da cam/dioxin là vô cùng trầm trọng, để lại hậu quả nặng nề và lâu dài đối với con người và môi trường Việt Nam.
Tháng 3.1999, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Tháng 1.2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập, trở thành “ngôi nhà chung” của các nạn nhân da cam. Đây được coi là bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học; hỗ trợ đời sống tinh thần, vật chất cho nạn nhân da cam.
Ngày 25.6.2004, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định lấy ngày 10/8 hằng năm là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.
Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện nhiều chính sách, có chế độ cho các nạn nhân nhằm cải thiện đời sống cho họ. Ngày 14.5.2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”.
Những năm qua, thông qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị 43, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, qua đó, các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức và bạn bè quốc tế… hiểu rõ hơn thảm họa da cam/điôxin. Cấp ủy, chính quyền và Hội nạn nhân chất độc da cam /điôxin các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả vận động các nguồn lực giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam.
Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.
Hiện toàn quốc có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm nghìn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có nạn nhân chất độc da cam được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục nghìn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc da cam được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cũng đã vận động, huy động nguồn lực xã hội ở trong và ngoài nước trị giá hàng trăm tỷ đồng để giúp nạn nhân chất độc da cam làm nhà, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh, dạy nghề, nuôi dưỡng, hỗ trợ học bổng, cho vay vốn sản xuất, tặng xe lăn, xe đạp, tặng quà nhân dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh, Liệt sỹ, Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam... cùng nhiều dự án xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội...
Cả nước hiện có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Hội Nạn nhân chất độc da cam /dioxin các cấp trong cả nước có 26 trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, dạy nghề, nuôi dưỡng thường xuyên, hoặc bán trú các Nạn nhân chất độc da cam.
Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản di truyền tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã và đang hoạt động tích cực nhằm giảm tỷ lệ sinh con dị tật. Một số địa phương đã tiến hành điều tra tổn thương tâm lý và trợ giúp tâm lý cho nạn nhân chất độc da cam.
Nhân ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” (10.8), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư thăm hỏi các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong thư Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thân ái gửi đến các nạn nhân và gia đình các nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong cả nước lời thăm hỏi ân cần với tình cảm sẻ chia sâu sắc nhất.
Ngày 10.8 năm nay là ngày đánh dấu 60 năm kể từ khi thảm họa da cam/dioxin xảy ra ở Việt Nam. Những mất mát, đau thương mà thảm họa này gây ra trên đất nước ta còn vô cùng nghiêm trọng, nghiệt ngã, với hậu quả, di chứng nặng nề, ảnh hưởng nhiều thế hệ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm, chia sẻ, cảm thông, mong muốn và hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua bệnh tật, khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, cuộc sống của các hộ gia đình có người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam đã bớt khó khăn hơn. Nhiều người đã vượt lên số phận để làm chủ cuộc sống, đồng thời có thể giúp đỡ những nạn nhân da cam khác.
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam; không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, mà còn đóng góp vào sự ổn định chính trị, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường “thế trận lòng dân”, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo TTXVN