Mấy ngày hôm nay, giáo viên chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng: “Cứ lắp camera rồi riết chẳng còn ai dám đứng lớp nữa”.
Tôi là một giáo viên tiểu học. Đây là giai đoạn trẻ đang chuyển từ môi trường chủ yếu chơi sang tập trung học. Dạy trẻ ở lứa tuổi này khó rất nhiều và khổ cũng không ít. Có những lúc, tôi cảm thấy ức chế vô cùng vì nói mãi một điều mà học sinh không chịu nghe, thậm chí dù có quát tháo thế nào, chỉ vài phút sau đâu lại hoàn đó.
Mỗi lần như thế, tôi lại phải sử dụng đến biện pháp mạnh. Khi thì phạt một roi vào tay, lúc lại là phạt một cái vào mông. Nếu trẻ quá nghịch ngợm thì sẽ phải đứng góc lớp hay lên phòng thầy hiệu trưởng,...
Tôi nghĩ đó là biện pháp răn đe cần thiết đối với những đứa trẻ nói mãi không chịu nghe lời và không ưa những biện pháp “mềm mỏng”. Nhưng cách thức ấy không phải lúc nào cũng được phụ huynh đồng thuận.
Mấy ngày hôm nay, câu chuyện chiếc camera giám sát lớp học khiến nhiều đồng nghiệp của tôi cảm thấy rất buồn và tổn thương
Có lần, dù tiết học sắp kết thúc nhưng một cậu học trò của tôi vẫn mất tập trung không chịu nghe giảng. Cho đến khi cô giáo đi đến tận bàn chỉ giảng nhưng em mãi không hiểu và làm rất ẩu. Quá ức chế, tôi đã kéo nhẹ tai cậu bé ấy để “cảnh cáo”. Ngày hôm đó, tôi đã phải giữ em ở lại muộn hơn để giảng lại bài học.
Tuy nhiên, bố của em vì chờ mãi không thấy con tan học nên đã đi lên tận lớp tìm. Khi thấy tôi đang quát tháo và vô tình trông thấy vết phấn còn in trên tai con, cộng với chút men trong người, ông bố này đã to tiếng chất vấn: “Tại sao cô lại véo tai con tôi? Cô có quyền gì để làm như thế”, rồi đi thẳng lên phòng thầy hiệu trưởng.
Tôi đứng hình vì không có cơ hội để giải thích. Bản thân tôi khi ấy không cảm thấy lo lắng, nhưng tôi thấy buồn vì rõ ràng mình quan tâm đến học trò, giữ trò lại vài phút để chỉ bảo thêm. Thế nhưng cuối cùng, tôi lại khiến phụ huynh nổi giận vì điều đó.
Tôi nghĩ rằng không có thầy cô nào muốn quát mắng, doạ nạt học sinh cả. Nhưng nếu thấy một đứa trẻ sai mà giáo viên không dám phạt để uốn chỉnh, liệu đó có còn là giáo dục?
Mới đây, cậu con trai của tôi bị cô giáo phạt 2 roi vào tay vì tội lấy bút đâm vào người bạn.
Khi đồng nghiệp kể lại, tôi về hỏi con: “Con nghĩ cô giáo phạt như vậy là vì cô ghét con hay thương con?”
Thằng bé trả lời: “Là vì cô thương con”.
“Con thấy mình làm vậy đã đúng hay chưa?”, tôi hỏi lại.
“Làm như vậy là rất nguy hiểm. Con đã xin lỗi cô và bạn rồi. Lần sau con không dám như vậy nữa”.
Vì cô giáo trước đó đã phân tích đúng sai nên dù bị phạt, thằng bé vẫn cảm nhận thoả đáng. Trong tình huống này, tôi hoàn toàn ủng hộ việc cô giáo sử dụng biện pháp mạnh.
Phải nói thật, bản thân tôi cảm thấy rất sợ trước những giáo viên “vô cảm” - những người dù nhìn thấy học trò sai mà không sửa, thấy vi phạm mà vẫn lơ đi. Nếu còn phạt học sinh tức giáo viên ấy vẫn còn yêu thương và thực tâm muốn học trò tiến bộ.
Chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng: “Cứ lắp camera rồi riết chẳng còn ai dám đứng lớp nữa”
Tôi nghĩ giáo viên phạt trò vì tình thương và trách nhiệm sẽ khác với việc bạo hành trẻ.
Bản thân tôi cũng hiểu rằng khi thầy cô lựa chọn bạo lực với học trò thì sẽ không bao giờ đạt được mục đích giáo dục dù có bao biện như thế nào đi chăng nữa. Cho nên gốc rễ của vấn đề vẫn là kỹ năng và cách xử lý các tình huống sư phạm, còn việc có gắn camera hay không, đó cũng chỉ là biện pháp giám sát.
Và một điều quan trọng nhất vẫn là phải có sự phối kết hợp giữa gia đình - nhà trường.
Thầy cô và phụ huynh cũng giống như một người cha và một người mẹ. Nếu như một trong hai người bất đồng quan điểm giáo dục con cái thì đứa trẻ không thể được giáo dục tốt.
Tôi đã gặp nhiều trường hợp phụ huynh nói rất gay gắt: “Cô giáo mày dốt như bò”. Phụ huynh còn như thế thì làm sao học trò có thể nghe cô giáo được?
Trên hết, phụ huynh phải là những người đồng hành cùng giáo viên chứ không phải mất hết niềm tin vào cô giáo. Cho nên việc lắp camera để phụ huynh giám sát, nếu không cẩn thận còn gây phản tác dụng vì quá phản cảm.
Bởi khi ấy, những người thầy sẽ phải gánh thêm một áp lực nữa. Người chưa tận tâm sẽ chỉ lo làm tròn vai, tạo hình ảnh lung linh trước ống kính như những diễn viên, còn những thầy cô tâm huyết với nghề lại bị tổn thương vì dường như mình không được tôn trọng và tin tưởng.
Tất nhiên, việc lắp camera cũng có một số mặt được là giúp phụ huynh có thể biết con cái của mình học tập ra sao, qua đó cùng giáo viên kịp thời điều chỉnh. Hay trong trường hợp khẩn, camera có thể giúp giáo viên “minh oan” trước những nỗi lo của cha mẹ.
Nhưng theo tôi, nếu lắp camera thì cần phải có sự quản lý của hiệu trưởng thay vì để phụ huynh quản lý. Trong trường hợp phụ huynh cảm thấy có vấn đề, khi ấy cha mẹ có thể đề xuất ý kiến với hiệu trưởng và có quyền cùng với nhà trường xem lại hình ảnh trích xuất từ camera.
Việc lắp camera trong trường học với nhiều người một điều văn minh, nhưng nếu không thận trọng sẽ đem lại những "tác dụng ngược" với những giáo viên chỉ biết "diễn". Hậu quả nhận lại, không ai khác chính là con trẻ.
Theo Vietnamnet