Theo thông báo mới đây, Học viện Báo chí và Tuyên truyền yêu cầu không chỉ sinh viên mà cả các giảng viên phải tuân thủ và chấp hành nghiêm quy chế.
PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Thanh Hùng
Cụ thể, giảng viên lên lớp muộn 10 phút thì buổi học đó bị tính là giảng viên bỏ giờ không lý do.Sinh viên đến lớp muộn 5 phút bị tính nghỉ học một buổi không lý do. Giờ giải lao sinh viên vào muộn sẽ bị tính một buổi nghỉ học không phép.
Trong giờ học giảng viên và sinh viên tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động. Những buổi học có sự tương tác và truy cập tài liệu mà phải dùng điện thoại, giảng viên phải báo trước với Ban quản lý đào tạo.
Khi các bộ phận chức năng đi kiểm tra, phát hiện có sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học thì giảng viên và sinh viên phải cùng chịu trách nhiệm trước nhà trường. Sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học 1 lần sẽ bị khiển trách, 3 lần sẽ cảnh cáo trước toàn trường và 4 lần thì sẽ bị đình chỉ 1 năm học,…
Quy chế có phần ngặt nghèo này thực sự khiến cánh sinh viên không mấy dễ chịu. Thậm chí nhiều sinh viên cho rằng không phù hợp môi trường đại học.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền xác nhận hiện nay hệ thống học viện nghiêm cấm việc sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học. Bởi nếu không, sinh viên không tập trung học tập mà chỉ mải mê sử dụng điện thoại.
“Lâu nay, các giảng viên phản ánh tình trạng này rồi nhưng hôm trước chính bản thân tôi đi kiểm tra thì 1/3 sinh viên ngồi dưới lớp lướt web, chơi chứ không tập trung học hành gì cả. Các giảng viên chịu bó tay. Nhà trường quyết định đưa ra giải pháp để việc học hành của sinh viên được nghiêm túc. Cùng đó quy định về giờ giấc để tránh việc sinh viên tụ tập quán xá, bỏ giờ bỏ lớp”.
Theo ông Nam, thực tế trước đây nhà trường từng có quy định này nhưng khi đó điện thoại di động chưa nhiều như hiện nay và sau một thời gian thì nhãng đi.
“Trường Đảng thì càng cần phải kỷ cương. Do đó, chúng tôi cấm việc sử dụng điện thoại mà không tập trung học tập”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cho hay: “Điều tra xã hội học trong sinh viên của học viện thì một ngày các em dành đến khoảng 7 tiếng đồng hồ để lướt web nhưng chủ yếu phục vụ cho mục đích vui chơi, giải trí chứ không phải cho việc học tập”.
Theo ông Nam, sinh viên hoàn toàn có thời gian tự học ở nhà nên việc tra cứu hay nghiên cứu không phải không có thời gian.
Với những sinh viên cho rằng có những trường hợp cần tra cứu nhanh để phục vụ cho nhu cầu bài học, ông Nam lý giải: “Nếu sinh viên nào có nguyện vọng tra cứu nội dung gì thì có thể trao đổi với các giảng viên. Chúng tôi vẫn cho phép các em sử dụng ipad hay laptop trên lớp dưới sự quản lý của học viện".
“Sinh viên do học viện đào tạo ra phải bảo đảm những tiêu chí nhất định. Mục tiêu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền giờ cũng đã khác, không phải là bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp mà quan trọng là bao nhiêu sinh viên ra trường có việc làm”.
Tuy nhiên, nói về quy định vào muộn “5 phút bị tính là nghỉ học” thì theo thầy Nam cũng hơi ngặt nghèo quá. Do đó, ông đã yêu cầu thu hồi lại văn bản để chuẩn chỉnh lại nội dung cho phù hợp và linh hoạt hơn. “Thông báo của nhà trường muốn nói nguyên tắc là cần phải vào lớp đúng giờ. Còn trường hợp sinh viên đến lớp muộn vì những lý do như tắc đường hay ốm đau… chính đáng và đầy đủ thì các giảng viên cần chia sẻ, linh hoạt chứ không thể cứng nhắc quá được. Ngay giảng viên cũng có lúc chậm chứ không phải mỗi học trò. Vì vậy trường cũng đưa ra những quy định để không chỉ sinh viên mà các giảng viên cũng phải nâng cao ý thức, trách nhiệm. Về nguyên tắc dịch vụ đào tạo, người học trả tiền thì cần được trả lại đúng chất lượng, giảng viên chỉ lên lớp cho xong việc thì chưa đúng lương tâm và trách nhiệm”, đại diện học viện cho hay.
THANH HÙNG (Vietnamnet)