CPI tháng 12 tăng 0,23% so với tháng 11 và tăng 4,74% so với tháng 12 năm 2015. CPI bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với năm 2015.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 28-12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 đã tăng 0,23% so với tháng 11 và tăng 4,74% so với tháng 12 năm 2015. CPI bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với năm 2015.
Giá dịch vụ y tế chi phối
Tháng 12, trong rổ tính CPI có 6/11 nhóm tăng giá, cụ thể nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng cao nhất (+5,3%) và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng thấp nhất (+0,08%). Bên cạnh đó 4 nhóm giảm giá, bao gồm giao thông (-0,89%), bưu chính viễn thông (-0,03%), hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,03%) và văn hóa, giải trí, du lịch (-0,02%). Riêng nhóm giáo dục không thay đổi so với tháng 11.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết do giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng tại TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nên chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng mạnh 6,93%, góp phần làm tăng CPI tháng 12 khoảng 0,27%.
Ngoài ra, chỉ số giá nhóm lương thực cũng có mức tăng 0,22%, xuất phát từ nhu cầu nguồn cung trong ngành sản xuất phục vụ hàng Tết Nguyên đán, thêm vào đó đó ảnh hưởng của mưa lũ cũng khiến giá gạo ở một số tỉnh miền Trung tăng cao hơn tháng trước.
“Cộng thêm một số yếu tố khác, như tháng cuối năm nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng tác động đến giá vật liệu xây dựng (+0,27%), giá dịch vụ sửa chữa nhà (+0,76%), hay giá gas tăng 1,51% do còn ảnh hưởng từ đợt tăng giá tháng trước,” ông Lâm cho biết.
Vàng "trượt dốc"
Theo biến động của giá vàng thế giới, trong nước giá vàng đã giảm 2,49%. Theo ông Lâm, nguyên nhân giá vàng thế giới giảm chủ yếu từ việc đồng USD tăng giá và lãi suất trái phiếu Mỹ lên cao nhất từ đầu năm sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cụ thể (ngày 14-12), FED đã chính thức nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 25 điểm phần trăm, theo đó giá USD lập tức tăng so với các đồng tiền khác và tỷ giá trong nước đã tăng theo, bình quân tỷ giá xoay quanh 22.900VND/USD.
Lý do khác khiến giá vàng sụt giảm còn bởi nhu cầu nhập khẩu từ thị trường lớn nhất thế giới là Ấn Độ đang chững lại. Theo đó, giá vàng bình quân trong nước vàng dao động quanh mức 3,396 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Lạm phát cơ bản thấp
Báo cáo thống kê cũng cho thấy, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 12 có mức tăng 0,11% so với tháng 11 và tăng 1,87% so với cùng kỳ. Như vậy, lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,83% so với năm 2015.
Ông Lâm phân tích, bình quân (năm 2016 so với năm 2015) lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, cụ thể là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
“Mức tăng của lạm phát cơ bản (từ tháng 1 đến 12-2016) so cùng kỳ có biên độ dao động có khoảng cách khá hẹp từ 1,64% đến 1,88%, điều này thể hiện chính sách tiền tệ đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát,” ông Lâm nói.
Giữ lạm phát cơ bản khoảng 2%
Theo ông Lâm, năm 2016 là một năm thành công trong điều hành chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc kiểm soát lạm phát dưới 5% và điều chỉnh giá một số dịch vụ công tiệm cận với giá thị trường.
Để kiểm soát lạm phát năm 2017 với mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% của Quốc hội, đại diện Tổng cục Thống kê đề xuất một số kiến nghị các giải pháp.
Trong năm tới, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chủ động và phối hợp chặt chẽ trong đánh giá tình hình giá cả, xây dựng các phương án điều hành giá, lãi suất và tỷ giá để chủ động kiểm soát lạm phát. Trước khi điều chỉnh giá của các loại hàng hóa và dịch vụ kể trên cần tính toán, thống nhất và báo cáo Chính phủ.
Ngoài ra, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas...) để có các giải pháp điều hành kịp thời và phù hợp. Bộ Công thương nên chủ động đưa ra các phương án tăng giá điện để tính toán các mức độ ảnh hưởng đến chỉ số CPI, chỉ số giá sản xuất và tăng trưởng GDP...
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mức lạm phát cơ bản khoảng 2%. Bên cạnh đó, việc thực hiện các đợt điều chỉnh giá mặt hàng dịch vụ y tế, giáo dục nên trùng với các thời điểm điều chỉnh trong năm 2016 để chỉ số bình quân năm hạn chế tăng cao, cũng như thời gian điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý cần tách ra các tháng khác nhau nhằm giảm thiểu sự tác động lan tỏa lên chỉ số CPI”, ông Lâm nói.
Theo TTXVN