Nghiệp đoàn và các tổ chức phi chính phủ cáo buộc công ty mỏ Trung Quốc ở Mỹ Latin che giấu số người mắc Covid-19 trong mỏ và kêu gọi sự minh bạch.
Luís Lopez cho biết ông đã dành 6 tháng qua để cố gắng yêu cầu Chinalco - nhà sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc và chủ sở hữu của mỏ đồng Toromocho ở miền Trung Peru - công bố cái mà ông gọi là số thợ mỏ “thực sự” mắc Covid-19. Sau đó, Lopez - lãnh đạo nghiệp đoàn - bị sa thải.
Theo Lopez, 39 tuổi, Chinalco vẫn chưa tiết lộ có bao nhiêu thợ mỏ dương tính với Covid-19 trong tháng 7 và tháng 8. Theo ông, điều này khiến hàng nghìn công nhân gặp rủi ro tại khu mỏ, nơi cách thủ đô Lima khoảng 4 giờ lái xe.
Nhiều người lo rằng các mỏ khoáng sản Trung Quốc điều hành ở Peru đang trở thành "phương tiện lây nhiễm". Ảnh: Getty |
Những tổ chức phi chính phủ ở Peru và các nơi khác ở Nam Mỹ cũng có chung nỗi lo với ông Lopez. Họ nói mỏ do các công ty Trung Quốc điều hành không công bố số lượng người nhiễm và không tuân theo các hướng dẫn chống dịch của địa phương.
Mỏ khoáng sản thành "phương tiện lây lan" virus
Peru, quốc gia có dân số 33 triệu người, có số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến và hiện nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Peru đã ghi nhận hơn 650.000 trường hợp mắc virus corona và hơn 29.000 người tử vong.
Các quan chức tại trụ sở Chinalco ở Bắc Kinh từ chối bình luận về các cáo buộc trên. Hai email South China Morning Post gửi đến bộ phận truyền thông công ty con của Chinalco ở Peru cũng không nhận được hồi âm.
Theo Bộ Năng lượng và Khai thác Peru, hoạt động khai thác đồng, kẽm, vàng và các khoáng sản khác chỉ chiếm hơn 9% nền kinh tế trị giá 227 tỷ USD của Peru. Tuy nhiên, hoạt động khai thác này chiếm khoảng 60% giá trị xuất khẩu.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Peru sẽ giảm 12% trong năm nay do Covid-19 - mức suy giảm lớn nhất ở Nam Mỹ. Do đó, chính phủ nước này đang phải cố gắng cân bằng giữa việc chống dịch và khởi động lại hoạt động kinh doanh.
Peru là một trong những quốc gia bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Ảnh: AP |
Vào tháng 3, Tổng thống Peru đã ra lệnh các doanh nghiệp trong nước tạm dừng hoạt động trong 2 tuần để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, vào cuối tháng 6, chính phủ đã cho phép công ty để công nhân nghỉ không lương vì đại dịch đã đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực suy sụp.
Trung Quốc đã tặng vật tư y tế giúp chống Covid-19 cho hơn 20 quốc gia ở Mỹ Latin, theo một bài báo hồi tháng 7 trên tờ People’s Daily của Trung Quốc. Cùng tháng đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẽ cho khu vực vay 1 tỷ USD để tiếp cận với các loại vaccine đang được phát triển ở Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, những lời phàn nàn, chủ yếu từ công nhân và các nhóm phi chính phủ, về việc thiếu biện pháp bảo vệ chống virus tại các mỏ do Trung Quốc làm chủ ở Peru đã tăng lên. Theo số liệu của chính phủ, ngành công nghiệp khai khoáng ở Peru đã sử dụng hơn 208.000 nhân công trực tiếp vào năm 2019 và tạo ra 1,3 triệu việc làm trong các lĩnh vực dịch vụ cho ngành này.
Julia Cuadros - giám đốc điều hành của CooperAcción, một tổ chức phi chính phủ giám sát các công ty khai thác của Trung Quốc ở Peru - nói với South China Morning Post rằng mối lo ngại hiện tại là các mỏ đã trở thành “phương tiện lây lan”.
Bà Cuadros cho biết những công ty khai thác nước ngoài khác ở Peru cũng phải đối mặt với các đợt bùng phát Covid-19. Bà lưu ý ổ dịch lớn nhất nằm tại một mỏ thuộc sở hữu công ty đa quốc gia của Anh, Glencore. Tuy nhiên, bà Cuadros nói các công ty Trung Quốc kém minh bạch hơn.
“Chúng tôi không biết có bao nhiêu công nhân bị nhiễm virus corona ở các mỏ Trung Quốc”, bà Cuadros nói. Các công ty này cần hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ với những bên liên quan tại địa phương, bà nói thêm.
Kể từ tháng 4, cư dân của một số ngôi làng đã chặn các con đường tới mỏ đồng Las Bambas ở miền Nam Peru. Mỏ đồng này được công ty MMG tại Australia - một công ty có cổ đông chính là China Minmetals Corporation thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc - quản lý. Dân làng lo ngại những người thợ đi xe buýt đến mỏ có thể lây nhiễm cho các cộng đồng địa phương trên đường đi, bà Cuadros nói.
Không minh bạch số ca nhiễm
Khiếu nại về các hoạt động khai khoáng của Trung Quốc không chỉ có ở Peru. Vào tháng 5, 73 tổ chức phi chính phủ từ khắp Nam Mỹ đã ký một lá thư phản đối gửi Bắc Kinh. Họ cáo buộc rằng 6 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc hoạt động tại Peru, Ecuador và Argentina đã vi phạm luật lao động và phá hoại môi trường. Bà Cuadros cho biết họ không nhận được hồi âm.
“Chúng tôi luôn gặp khó khăn lớn khi liên hệ với các đại diện chính thức của Trung Quốc. Họ không trả lời thư lúc bình thường, chứ đừng nói là trong thời kỳ đại dịch”, bà Cuadros nói với South China Morning Post.
Một thành viên của phái đoàn y tế Trung Quốc đẩy hộp vaccine tại sân bay Jorge Chávez ở Lima, Peru hôm 2.9. Vaccine của Công ty dược phẩm Trung Quốc Sinopharm sẽ được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở Peru. Ảnh: AP |
Shougang Hierro Peru - công ty con của tập đoàn sản xuất thép Trung Quốc Shougang - cùng Chinalco và MMG, được nêu tên trong bức thư. Shougang, công ty điều hành mỏ quặng sắt Marcona trên bờ biển phía nam của Peru, không cung cấp đồ bảo hộ cho công nhân, theo bức thư trên.
South China Morning Post đã liên lạc với các công ty trên qua điện thoại và email nhưng không nhận được câu trả lời.
Cựu lãnh đạo nghiệp đoàn Lopez cho biết Chinalco báo cáo đã sơ tán 71 công nhân dương tính với virus cororna tại mỏ Toromocho vào tháng 6, tháng cuối cùng số ca nhiễm được công bố. “Tuy nhiên, con số này không tính đến các thợ mỏ được thuê theo hợp đồng ngắn hạn”, ông Lopez nói.
Ông Lopez cho biết mỏ Toromocho có khoảng 1.400 công nhân toàn thời gian và 2.000 công nhân làm việc theo hợp đồng ngắn hạn. Nếu tính hết số công nhân hợp đồng vào, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại mỏ có thể lên đến hàng trăm, theo ông Lopez.
Bà Cuadros - người đã theo dõi hoạt động đầu tư nước ngoài ở Peru trong hơn hai thập kỷ - cho biết nhóm của bà cố gắng đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài để giải quyết tranh chấp với cộng đồng địa phương. Họ đang đàm phán với MMG và chính phủ về việc người dân địa phương chặn đường vào mỏ Las Bambas.
Bà nói trước đây họ đã từng kiện các công ty khai thác nước ngoài về tranh chấp lao động và ô nhiễm. Tuy nhiên, đó là biện pháp cuối cùng vì quá trình này kéo dài, tốn kém và thường phải nộp đơn kiện lên các tòa án nước ngoài. “Với Trung Quốc, điều đó khó khăn hơn, họ không lắng nghe chúng tôi”, bà Cuadros cho biết.
Guo Jie, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho biết các công ty Trung Quốc phải chật vật để thích nghi với văn hóa nghiệp đoàn ở Mỹ Latin.
“Ở Trung Quốc, các công ty chỉ định người đứng đầu nghiệp đoàn và những nghiệp đoàn này thường chỉ tổ chức một số hoạt động vui chơi. Vì vậy, họ không có kinh nghiệm đối phó với các nghiệp đoàn có tính đối đầu thế này”, bà Guo nói.
Bà Guo đã nghiên cứu thực địa ở Peru và phỏng vấn nhân viên Trung Quốc trong các công ty như Shougang.
“Các công ty Trung Quốc ở Mỹ Latin phàn nàn rất nhiều về việc người lao động lười biếng và dường như liên tục chống lại lợi ích của công ty”, bà Guo nói. "Trong văn hóa Trung Quốc, suy nghĩ đối đầu này là không thể chấp nhận được".
Ông Lopez cho biết từ tháng 3 đến tháng 7, mọi nỗ lực tổ chức các cuộc họp giữa nghiệp đoàn và giám đốc điều hành công ty con của Chinalco ở Peru - Luan Shuwei - đều thất bại. Ông không bao giờ nhận được phản hồi.
Các công ty khai thác của Trung Quốc cần phải nghiên cứu quốc gia mà họ đầu tư vào, bà Cuadros nói. "Họ biết ít về văn hóa và họ có nhiều tiền hơn, nhưng họ không chịu học hỏi từ những sai lầm của mình".
Theo Zing