Nghề công tác xã hội có vai trò quan trọng trong hỗ trợ thực hiện các vấn đề an sinh xã hội, giúp người yếu thế vươn lên trong cuộc sống.
Nhân viên Phòng Công tác xã hội (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh) giúp trẻ mồ côi ở trung tâm nâng cao nhận thức (ảnh tư liệu)
Điểm tựa cho người yếu thế
“A lô! Trung tâm Bảo trợ xã hội Hải Dương xin nghe…” là câu mở đầu quen thuộc mỗi khi có cuộc gọi đến Tổng đài miễn phí 18001092. Gắn bó 6 năm với công việc này, chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên Phòng Nghiệp vụ công tác xã hội (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh) cho biết: “Mặc dù tiếp nhận không ít các cuộc gọi cần hỗ trợ nhưng lần nào tôi cũng thấy thương cảm với những mảnh đời bất hạnh. Khi tiếp nhận thông tin chúng tôi vào cuộc ngay và tìm giải pháp thiết thực để giúp họ vượt qua khó khăn”.
Từ khi thành lập vào năm 2014 đến nay, mỗi năm Phòng Nghiệp vụ công tác xã hội (CTXH) tiếp nhận thông tin và hỗ trợ khẩn cấp cho từ 400-500 trường hợp. Nhiều trường hợp đã được phòng phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ để họ được trợ giúp về cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Sau khi được tư vấn, giúp đỡ, nhiều người đã có cuộc sống tốt hơn, hòa nhập với cộng đồng. Phòng đã trợ giúp và đưa nhiều đối tượng bảo trợ xã hội về trung tâm để được chăm sóc, nuôi dưỡng. Nơi đây đã trở thành ngôi nhà ấm cúng của những mảnh đời bất hạnh.
Chị Phạm Thị Thảo, chuyên gia âm ngữ trị liệu tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh có 14 năm gắn bó với nghề CTXH kể: “Ở đây có những học sinh rất đặc biệt, chẳng hạn như trường hợp của em Đ.V.Q. mắc chứng rối loạn hành vi, cảm xúc. Những lần lên cơn động kinh nếu càng la hét, quát mắng thì em càng đập phá và hoảng loạn hơn. Qua một thời gian tìm hiểu, theo dõi, tôi thấy em rất thích được ôm ấp, vỗ về. Chính vì thế khi em lên cơn động kinh, tôi đã biết cách đến gần ôm em vào lòng và nhẹ nhàng nói chuyện với em. Sau một thời gian, Q. đã ổn định tâm lý hơn, bớt đập phá, la hét”.
Phòng CTXH (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) được thành lập từ năm 2015. Ngay sau khi đi vào hoạt động, đơn vị phân công đúng người, rõ việc. Từng cán bộ, nhân viên của phòng tích cực học tập, trau dồi kiến thức liên quan đến CTXH để làm tốt nhiệm vụ chuyên môn. Họ thường xuyên đến các khoa điều trị của bệnh viện để động viên, hỗ trợ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Phòng cũng trở thành nơi kết nối để vận động giúp đỡ, tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại đây.
Quan tâm đầu tư
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 76.495 người thuộc các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội. Trong đó có 41.134 người cao tuổi, 33.422 người khuyết tật và 217 trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, 1.091 đối tượng được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh…
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, những người yếu thế luôn cần được quan tâm trợ giúp mà trong đó có vai trò quan trọng của những người làm CTXH. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nghề CTXH tại Hải Dương chưa thực sự phát triển. Ngoài 8 cán bộ thực hiện nhiệm vụ CTXH chuyên nghiệp của Trung tâm Bảo trợ xã hội thì hiện nay phần lớn những người làm CTXH trên địa bàn tỉnh, nhất là tuyến cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm. Nhiều người chưa được đào tạo bài bản về CTXH nên thiếu các kỹ năng, kinh nghiệm khi tham gia giải quyết vấn đề. Một số vụ việc xảy ra với nhóm người yếu thế chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Ở tỉnh ta, CTXH là nghề khá mới nên chưa được nhận diện rõ nét, có chỗ, có nơi còn nhầm lẫn với những hành động, việc làm từ thiện. Từ thực tế đó, bà Hạnh mong muốn các ngành, địa phương quan tâm phát triển nghề CTXH đến cấp cơ sở, đầu tư nguồn lực vật chất, con người cho nghề đặc thù này.
Trước thực trạng cũng như nhu cầu phát triển của nghề CTXH, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch “Thực hiện chương trình phát triển CTXH trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030”. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn bố trí nhân sự cho CTXH và có ít nhất từ 1-2 người phụ trách nhiệm vụ này. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi sự quyết tâm của các cấp, ngành và địa phương. Chính quyền các địa phương cần coi CTXH là một hoạt động rộng lớn, cần sự quan tâm đầu tư nghiêm túc và hiệu quả. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về CTXH cũng cần được thực hiện tốt hơn.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống, nhu cầu được hỗ trợ của những người yếu thế ngày càng tăng lên. Vai trò của những người làm CTXH lại càng quan trọng và cần được quan tâm đúng mức.
Tháng 9.2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 25.3 hằng năm là "Ngày Công tác xã hội Việt Nam", để tôn vinh giá trị của nghề công tác xã hội, đồng thời ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm nghề này trong việc góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội, hạnh phúc của nhân dân, gia đình, cộng đồng và xã hội, thực hiện quyền con người; phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam. |
TRANG ANH