Công khai để chống chạy chức chạy quyền

29/09/2019 17:37

Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền vừa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 23.9.



Phóng viên ghi nhận các ý kiến sau đây đề xuất những giải pháp để chống hiệu quả việc chạy chức, chạy quyền và mong nhận thêm nhiều giải pháp khác từ bạn đọc.

PGS.TS Nguyễn Văn Trình (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh):

Quan trọng là khâu thực hiện

Để chống chạy chức, chạy quyền hiệu quả, quan trọng nhất là con người thực hiện như thế nào.

Thứ nhất, cần cơ chế chọn người tài trong Đảng. Nên công khai các tiêu chí, tiêu chuẩn để chọn người tài từ cấp cơ sở đến cấp trung ương.

Thứ hai, công tác tổ chức cán bộ các cấp phải thực sự là bộ lọc tốt, phải trong sáng.

Từ đó có thể sàng lọc, chọn được người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng như các cấp ủy phải là người tài, sáng suốt, trung thực, chí công vô tư, bản lĩnh. Có như vậy đến lượt những người lãnh đạo mới đủ bản lĩnh không chấp nhận chuyện chạy chức, chạy quyền từ cấp dưới, không chạy cấp trên.

Thứ ba, phải tăng cường quyền giám sát của nhân dân, cơ quan ngôn luận và của các đảng viên đối với công tác cán bộ. Cán bộ được cơ cấu, lựa chọn phải chịu sự giám sát chặt chẽ của tai mắt nhân dân cũng như của tất cả các đảng viên khác. Thông qua đó phát hiện biểu hiện chạy chức, chạy quyền của cán bộ để xử lý. Đồng thời đánh giá được phẩm chất, đạo đức, lối sống... của cán bộ có xứng đáng để được cơ cấu, bổ nhiệm.

Cuối cùng, để nhân dân và các đảng viên khác giám sát tốt việc chống chạy chức, chạy quyền thì cần phải công khai công tác cán bộ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam):

Thi các chức danh

Việc chống chạy chức, chạy quyền là rất cần thiết và không phải quá khó. Trước đây, ông Phạm Minh Chính khi còn là bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đưa ra mô hình chống chạy chức, chạy quyền mà theo tôi là rất hay, đó là tổ chức thi các chức danh.

Sau này, nhiều địa phương, bộ, ngành cũng áp dụng mô hình thi tuyển các chức danh như Quảng Ninh. Nhưng tiếc là nhiều nơi tổ chức thi cho có vẻ khách quan, nhưng thực ra họ đã chọn trước kết quả. Cho nên đâu vẫn vào đó.

Để tránh việc thi tuyển các chức danh bị lợi dụng để che đậy những tiêu cực đằng sau, cần phải minh bạch các cuộc thi tuyển này bằng cách truyền hình trực tiếp cuộc thi (trên sóng truyền hình hoặc mạng xã hội) để toàn dân có thể giám sát và thậm chí có thể đặt câu hỏi cho các ứng viên. Đề thi cũng phải đi vào việc yêu cầu giải quyết những vấn đề dân sinh cấp bách trong ngành, tại địa phương.

Ông Lê Quang Thưởng (nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức trung ương):

Cụ thể hóa để thực hiện

Chống chạy chức, chạy quyền đã làm từ lâu, Quy định 205 cụ thể hóa để thực hiện. Quy định này ngăn chặn những người chạy chức, chạy quyền, tạo điều kiện cho những người thẳng thắn, chính trực trở thành cán bộ của Đảng.

Trước đây kinh tế thị trường chưa phát triển, dù có tác động lợi ích vật chất nhưng ít biểu hiện chạy chức, chạy quyền. Giờ cán bộ cấp bộ trưởng, bí thư, chủ tịch không ai nghèo cả, từ bí thư, chủ tịch xã cũng có tiền rồi nên hiện tượng chạy chức, chạy quyền phức tạp hơn, chứ ngày trước không như vậy. So với trước đây, cán bộ giờ lộng hành, có tiền họ "chạy" và tình trạng chạy chức, chạy quyền cũng trở nên phức tạp.

Trước đây Đảng cũng có quy định về công tác cán bộ, nhưng không đậm nét như bây giờ và Đảng chưa ban hành một quy định riêng như bây giờ. Luật chống tham nhũng cũng ra đời hàng chục năm, Luật công chức, viên chức cũng có quy định về chống tiêu cực trong công tác cán bộ, giờ Đảng ban hành Quy định 205 cụ thể hơn, dễ xử lý.

Ông Nguyễn Trọng Điều (nguyên Thứ trưởng Nội vụ):

Người làm công tác cán bộ phải có đủ đức, tài

Quy định 205 của Bộ Chính trị rất kịp thời, không đưa ra lúc này sẽ là muộn.

Thời tôi làm công tác cán bộ những năm 1988-1990 gần như không thấy hiện tượng chạy chức, chạy quyền, nhưng càng ngày hiện tượng chạy chức, chạy quyền càng phức tạp đến mức Đảng ta phải có cảnh giác, phải răn kịp thời.

Nguyên tắc sâu xa khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước thay mặt Bộ Chính trị ký, ban hành Quy định 205 là muốn có đội ngũ tốt thì người làm công tác cán bộ của Đảng phải là người tốt. Nên chọn đội ngũ làm công tác tổ chức, tuyển chọn cán bộ phải là người khách quan, công tâm, phải có tình thương yêu cán bộ.

Còn trách nhiệm của người lãnh đạo chọn cán bộ thì Quy định 205 vẫn theo nguyên tắc kinh điển: muốn chọn được cán bộ tài, đức thì người chọn cán bộ phải có đủ đức, tài. Nếu những người chạy chức, chạy quyền lọt vào đội ngũ cán bộ thì họ sẽ không thể tìm được những người kế cận có đức, có tài.

Ông Trần Tuấn Lợi (đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, Chánh Văn phòng Đoàn luật sư Đà Nẵng):

Nên cụ thể hóa vào luật

Thực tế việc chạy chức, chạy quyền thì ở chế độ xã hội, đất nước nào cũng có, tùy theo mức độ ít nhiều khác nhau. Nếu một quốc gia mà tính minh bạch của xã hội cao, tất cả các hành vi, ứng xử của con người trong xã hội ấy đưa quy định, bị điều chỉnh rất chặt chẽ trong các đạo luật thì sẽ ít có nạn chạy chức, chạy quyền.

Khi hành vi của cán bộ bị ràng buộc và quy định rất cụ thể, bị chế tài xử lý mạnh ở trong luật thì cán bộ đó sẽ suy nghĩ rất kỹ khi thực hiện hành vi của mình. Lúc thực hiện hành vi đó thì họ biết sẽ vi phạm pháp luật nên có thể không dám làm.

Ở nước ta, các biểu hiện, hành vi về chạy chức, chạy quyền đã được chỉ ra trong các chỉ thị của Đảng. Tuy nhiên, nếu các biểu hiện và hành vi ấy chỉ được nhấn mạnh trong các chỉ thị của Đảng thì việc xử lý sẽ rất khó khăn, hiệu quả không cao.

Vì vậy, từ chỉ thị của Đảng, chúng ta cần cụ thể hóa các hành vi, biểu hiện chạy chức, chạy quyền vào các quy định cụ thể của các luật. Khi mỗi hành vi được quy định tương ứng với một chế tài xử lý (hành chính hoặc hình sự) thì việc xử lý sẽ hiệu quả hơn.

Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương):

Thêm "liều thuốc" ngăn chặn

Quy định 205 mang tính thời sự vì những thiếu sót, suy thoái trong Đảng đã đến độ khá trầm trọng, Đảng đã nghiêm khắc chỉ ra từ nhiều đại hội trước nhưng đến lần này thì Đảng thấy cần phải có thêm những "liều thuốc" để ngăn chặn căn bệnh chạy chức, chạy quyền.

Xây dựng Đảng thì phải làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Việc chống chạy chức, chạy quyền cũng tạo niềm tin với nhân dân, cũng là bảo vệ đảng viên, giảm bớt chạy chức, chạy quyền là giảm cán bộ xấu. Chạy chức, chạy quyền thời nào cũng bị lên án, nếu để nó trở thành căn bệnh phổ biến rất nguy hiểm.

Với Quy định 205, Đảng đã dũng cảm chỉ ra những thiếu sót, chỉ ra sự thật để ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền. Chẳng hạn trường hợp Trịnh Xuân Thanh tiến thân thế nào thì những người làm công tác cán bộ phải nắm rõ. Đây là vụ việc điển hình, vì sao một con người chưa qua tôi luyện mà được giao nhiều nhiệm vụ như thế.

Có thể nói Trịnh Xuân Thanh đã tận dụng mối quan hệ quen biết để thăng tiến, như vậy việc kiểm soát chạy chức, chạy quyền không hiệu quả. Trịnh Xuân Thanh lọt hết chỗ này đến chỗ khác là vì công tác cán bộ rất yếu, có sự tha hóa trong công tác cán bộ, có nể nang, né tránh nên bỏ qua.

Quy định 205 là cơ sở bảo đảm cho đội ngũ lãnh đạo của Đảng trong sạch, giảm thiểu tiêu cực trong công tác cán bộ, nhưng đây là bước đầu vì những người chạy chức, chạy quyền có nhiều thủ đoạn khác nhau.


Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Công khai để chống chạy chức chạy quyền