Công cụ giúp các cấp lãnh đạo Đà Nẵng ra quyết định dựa trên dữ liệu số

10/08/2023 15:20

Sau khi Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của Đà Nẵng vận hành chính thức, qua ứng dụng di động, lãnh đạo các cấp chính quyền thành phố sẽ khai thác dữ liệu từ trung tâm này để chỉ đạo, điều hành và ra quyết định.

Dữ liệu số là yếu tố cốt lõi của Trung tâm IOC

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, những năm gần đây, việc xây dựng và vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) đã được nhiều địa phương trên cả nước triển khai thử nghiệm, thí điểm.

Nhìn chung, Trung tâm IOC cấp tỉnh đều đã được tích hợp thông tin của một số dịch vụ đô thị thông minh như phản ánh hiện trường, giám sát giao thông, an ninh trật tự… và tích hợp thông tin, dữ liệu từ các hệ thống chính quyền điện tử của các ngành, lĩnh vực.

“Việc triển khai trung tâm IOC bước đầu đã giúp lãnh đạo tỉnh có được cái nhìn tổng quan về các số liệu liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của các địa phương cũng như của các ngành, lĩnh vực tùy thuộc vào mức độ nhiều hay ít của các số liệu được tích hợp về trung tâm”, Bộ TT&TT nhận định.

Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng chỉ rõ, hiện nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc hình thành hạ tầng dữ liệu, chưa có chiến lược dữ liệu, trong khi dữ liệu là yếu tố cốt lõi của Trung tâm IOC.

Các chức năng thông minh, có tính đổi mới, sáng tạo như phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ ra quyết định còn chưa được thể hiện rõ trong kết quả triển khai Trung tâm IOC của các địa phương.

Với Đà Nẵng, đại diện Sở TT&TT thành phố cho biết, cách tiếp cận chuyển đổi số của địa phương là xây dựng chính sách, khung kiến trúc để định hướng; hạ tầng, dữ liệu làm nền tảng và ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả.

Ngày 14/8 tới, Đà Nẵng sẽ khai trương và đưa vào vận hành Trung tâm IOC thành phố. Đây là một hợp phần quan trọng đã được xác định trong Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh của Đà Nẵng và Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh theo hướng dẫn của Bộ TT&TT.

Kết quả triển khai thí điểm Trung tâm Giám sát dịch vụ đô thị thông minh - MiniIOC là tiền đề để Đà Nẵng xây dựng Trung tâm IOC thành phố. (Ảnh: Sở TT&TT Đà Nẵng).

Trước khi triển khai Trung tâm IOC thành phố, Đà Nẵng đã có kinh nghiệm từ quá trình vận hành Trung tâm giám sát dịch vụ đô thị thông minh (MiniIOC) trong hơn 2 năm qua, với các dịch vụ đô thị thông minh cơ bản; đồng thời địa phương này thời gian qua còn triển khai thêm 2 trung tâm giám sát chuyên ngành là giao thông và an ninh trật tự.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, đại diện VINASA nhận xét, Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong trong phát triển IOC thế hệ mới theo đúng chủ trương của Bộ TT&TT và xu hướng thế giới.

Với IOC thế hệ mới, dữ liệu được kiến tạo, tập trung. Các mô hình xử lý, và phân tích dữ liệu dựa trên AI, Big Data được tích hợp.

Kết quả được phân tán, đưa tới Dashboard của từng lãnh đạo, cán bộ chịu trách nhiệm xử lý và ra quyết định. Hoạt động giám sát điều hành được thực hiện hiệu quả, nhanh chóng và tiết kiệm hơn.

“Xa hơn, khi lượng dữ liệu tập trung ở quy mô lớn, những cơ chế chia sẻ và khai thác dữ liệu được triển khai sẽ tạo nhiều dịch vụ mới cho người dân và doanh nghiệp. Đây sẽ là động lực rất lớn cho phát triển kinh tế số, xã hội số của Đà Nẵng trong tương lai gần”, đại diện VINASA cho hay.

Lãnh đạo Đà Nẵng sẽ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số

Theo Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng, khác với nhiều địa phương trên cả nước, Đà Nẵng xây dựng Trung tâm IOC theo mô hình: Kế thừa dữ liệu số hiện có, trang bị công cụ phân tích tập trung tại IOC cấp thành phố; các quận, huyện, sở ngành có các trung tâm điều hành (OC) được phân quyền dùng chung, cung cấp thông tin, số liệu, cảnh báo để chỉ đạo, điều hành theo mô hình chính quyền đô thị.

Trong đó, IOC thành phố là Trung tâm giám sát điều hành cấp cao nhất của Đà Nẵng, là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC chuyên ngành, quận huyện và các hệ thống ứng dụng, cảm biến IoT. Từ đó, sẽ phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp về tình hình hoạt động của thành phố để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo và điều hành; đồng thời chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan phục vụ quản lý nhà nước.

OC quận huyện, OC chuyên ngành là các trung tâm giám sát, điều hành theo địa bàn địa lý của quận, huyện hoặc theo lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành.

Tuỳ vào chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước, các OC được phân cấp tiếp nhận các thông tin, dữ liệu do IOC thành phố phân tích và chia sẻ để phục vụ công tác giám sát, điều hành.

Mô hình triển khai Trung tâm IOC thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Sở TT&TT Đà Nẵng).

Dữ liệu từ các hệ thống ứng dụng của các cơ quan, đơn vị được thu thập, sử dụng, kết nối tập trung và thực hiện giám sát trên hệ thống, tạo ra các nhóm dịch vụ đô thị thông minh từ nhiều nguồn khác nhau.

Việc giám sát, cảnh báo, điều hành vừa theo hình thức biểu diễn trực quan trên biểu đồ - Dashboard vừa trên bản đồ số với thông tin hiện trường của trên 300 thiết bị cảm biến IoT.

Trong giai đoạn 1, Trung tâm IOC có 15 nhóm dịch vụ gồm các nhóm chức năng về giám sát, điều hành và nhóm chức năng về phân tích, cảnh báo; đặc biệt sẵn sàng cho triển khai các bài toán phục vụ điều hành phòng chống dịch và các tình huống khẩn cấp khác.

Qua các dữ liệu được gửi về để sử dụng phân tích, IOC thành phố sẽ phát hiện và cảnh báo sớm các vấn đề, sự kiện bất thường liên quan đến hoạt động của đô thị, thông tin cho các cơ quan chức năng để xử lý; hỗ trợ làm Trung tâm chỉ huy tập trung của thành phố trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh…

Các chức năng và tiện ích số được tích hợp trên ứng dụng "Danang Smart City" để phục vụ người dân và du khách.

Với người dân, ngoài thụ hưởng các nhóm dịch vụ đô thị thông minh do thành phố cung cấp, còn được trực tiếp sử dụng các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh trên ứng dụng Danang Smart City, kịp thời nhận được các thông báo khi có các tình huống xấu, khẩn cấp xảy ra trên địa bàn… góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân và cộng đồng.

Đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng chia sẻ thêm, quy mô hiện tại của Trung tâm IOC là giai đoạn 1, mới bước đầu triển khai các công cụ, công nghệ 4.0 và sử dụng lại các dữ liệu hiện có để “tạo ra giá trị mới”.

Giai đoạn tiếp theo, Trung tâm IOC sẽ là nơi thu nhập, phân tích hầu hết dữ liệu số của các ngành, địa phương; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh, phục vụ đắc lực cho tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công cụ giúp các cấp lãnh đạo Đà Nẵng ra quyết định dựa trên dữ liệu số