Chuyển đổi số

Chuyển từ xây dựng chính quyền điện tử sang chính quyền số, Hải Dương dự kiến giảm gần 1.800 tỷ đồng thực hiện dự án

NGUYỄN MƠ-THÀNH CHUNG 20/10/2023 11:17

Việc điều chỉnh Đề án “Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” để đáp ứng yêu cầu thực tế và phù hợp với các cơ chế, chính sách hiện hành.

00:00

dsc_0932-1-.jpg
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 10 (lần 6) của UBND tỉnh

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 (lần 6) của UBND tỉnh Hải Dương sáng 20/10, UBND tỉnh Hải Dương đã xem xét, thảo luận tờ trình của Sở Thông tin và Truyền thông về việc điều chỉnh Đề án “Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.

dsc_0978220d75cbd8c30f8925d5d19fe5c172f3.jpg
Điều chỉnh Đề án "Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030" là nội dung quan trọng được xem xét tại phiên họp

Để phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất thay đổi tên đề án Đề án “Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” thành “Xây dựng chính quyền số và hạ tầng, dịch vụ cho đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu đề án điều chỉnh từ xây dựng chính quyền điện tử sang chính quyền số; đô thị thông minh thành phát triển hạ tầng, dịch vụ phục vụ cho đô thị thông minh. Tỉnh sẽ hoàn thành việc xây dựng trung tâm giám sát, điều hành an ninh không gian mạng, trung tâm giám sát, điều hành thông minh vào năm 2025. Đồng thời đề nghị bỏ mục tiêu xây dựng hệ thống giám sát, điều hành thông minh của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

dsc_0929274bd147fe9f8a75b09f247522b02e8b.jpg
Đại diện đơn vị tư vấn báo cáo các nội dung điều chỉnh trong đề án xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh tỉnh Hải Dương

Trên cơ sở cập nhật hiện trạng về phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng công nghệ thông tin và đánh giá việc thực hiện đề án, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất đưa ra khỏi đề án 3 nhiệm vụ. Đó là xây dựng hệ thống giám sát, điều hành thông minh của 3 cơ quan Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đồng thời tách nhiệm vụ xây dựng trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Hải Dương thành 2 nhiệm vụ là xây dựng kho dữ liệu dùng chung và xây dựng trung tâm giám sát, điều hành thông minh.

Chuyển đơn vị chủ trì nhiệm vụ xây dựng hệ thống camera an ninh từ Sở Thông tin và Truyền thông sang Công an tỉnh. Điều chỉnh kinh phí thực hiện xây dựng hệ thống dữ liệu thông minh của các sở, ngành và bổ sung nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, phát triển hạ tầng, dịch vụ cho đô thị thông minh cho 10 huyện, thị xã của tỉnh (TP Hải Dương và Chí Linh đang thực hiện nhiệm vụ này).

Sau khi điều chỉnh, tổng kinh phí thực hiện đề án từ 3.800 tỷ đồng thành 2.030 tỷ đồng.

dsc_0933243098f5b37db7ed51485a80d8237a42.jpg
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Cao Thắng giải trình các nội dung điều chỉnh trong đề án

Chủ trì phiên họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản lưu ý cần đánh giá tình hình thực hiện đề án trong thời gian qua, phân tích sâu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Đồng thời phải cập nhật các cơ chế, chính sách mới liên quan để hoàn thiện điều chỉnh đề án. Sở Thông tin và Truyền thông, đơn vị tư vấn làm việc với các sở, ngành, địa phương để thống nhất các nội dung trong xây dựng phát triển chính quyền số. Điều chỉnh đề án phải tính toán, dự trù kinh phí thực hiện sát với thực tế, tận dụng tối đa hiệu quả của hạ tầng cũ.

NGUYỄN MƠ-THÀNH CHUNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển từ xây dựng chính quyền điện tử sang chính quyền số, Hải Dương dự kiến giảm gần 1.800 tỷ đồng thực hiện dự án