Twitter sử dụng API từ Chống lừa đảo để ngăn chặn việc phát tán các đường dẫn nguy hiểm, độc hại trên nền tảng.
Được thành lập từ năm 2020, công cụ Chống lừa đảo trên trình duyệt giúp ngăn chặn các đường dẫn độc hại, đưa đến những website nguy hiểm nhắm đến người dùng trong nước. Bộ cơ sở dữ liệu của dự án nêu trên vừa được mạng xã hội Twitter tích hợp lên nền tảng.
Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), người sáng lập dự án Chống lừa đảo cho biết việc hợp tác với Twitter bắt đầu từ khoảng 2 tuần trước.
Điều này giúp chống phát tán, quảng cáo các website lừa đảo tiền, ăn cắp thông tin, nội dung xấu, đường dẫn nguy hiểm ở mạng xã hội này. Hiện tại, người dùng không thể đăng bài viết có chứa đường dẫn, thuộc cơ sở dữ liệu độc hại từ dự án Chống lừa đảo trên Twitter.
“Chúng tôi không thể hoàn tất yêu cầu này do liên kết đã được Twitter hoặc các đối tác xác định là có nguy cơ gây hại. Mở Trung tâm trợ giúp của chúng tôi để tìm hiểu thêm”, mạng xã hội đưa ra thông báo.
Bên cạnh đó, việc nhắn tin cho người khác, với nội dung có chứa các đường dẫn độc hại cũng bị nền tảng ngăn chặn.
"Hiện tại bộ dữ liệu danh sách đen của chống lừa đảo được cập nhật thường xuyên qua công cụ để thu thập hàng loạt trang web có dấu hiệu nghi ngờ và từ báo cáo của người dùng. Tiếp theo, chuyên gia kỹ thuật trong đội ngũ Chống lừa đảo sẽ đánh giá, phân loại thủ công một lần nữa để tránh sai lệch", ông Ngô Minh Hiếu chia sẻ.
Nhiều người dùng mạng xã hội tại Việt Nam sử dụng Twitter như một kênh khảo sát, tìm hiểu thông tin đầu tư tiền số. Gadget360 cho biết hiện có nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi được tin tặc sử dụng để trục lợi từ người dùng. Một số thủ đoạn quen thuộc như tạo ra các website sao chép sàn giao dịch, dự án blockchain để dụ dỗ nhà đầu tư kết nối ví, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Việc cơ sở dữ liệu của Chống lừa đảo được tích hợp vào Twitter được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế phát tán các website độc hại tới người dùng trong nước.
Chống lừa đảo là dự án phi lợi nhuận được ra đời từ tháng 12/2020. Hiện tại, theo thống kê của công cụ, có hơn 8.700 đường dẫn độc hại được đội ngũ và cộng đồng ghi nhận. Trong đó, các hình thức lừa đảo tiền, ăn cắp thông tin, giả mạo chiếm số lượng lớn nhất.
Bên cạnh danh sách website lừa đảo, Chống lừa đảo cũng tập hợp các đường dẫn chính chủ, để người dùng so sánh, kiểm tra khi truy cập các trang nghi ngờ có vấn đề. Hiện tại, “danh sách trắng” tin cậy đã có hơn 1.700 đường dẫn được tổng hợp.
Hiện tại, công cụ Chống lừa đảo có mặt trên di động và các trình duyệt máy tính. Opera và Microsoft Edge đã tích hợp API của dự án ngay trên nền tảng. Trong khi đó, với các trình duyệt dùng nhân Chromium như Google Chrome, Cốc Cốc, Brave, người dùng có thể tải công cụ thông qua cửa hàng tiện ích mở rộng.
"Chúng tôi muốn phối hợp thêm với các nền tảng mạng xã hội như Twitter vừa qua, kế đến là các mạng xã hội lớn khác mà người dùng Việt Nam hay sử dụng. Mục tiêu quan trọng nhất là kết hợp thành công với Google Chrome và Cloudflare", ông Ngô Minh Hiếu cho biết.
Theo VTC