Công chức tranh thủ kinh doanh dịp Tết

25/01/2016 13:31

Dịp Tết, nhiều công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan nhà nước cũng tranh thủ kinh doanh để kiếm thêm thu nhập.

Đa dạng mặt hàng

Đang làm việc tại một cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện Gia Lộc, nhưng do vẫn còn nhiều thời gian rảnh nên anh Tăng Đức Sáng, 28 tuổi ở khu dân cư Phú Tảo, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) luôn nung nấu ý định làm nghề "tay trái". Từ 2 năm trước, mỗi dịp Tết đến, anh lại làm thêm nghề buôn quất cảnh. "Từ tháng 10 âm lịch, tôi đã đến huyện Văn Giang (Hưng Yên) tìm đặt mua khoảng 300 cây quất về bán trong dịp Tết. Mới kinh doanh quất Tết được 2 năm nên tôi chưa dám đặt mua nhiều mà chỉ xuống xem từng vườn và đặt những cây đẹp. Sau khi đặt cọc tiền, tôi hẹn đến 19 tháng chạp sẽ đến đánh cây về bán", anh Sáng cho biết. Anh Sáng bỏ công tìm cây đẹp ở nhiều vườn khác nhau chứ không đặt mua cả vườn như những tay buôn chuyên nghiệp khác. Đối tượng khách hàng mà anh hướng đến chủ yếu là các cơ quan, đơn vị và người "kén" hàng. Chia sẻ về công việc này, anh Sáng cho biết: "Vào dịp Tết, các cơ quan, doanh nghiệp thường mua quất về trang trí sớm trước tiền sảnh. Vì thế, tôi phải chọn cây to, có thế đẹp để phục vụ".



Nhờ làm mứt và ô mai, chị Nhung có thêm khoảng 20 triệu đồng để chi tiêu Tết


Không có nhiều vốn để kinh doanh cây cảnh, chị Đoàn Thị Hồng Nhung, 25 tuổi ở đường Tống Duy Tân (TP Hải Dương) đang làm việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh lại chọn cho mình hình thức kinh doanh khác. Biết nhiều người cần mua mứt trong dịp Tết nên chị tranh thủ thời gian nghỉ thai sản ở nhà tự làm các loại mứt dừa và ô mai để bán. Dịp Tết này, chị Nhung làm 5 loại mứt dừa màu xanh, đỏ, trắng, vàng và nâu. Các sản phẩm chị làm hoàn toàn thủ công và bằng các nguyên liệu màu tự nhiên như gấc, lá nếp, cà phê... Nắm được tâm lý khách hàng muốn mua đồ sạch, nên chị Nhung rất chú ý bảo đảm an toàn vệ sinh. Trong quá trình sao mứt, chị Nhung không dùng bếp than mà chỉ dùng bếp gas để tránh bị ám mùi khét. Nhờ vậy, dù mới làm mứt được hơn 1 tháng nhưng chị đã bán được gần 1 tạ mứt các loại. Hiện chị đã có gần 100 khách đặt hàng trong dịp Tết. Chị Nhung còn bán các loại ô mai thập cẩm. Chị dự định đến ngày lễ tình nhân 14-2 sẽ làm thêm sô-cô-la để bán. Ngoài ra, do có người nhà bên Hàn Quốc nên gia đình chị còn kinh doanh thêm các loại sâm, nấm... trong dịp Tết.





Chị Nguyễn Thị Huế chuyên kinh doanh các loại mỹ phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên trong dịp Tết


Hiểu được nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ, chị Nguyễn Thị Huế 27 tuổi, đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh kinh doanh các loại mỹ phẩm an toàn. Bên cạnh việc bán các loại son môi, lọ xịt dưỡng ẩm cho da có nguồn gốc thiên nhiên, bột trà xanh và bột nghệ để đắp mặt, chị Huế còn tự làm dầu dừa để dưỡng da và chuốt mi bán cho chị em. Chị Huế cho biết: "Không chỉ trong dịp Tết mà những ngày thường, nhu cầu làm đẹp của chị em cũng rất lớn. Hiện nay, phần lớn các loại mỹ phẩm ngoài thị trường đều chứa nhiều hóa chất có hại cho da nên nhiều người lo ngại. Vì thế chị em thường có xu hướng tìm đến các loại mỹ phẩm có nguồn gốc tự nhiên, vừa an toàn lại giúp làm đẹp từ bên trong". Do phù hợp với thị hiếu nên số lượng khách hàng tìm mua và đặt hàng rất lớn. Trung bình mỗi tháng, chị bán được từ 70-100 sản phẩm các loại. Dịp giáp Tết, số lượng khách mua tăng gấp 2-3 lần ngày thường.


Thêm thu nhập, thỏa đam mê


Hoạt động kinh doanh của anh Sáng, chị Nhung và chị Huế chủ yếu vào dịp Tết nhưng nếu khách có nhu cầu vào những ngày thường, họ vẫn đáp ứng. Mặc dù khá vất vả nhưng việc làm thêm đã giúp họ có thêm khoản thu nhập trang trải dịp Tết. Tết Ất Mùi, trong khoảng chục ngày trước Tết, anh Sáng đã bán được trên 200 cây quất, lãi từ 10-15 triệu đồng. Theo tính toán của chị Nhung, mỗi cân mứt dừa có giá từ 180.000-210.000 đồng và thêm nguồn thu từ việc bán các loại ô mai thì trong khoảng 2 tháng trước Tết, chị cũng có thêm khoảng 20 triệu đồng để chi tiêu.

Hiện nay, nhiều cán bộ công nhân viên ở các cơ quan, đơn vị đang có xu hướng kinh doanh thêm. Hoạt động chào hàng, giới thiệu sản phẩm chủ yếu được thực hiện qua mạng và giao hàng ngoài giờ hành chính. Những nghề "tay trái" này vừa tận dụng được thời gian rảnh rỗi lại giúp họ có thêm thu nhập. Đối với họ, việc kinh doanh không chỉ để kiếm tiền mà điều quan trọng là giúp họ năng động hơn và được thỏa niềm đam mê kinh doanh của bản thân như lời chị Huế khẳng định: "Đối với những "người nhà nước" chúng tôi, việc làm thêm trong thời buổi giá cả leo thang, thu nhập hạn hẹp là nhu cầu chính đáng. Tùy từng ngành nghề mà mỗi người sẽ chọn việc làm thêm cho thích hợp. Điều quan trọng là chúng tôi luôn biết bố trí hợp lý giữa công việc ở cơ quan và việc làm thêm, không để ảnh hưởng đến công việc chuyên môn".

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công chức tranh thủ kinh doanh dịp Tết