Mỗi khi hè tới, cơn sốt ve sầu lại nổi lên ở Trung Quốc, bởi đây là món ăn được nhiều người ưa chuộng, trong khi xác ve được dùng làm thuốc đông y.
Đêm hè, khi sức nóng ban ngày tan dần, ánh đèn pin lại lấp ló trong những công viên ở thành phố Tảo Trang thuộc tỉnh Sơn Đông, đông bắc Trung Quốc. Người dân tỉ mẩn rọi đèn vào từng thân cây để tìm ve sầu, loại thực phẩm đặc biệt chỉ có vào mùa hè.
"Bây giờ ve không nhiều như hồi tôi còn nhỏ, nhưng cũng bắt được khoảng 200 con mỗi tối", ông Trương nói khi cầm đèn pin soi lên cây dưới chân cầu Đài Nhi Trang ở Tảo Trang.
Giá ve sầu đã tăng từ 0,5 tệ (0,06 USD) một con năm 2012 lên gấp ba vào năm 2023. Mỗi kg ve sầu có khoảng 400-440 con, tương đương 84-92 USD/kg.
Mùa hè tới, cơn sốt ve sầu lại bùng lên ở Trung Quốc. Nhiều người ở Tảo Trang dắt theo con cái, cháu chắt trong nhà đi bắt ve mỗi tối. Ve sầu thường chui lên khỏi mặt đất lúc 20h, nên họ thường cầm theo đầy đủ dụng cụ đợi sẵn ở những khu vực nhiều cây từ chập tối.
Người dân Trung Quốc rất thích ăn ve sầu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động săn bắt và nuôi loài động vật này.
Vương Thống Phấn, quản lý trang trại Thuận Lợi ở Tảo Trang, bắt đầu nuôi ve sầu từ năm 2008, thời điểm giá ve sầu chưa cao như hiện nay.
"Trước đây món ve sầu chưa phổ biến nên ít người ăn. Khi món này trở nên thịnh thành, số người đi bắt ve tăng lên, nhưng lượng ve ngày càng ít do quá trình đô thị hóa, khiến giá cả tăng vọt", ông Vương cho hay.
Mùa hè năm ngoái, trang trại của ông Vương bán sạch lượng ve thu hoạch trong chưa đầy một tháng. Vào cuối mùa, sản lượng ve sầu giảm, nhưng nhu cầu vẫn cao, khiến giá tiếp tục tăng.
Giá ve sầu cao khiến nhiều nông dân nhìn ra cơ hội làm giàu. Tại trang trại Thuận Lợi, ngoài nuôi ve, ông Vương còn bán hộp chứa trứng ve sầu tới nhiều khu vực ở Trung Quốc.
"Một hộp chứa 1g trứng ve có giá 40 tệ (5,7 USD). Mỗi ngày chúng tôi bán được 1.000 hộp", ông nói.
Sau khi vùi xuống lòng đất, trứng sẽ nở thành ve sầu, leo lên các loại cây như dương, liễu, du và một số cây ăn quả. Đây là thời điểm để thu hoạch ve sầu.
Ve sầu thích loại đất cát ẩm nhưng không bị ngập nước, đòi hỏi quá trình chăm sóc tỉ mỉ, nhưng tỷ lệ ve chui lên khỏi mặt đất không cao.
"Bình thường mỗi gốc cây chỉ được vùi 1-2 g trứng ve sầu, tương đương 4.000-8.000 quả, nhưng tỷ lệ ve sống chui khỏi mặt đất chỉ 400-1.200 con", ông Vương cho hay.
Chủ trang trại này cho hay ve sầu được người Trung Quốc ưa chuộng vì là loại côn trùng quý, giàu protein hơn cả thịt bò, cũng như chứa nhiều loại vitamin, nguyên tố vi lượng.
Xác ve sầu còn là một loại thuốc đông y, dùng để trị trúng gió, cảm nắng, viêm họng, khản giọng, uốn ván và một số bệnh khác. Trên các trang mạng mua sắm trực tuyến của Trung Quốc, xác ve sầu được bán với giá gần 113 USD/kg.
Ông Vương cho biết nhiều cơ sở chế biến thuốc đông y trong khu vực thường tìm đến trang trại của ông để thu mua xác ve. "Tôi vừa bán một lô xác ve cho khách hàng đồng hương với giá 522 tệ/kg (74 USD)", Vương nói.
Ông Triệu Lực, Giám đốc bảo tàng côn trùng Hoa Hy ở TP Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, cho biết ve sầu trên thị trường Trung Quốc chủ yếu là sầu vàng Cryptotympana atrata Fabriciu, không thuộc danh mục động vật cần bảo tồn, nên người dân được phép săn bắt.
"Hoạt động này ảnh hưởng rất ít tới môi trường sinh thái, bởi ve sầu là loài có khả năng sinh sản mạnh và thường xuất hiện số lượng lớn hàng năm", ông nói.
Ông Triệu cho hay truyền thống ăn ve sầu của người Trung Quốc đã có từ hàng nghìn năm trước và được ghi chép trong các tài liệu cổ. Tuy nhiên, ông cảnh báo ăn nhiều ve sầu có thể dẫn tới dị ứng protein côn trùng.
Giới chức y tế Trung Quốc cho biết ve sầu chứa lượng lớn protein dị tính, dễ gây dị ứng và không khuyến khích người mẫn cảm ăn ve sầu. Ủy ban Y tế Hàng Châu năm 2023 khuyến nghị những người có cơ địa dị ứng, người mắc bệnh thận, bệnh gout và gan không nên ăn ve sầu, trong khi người bình thường không nên ăn quá 5-8 con mỗi ngày.
H.A (theo VnE)