Còn nhiều hạn chế

01/02/2013 06:57

Bình ổn giá hàng hóa thiết yếu là một chương trình rất thiết thực. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình này ở tỉnh ta còn nhiều bấp cập.



Gian hàng bình ổn giá của Siêu thị Big C ở Ninh Giang thu hút đông khách hàng

Năm nay là năm đầu tiên tỉnh ta triển khai chương trình bình ổn giá  các mặt hàng thiết yếu dịp Tết. Tổng số vốn thực hiện chương trình khoảng 23,7 tỷ đồng, bố trí từ Quỹ dự trữ tài chính của tỉnh.

Tham gia chương trình bình ổn giá năm nay có 3 doanh nghiệp: Công ty CP Vinafood 1 Hải Dương, Chi nhánh Công ty CP Intimex Việt Nam (Siêu thị Intimex Hải Dương) và Công ty TNHH EB Hải Dương (Siêu thị Big C Hải Dương) với 5 nhóm, mặt hàng bình ổn là: gạo, đường RE, dầu ăn, thủy hải sản chế biến đông lạnh, thực phẩm chế biến từ thịt lợn, bò. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá được tỉnh cho vay vốn không tính lãi trong suốt thời gian thực hiện chương trình. Các mặt hàng tham gia bình ổn đều phải bán thấp hơn giá thị trường các mặt hàng cùng chủng loại, chất lượng từ 5 -10%. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp tham gia đã bố trí lượng hàng hóa dồi dào, tích cực triển khai đưa hàng hóa về nông thôn, các huyện, thị xã trong tỉnh. Chi nhánh Công ty CP Intimex Việt Nam tại Hải Dương đã tổ chức 6 quầy hàng cố định bán hàng bình ổn giá tại Chí Linh, Kinh Môn, Thanh Miện, Bình Giang, Thanh Hà, Ninh Giang. Công ty TNHH EB Hải Dương đã tổ chức gian hàng lưu động tại huyện Ninh Giang và đang tiếp tục tổ chức gian hàng lưu động tại Thanh Miện. Các đơn vị trực thuộc Công ty CP Vinafood 1 Hải Dương tại TP Hải Dương, thị xã Chí Linh, các huyện Nam Sách, Kim Thành, Thanh Hà, Thanh Miện cũng đang tích cực triển khai cung ứng sản phẩm gạo tẻ chất lượng và trên 30 tấn gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn cho nhân dân trong tỉnh.



Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh kiểm tra điểm bán hàng bình ổn tại Siêu thị Intimex Hải Dương

Chương trình bình ổn giá thể hiện sự quan tâm của tỉnh đến đời sống của nhân dân. Mặc dù mang ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn nhưng thực tế, trong lần đầu thực hiện, chương trình này vẫn chưa phát huy hiệu quả thiết thực. Tổng số vốn vay ngân sách hỗ trợ bình ổn giá còn ít, chiếm tỷ trọng nhỏ, chỉ đáp ứng từ 3 - 5% so với tổng cầu của 5 nhóm, mặt hàng kể trên. Chương trình bình ổn giá chỉ tập trung trong 4 tháng (trước, trong và sau Tết Nguyên đán) nên các doanh nghiệp rất khó chủ động dự trữ hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Sở Công thương) cho biết: "Do đây là năm đầu tiên thực hiện nên các doanh nghiệp còn lúng túng trong việc giải ngân vốn vay sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Đến ngày 21-1 (tức ngày 10 tháng chạp) mới chỉ có Chi nhánh Công ty CP Intimex Việt Nam tại Hải Dương giải ngân đợt 1. Còn Công ty CP Vinafood 1 không tiếp tục vay vốn ngân sách do không làm được thủ tục bảo lãnh của ngân hàng".

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Intimex Việt Nam tại Hải Dương cho biết: "Đến thời điểm này, những điểm bán hàng bình ổn giá của chúng tôi đã bắt đầu đi vào hoạt động. Khó khăn nhất hiện nay là đa số người dân vẫn chưa hiểu được ý nghĩa việc bình ổn giá nên chưa tìm mua hàng hóa tại các điểm bình ổn. Thậm chí, tại một số huyện, các đơn vị chức năng cũng chưa mặn mà với chương trình nên thiếu sự hỗ trợ trong việc bố trí địa điểm, mặt bằng để doanh nghiệp tổ chức điểm bán hàng lưu động".

Hiện nay, số lượng điểm bán hàng bình ổn còn ít. Việc triển khai bình ổn giá mới tập trung ở TP Hải Dương và các điểm bán hàng lưu động tại trung tâm các huyện, thị xã trong khi bộ phận người thu nhập thấp, người nghèo lại tập trung ở vùng sâu, vùng xa nên khó có cơ hội được tiếp cận hàng hóa bình ổn. Ngay cả người dân ở TP Hải Dương hay trung tâm các huyện, thị xã  cũng rất khó biết các điểm bán hàng bình ổn giá.

Theo Sở Công thương, để chương trình bình ổn giá trở thành công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu, thiết thực, có tác dụng đến được với đông đảo nhân dân, cần gia hạn thêm thời gian vay vốn cho các doanh nghiệp để có điều kiện dự trữ hàng bình ổn. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố cần tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá được thuê mặt bằng tổ chức các điểm bán hàng lưu động thuận lợi nhất. Về lâu dài, UBND tỉnh cũng cần xem xét, thành lập Quỹ bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu để các ngành và các doanh nghiệp chủ động tiếp cận vốn dự trữ hàng hóa.

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn nhiều hạn chế