Nhà có người sắp lấy chồng không khí khác hẳn. Dù còn mấy tháng nữa mới tổ chức lễ cưới nhưng mọi người đều vừa háo hức, vừa lo lắng.
Bố vui vẻ bảo: “May quá con gái có người rước. Kiểu này phải làm cỗ trăm mâm”. Mẹ còn bận rộn ngồi tính xem nuôi giống gà gì cho nhanh lớn, phải vỗ béo mấy con lợn may ra mới kịp làm cỗ. Rau cỏ chẳng đáng là bao, cứ a lô là có. Còn quà cưới thì rút sổ tiết kiệm hoặc tích lương của bố vài ba tháng là đủ. Nhà trai mới lên thăm nhà thôi, ấy vậy mà mọi chuyện cưới xin mẹ đã hoạch tính sẵn trong đầu đâu vào đấy. Đến bữa cơm cả nhà bàn tán sôi nổi xung quanh chủ đề cỗ cưới gồm những món gì? Mỗi người một ý, từ bàn luận trở thành tranh luận nên mãi vẫn chưa chốt được thực đơn. Cuối cùng tôi đành phải bảo: “Con là nữ chính, vậy bố mẹ cứ cho con được quyết”. Cả nhà chưng hửng: “Ừ nhỉ. Vậy cứ để cô dâu chọn món đi”. Hai từ “cô dâu” nghe là lạ, vừa thích thú lại vừa hồi hộp. Vậy là tôi sắp kết thúc tuổi thanh xuân tươi đẹp để bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời. Chuẩn bị cho một đám cưới đâu chỉ là hình thức bên ngoài mà còn bao trăn trở, bề bộn trong lòng chưa biết thu dọn sao cho khéo. Mọi người trong gia đình chắc đều hiểu phần nào đó tâm trạng của tôi nên ai cũng muốn gần gũi động viên và chung tay vun vén.
*
Mẹ hay khóc vụng. Câu chuyện nào mẹ cũng bắt đầu bằng chữ “sau này…”. Như lúc thấy con gái đứng nấu cơm, mẹ rơm rớm bảo: “Sau này có mấy khi được ăn cơm con nấu. Được dùng bữa cùng nhau”. Lúc đang thủ thỉ bàn chuyện đám cưới mời những ai thì bỗng nhiên mẹ thở dài than: “Sau này có muốn khéo cũng chẳng có cơ hội hai mẹ con được nằm cạnh bên nhau như thế này”. Như sợ sau này không còn dịp để ôn lại chuyện xưa nên có bao nhiêu tấm hình con ngày bé mẹ đều lôi ra hết. Nhìn hình con chụp hồi sáu tuổi làm mẹ nhớ kỷ niệm con suýt bị chết đuối. Bố dốc ngược con trên vai vừa chạy vừa bật khóc. “Ấy thế mà nhanh thật bà ơi, mới hồi nào giờ nó sắp lấy chồng”. Hình con chụp trong buổi biểu diễn văn nghệ năm lớp tám có cả nhà ùa lên sân khấu tặng hoa. Lúc ấy mẹ còn trẻ, bố trông phong độ quá, mấy ông anh thì nhắng nhít vô cùng. Ảnh chụp con ngày nhận bằng cử nhân, mẹ ốm nặng nên cả nhà không ai xuống trường tham dự được. Miệng con cười mà mắt buồn rười rượi, chỉ mong sớm xong để được về nhà. Nhưng mẹ vẫn hiện diện trong bức ảnh ấy nhờ chiếc váy tự tay mẹ thêu hoa. Con rực rỡ trước bạn bè nhờ ân tình của mẹ. Bố gọi điện động viên: “Con phải thật vui tươi, còn mọi việc ở nhà cứ yên tâm vì đã có bố và các anh lo”. Ít ngày nữa album sẽ có thêm bức ảnh chụp con trong ngày cưới. Lúc ấy chắc là con sẽ khóc, mẹ có thể cũng khóc nhưng con biết đó là khoảnh khắc hạnh phúc ngập tràn. Ngày trọng đại của con sẽ trở thành một dấu mốc đáng nhớ của cả gia đình.
Con gái sắp lấy chồng mẹ căn dặn đủ điều như sợ con vụng về không biết cách cư xử cho đúng phận làm dâu. Bố tặc lưỡi bảo: “Ơ hay, biết nhiều thì khổ nhiều chứ sung sướng nỗi gì. Ấy thế mà bà cứ mong con gái mình biết tuốt. Nó ngốc nghếch một tí có khi lại dễ được thương”. Anh cả đùa: “Cô cứ yên tâm đã có anh. Thằng em rể mà dám bắt nạt cô là xong đời với anh”. Rồi thì đám cưới cũng tới gần. Mọi khâu chuẩn bị đã xong xuôi. Chỉ nữ chính là hay buồn khi nghĩ đến ngày sau mình sẽ sống một cuộc đời rất khác. Xa gia đình với tất cả những điều thân thuộc nhất để đến sống ở một nơi xa xôi. Mà nơi ấy không có bạn bè, người thân, vui buồn thui thủi một mình. Bố như hiểu được nỗi lòng con gái nên động viên: “Có gì đâu. Con cứ nghĩ chỉ là thay đổi hộ khẩu thôi mà. Nhà mình vẫn ở đây, lúc nào mỏi mệt lên xe ngủ một giấc dài là về đến cổng nhà”. Giọng bố ấm áp vậy mà sao con muốn khóc…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG