Tốt nghiệp đại học, công việc ổn định đã 5 năm nhưng chị vẫn chưa nhận lời yêu ai.
Thấy bạn bè cùng trang lứa với chị lần lượt lên xe hoa rồi con bồng con bế, bố mẹ chị sốt ruột lắm, nói hết nước hết cái nhưng chị cứ lần lữa mãi. Nhà có hai chị em gái đến tuổi cập kê khiến mẹ chị lo lắng như có “bom nổ chậm” trong nhà. Mẹ chị thường xuyên nhắc nhở: “Con chị có đi thì con dì mới lớn” nhưng chị bỏ mặc ngoài tai. Mặc dù cô em gái kém xinh hơn, vụng về hơn nhưng đã lên xe hoa trước chị và mau chóng sinh đôi hai thằng cu kháu khỉnh.
Biết tôi chơi thân với chị nên mẹ chị nhờ tôi thuyết phục nhưng chị chẳng chịu nghe. Chị có lý lẽ của mình: “Lấy chồng thì phải có tình yêu, ép làm sao được”. Tôi cho chị biết thi thoảng mẹ chị đã phải dùng thuốc ngủ vì nhiều đêm trằn trọc lo lắng cho chị nhưng chị chỉ biết thở dài. Chị chưa thể yêu được ai vì chàng trai nào đến tìm hiểu chị cũng nhìn thấy nhược điểm của họ và chị không thể chấp nhận nhược điểm ấy. Anh H. đẹp trai, hiền lành thì chị chê “cù lần””. Anh K. là sĩ quan, bề ngoài rất “đàn ông”, điềm đạm khiến bố mẹ chị rất có cảm tình nhưng chỉ vì anh đóng quân ở xa, dăm bữa nửa tháng mới về nhà một lần nên chị từ chối thẳng thừng. Anh M. làm cùng cơ quan, rất tâm lý và nhiệt tình nhưng chị chê anh ta lùn, lo cho ngoại hình của con cái sau này… Biết rõ lý do trì hoãn chuyện kết hôn của chị là vì cái bệnh “kén cá chọn canh”, “đứng núi này trông núi kia” nên tôi bảo chị: “Cứ tính toán, cân đong đo đếm như chị thì yêu làm sao được”. Chị vặc lại: “Yêu mà không tỉnh táo thì yêu mù quáng để ân hận cả đời à. Chậm nhưng chắc còn hơn”. Tôi đành chịu thua lý lẽ của chị. Dù kém tuổi chị tôi cũng đã yên bề gia thất. Còn chị vẫn thoải mái với cuộc sống độc thân.
Quay đi ngoảnh lại, chị đã bước qua tuổi 30, cái tuổi mà phụ nữ đã “toan về già” như quan niệm của các cụ ngày xưa. Bố chị nói mãi không được quay ra dằn dỗi. Còn mẹ chị thì đi hết chùa này đến chùa nọ đề “cầu duyên” cho chị. Sợ chị “cao số”, mẹ chị còn thuê cả “thầy” về “cắt tiền duyên” mà cũng không có chuyển biến gì. Dần dà những chàng trai đến tìm hiểu chị cứ thưa dần, thưa dần rồi vắng hẳn, bởi với chị bây giờ thì “cao không tới, thấp không thông”. Chị không còn cơ hội để lựa chọn như trước nữa.
Chỉ khi họ hàng, bạn bè “giới thiệu” cho chị những người đàn ông đã qua “một lần đò” - những người đàn ông góa vợ hay đã ly dị vợ, chị mới giật mình nhìn lại bản thân. Gần 40 tuổi, soi gương, chị sững sờ nhận thấy nếp nhăn trên khóe mắt, làn da trắng hồng và căng mịn thuở đôi mươi giờ đã có vết nám. Chị không ngờ thời gian trôi nhanh đến vậy. Đúng là “mỗi năm mỗi tuổi, cái tuổi nó đuổi xuân đi”. Giá như chị đừng cầu toàn thì có lẽ bây giờ chị đã có nơi có chốn, có một gia đình hạnh phúc. Chị nhìn thẳng vào tôi, mắt ánh lên niềm băn khoăn khó tả: “Chị hỏi thật nhé, bây giờ chị lấy chồng có kịp không em? Kịp... kịp sinh con ấy”. Hóa ra tận trong sâu thằm lòng mình, chị vẫn khao khát cháy bỏng một người chồng và những đứa con. Tôi mừng quá nhưng không dám bật cười, nắm bàn tay chị quả quyết: “Kịp chứ sao không. Chị lấy chồng đi kẻo muộn”. Biết chuyện này, bố mẹ chị hẳn là vui lắm. Cuối cùng thì chị cũng hiểu rằng “con gái có thì”.
TRẦN THỊ LÀNH