Con đường “đen” của những chú chó cảnh

30/05/2017 08:30

Thời gian gần đây, phong trào nuôi chó cảnh phát triển mạnh nhưng ít người biết rõ nguồn gốc, lai lịch của những chú thú cưng này.



Phong trào nuôi chó cảnh đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh


Có tiền là có tất

Chó được coi là vật nuôi trung thành, là người bạn gắn bó của con người. Ngày nay, việc sở hữu cho riêng mình một chú chó cưng không có gì khó. Chỉ cần vào internet và gõ dòng chữ “bán chó cảnh” thì một loạt các địa chỉ rao bán chó hiện ra. Đủ các chủng loại cho khách hàng lựa chọn. Từ giống chó nhỏ như: chihuahua, Bắc Kinh, Bắc Kinh lai Nhật, lạp xưởng, coodle, pug… đến các loại chó lớn có trọng lượng từ 30kg trở lên như: pitbull, bécgiê, ngao Tây Tạng, Alaska, husky… Đa phần chúng đều có nguồn gốc từ nước ngoài hoặc được lai tạo trong nước. Được ưa chuộng nhất vẫn là những giống chó được nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Pháp, Nga. Giá một chú chó như vậy dao động từ vài triệu đồng (loại nhỏ) đến hàng trăm triệu đồng/con loại to.

Trong vai một người có nhu cầu mua chó cảnh, chúng tôi liên hệ với anh Nguyễn Minh Q., một người chuyên buôn chó ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương). Anh Q. cho biết: “Tôi làm nghề này được 2 năm rồi. Tháng nào tôi cũng sang Nga từ 1-2 lần để nhận hàng cho khách, chủ yếu là giống Alaska (còn được gọi là chó sói). Giá mỗi con từ 25 triệu đồng đến gần 100 triệu đồng”.

- Chúng tôi không được xem mặt chó trước à? Thủ tục thế nào?- tôi thắc mắc.

- Tôi sang bên ấy trước để chụp ảnh gửi về. Anh ưng con nào thì “múc” con ấy. Chuyển một nửa tiền vào tài khoản, số còn lại thanh toán khi nhận hàng. Thủ tục tôi lo. Miễn giấy tờ đầy đủ là OK- anh Q. đáp lời.

Ở Trung Quốc, chó không có nguồn gốc được bày bán tạp nham trong chợ. Việc trộn chó bị bệnh để bán vẫn thường xuyên xảy ra.


- Vậy khi nhận hàng thì tôi có được nhận giấy tờ gì không?

- Anh sẽ được nhận giấy kiểm dịch, “căn cước” của chó.

Theo lời của anh Q., “căn cước” cho chó là một loại giấy do nước ngoài cấp ghi rõ tên, chủng loại, độ tuổi, nguồn gốc, tình trạng sức khỏe của vật nuôi. Phải có đủ giấy tờ trên thì mới qua được cửa khẩu. Mỗi một chuyến đi như vậy, một người chỉ được dắt 2 con chó theo đúng quy định.

- Thấy nhiều người đồn mua chó “xách tay” (cách gọi loại chó cảnh nhập lậu) rẻ hơn nhiều?- tôi dò hỏi.

- Có, nếu anh có nhu cầu thì cũng sẵn hàng phục vụ. Giá sẽ giảm khoảng 30-40%/con. Tuy nhiên sẽ không có giấy tờ gì đâu nhé. Sau này mà cần thì phải “thổi” giấy, mất thêm chi phí đấy - anh Q. cho biết.

- Loại “xách tay” thì nhập từ đâu về vậy? Sao lại phải thổi?

- Có nhiều đường lắm. Từ biên giới Trung Quốc, Campuchia, Lào và cả tàu viễn dương. Loại này không phải qua cửa khẩu nên thủ tục gọn gàng và giá rẻ hơn nhiều. Tuy nhiên, sau này muốn bán lại cho người khác, nếu họ hỏi giấy tờ thì phải “thổi”, tức là làm giả giấy tờ. Có vậy bán mới được giá - anh Q. chia sẻ thêm.

Mập mờ nguồn gốc

Tìm hiểu thị trường chó cảnh tại TP Hải Dương, chúng tôi luôn nhận được những câu chào mời giống như của anh Q. Qua tìm hiểu được biết, đa số người bán chó cảnh đều nhập nguồn hàng từ Trung Quốc do nước bạn có rất nhiều chợ bán đủ loại chó và giá bán rẻ. Một điểm nữa là chúng đều không có giấy tờ. Khi về Việt Nam, chúng được gắn cái mác chó ngoại nhập từ Đức, Pháp, Anh, Nhật… có đóng thuế đàng hoàng, giấy tờ đầy đủ và được tiêm phòng cẩn thận. Một chú chó cảnh loại này được mua tại Trung Quốc có giá chỉ vài trăm nhân dân tệ nhưng khi về nước, mỗi con được bán với giá vài chục triệu đồng. Người buôn có thể kiếm lời số tiền lên đến cả chục triệu đồng/con.



Trên mạng xã hội có nhiều lời mời chào mua chó ngoại


Để vận chuyển chó về nước, dân buôn luôn có sẵn một đội ngũ “xách tay” ở cửa khẩu. Họ là những người sống gần biên giới, chuyên nhận vác thuê hành lý từ Trung Quốc về Việt Nam. Mỗi người sẽ nhận từ 2-3 con chó nhỏ với giá khoảng 50 nhân dân tệ/con. Với những con chó quá to (từ 30-40 kg trở lên), người "xách" chó sẽ phải đi đường đèo nên mất nhiều tiền hơn. Hình thức "xách tay" này giúp giảm bớt khá nhiều kinh phí vận chuyển nhưng khi về nước, các “lái chó” vẫn bán với giá nhập khẩu từ các nước phương Tây với số lãi gấp nhiều lần so với nhập khẩu chó từ các nước khác hay phối giống cho chó ở nhà.

Ngoài ra, nếu muốn mua chó “xịn” mà không cần giấy tờ, người dân có thể tìm mối hàng từ những thủy thủ đi tàu biển. Họ đi nhiều nước, có mối quan hệ nên có thể mang một vài con chó cảnh về nước.  Chó loại này xịn hơn và có giá cao hơn hàng Trung Quốc một chút nhưng vẫn rẻ hơn chó được nhập khẩu theo đúng quy định.

Nguồn gốc, xuất xứ của chó được nhiều người mua quan tâm vì nó thể hiện quá trình phát triển của vật nuôi, bảo đảm thú cưng có sức khỏe tốt, không mang dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe người nuôi. Những người buôn chó cảnh thường rêu rao hàng của họ luôn được bảo đảm để khách hàng yên tâm và bỏ tiền ra mua. Tuy nhiên, ngay cả người trong nghề cũng không dám khẳng định hàng có thực sự an toàn hay không.

Anh Trần Minh K. (28 tuổi) ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đã buôn chó cảnh được 5 năm tiết lộ: “Ở Trung Quốc, chó không có nguồn gốc được bày bán tạp nham trong chợ. Việc trộn chó bị bệnh để bán vẫn thường xuyên xảy ra. Có lần tôi nhập 10 con kiểu này thì mất 2 con bị bệnh. Sau này, chúng lây sang cả đàn. Điều trị mấy tháng trời, tốn kém tiền bạc, mãi tôi mới đẩy được cho khách”.

Nỗi lo chó cảnh tấn công người

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, Hải Dương hiện có hơn 115.000 con chó, nhiều nhất là các huyện Thanh Hà, Ninh Giang, Kinh Môn, thị xã Chí Linh và TP Hải Dương. Nhiều loại chó mới có nguồn gốc từ nước ngoài được người dân mua về nuôi. Trong số đó, có một số giống chó to lớn, hung dữ như pitbull, ngao Tây Tạng, rott… Một số con rất nguy hiểm khi tiếp xúc, có thể gây thương tích cho người nuôi và người dân xung quanh. Trong khi đó công tác quản lý hoạt động buôn bán chó cảnh còn nhiều hạn chế.

Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Việc kiểm soát hoạt động buôn bán chó cảnh trên địa bàn tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định, hoạt động buôn bán chó cảnh từ nước ngoài về là do Cục Thú y Việt Nam quản lý và cấp phép. Ở tuyến tỉnh, chi cục chỉ quản lý việc tiêm phòng chứ không có chức năng kiểm tra, xử phạt các tập thể, cá nhân kinh doanh loại hình này”.

Bên cạnh đó, ý thức của người dân về vấn đề này còn kém. Người bán chỉ muốn bán được hàng để có lãi. Người mua thì ham rẻ, coi thường các quy định của Nhà nước, chủ quan. Trên thực tế, đã có những sự việc đáng tiếc xảy ra. Điển hình là vụ một con chó bécgiê cắn một học sinh tiểu học tại phường Thanh Bình (TP Hải Dương)  đầu năm 2015. Gần đây nhất là vụ con chó pitbull (nặng khoảng 40 kg) đã cắn chết người ở xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) giữa tháng 4 vừa qua. Con chó này được gia đình nuôi gần 3 năm, đã cắn chết một cụ bà 74 tuổi, làm bị thương 1 phụ nữ và 1 người đàn ông.

Hiện nay, mốt chơi chó cảnh ngoại ngày càng phổ biến ở tỉnh ta. Tại nhiều cửa hàng, trang trại, trên mạng, những con chó ngoại với đủ màu sắc, dòng giống được chào bán tràn lan với giá đắt đỏ. Tuy nhiên, thật khó để nhận biết được nguồn gốc cũng như giá trị thật của loài thú cưng này. Cơ chế quản lý còn lỏng lẻo, ý thức của người dân chưa cao khiến người buôn chó dễ dàng lách luật đẩy giá lên cao. Hậu quả là người dân đang bị móc túi từ tình yêu với loài vật của mình và con thú cưng có nguy cơ trở thành mối họa với chính gia chủ lúc nào không hay.

ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con đường “đen” của những chú chó cảnh