Tốt nghiệp cấp ba, biết rõ lực học của mình nên Na không thi đại học mà đi làm công nhân ở công ty may gần nhà.
Bố mẹ Na cũng ủng hộ quyết định của con vì bố cô đau yếu luôn, dưới Na còn có hai em đang học cấp hai, kinh tế gia đình rất khó khăn, một mình mẹ cô xoay xở cũng vất vả.
Thời gian đầu, cứ lĩnh lương là Na đưa hết cho mẹ để mua thuốc, đóng học cho các em và mua thức ăn cho cả nhà. Nếu tiêu gì thì cô sẽ xin mẹ sau nhưng Na cũng rất tiết kiệm, ăn mặc giản dị, hạn chế mua sắm khiến bố mẹ cô rất mừng vì có cô con gái lớn sớm biết nghĩ và lo liệu cho gia đình. Nhưng từ khi quen Sơn, một anh chàng ở huyện bên làm nghề tự do qua nhiều lần tán gẫu trên Facebook, Na bỗng xin tiền mẹ liên tục, nay cô mua cái này mai cô sắm cái kia, đầu tóc thay đổi, váy áo xúng xính, phấn son và nước hoa thơm nức. Thấy con gái như vậy, mẹ Na nhắc nhở: “Con đừng đua đòi, mình là gái quê, nhà lại khó khăn, không được như nhà người ta”. Nhưng Na cự lại: “Mẹ muốn con ế chồng à, con gái cũng phải diện một tí thì mới có người để mắt tới chứ”. Thương con, sợ con thua bạn kém bè thì sẽ tủi thân nên mỗi lần Na xin tiền, mẹ cô đều đưa cho nhưng trong bụng bà chỉ biết nén tiếng thở dài. Dần dà Na không đưa lương cho mẹ nữa mà làm được bao nhiêu cô giữ hết, tự chi tiêu những việc cá nhân và trang trải “tình phí”. Mẹ cô cần tiền lắm mới dám hỏi nhưng Na cũng chỉ đưa cho mẹ một chút và lần nào phải đưa tiền cho mẹ cô cũng tỏ ra bực bội khiến mẹ cô tự ái không cần nữa.
Nghe lời tán tỉnh ngon ngọt của Sơn, Na nhanh chóng phải lòng anh ta. Không ít lần hai người rủ nhau đi chơi qua đêm mà bố mẹ Na không hề hay biết. Ông bà đinh ninh con gái mình đi “làm ca đêm” như lời Na thông báo. Chỉ đến khi cái bụng của Na lùm lùm và hàng xóm xì xầm thì mẹ cô mới tá hỏa tra hỏi nhưng Na chỉ biết khóc bởi anh chàng tên Sơn mà cô cặp kè bấy lâu nay đã “cao chạy xa bay”. Một mình cô lặng lẽ tìm đến địa chỉ mà anh ta để lại nhưng đó là địa chỉ giả. Cái thai trong bụng cô đã quá to nên mẹ cô không cho bỏ. Bà vừa khóc vừa giận bản thân mình đã không dạy con đến nơi đến chốn, để con rơi vào cạm bẫy của kẻ “đào mỏ”, phá hoại đời con gái của con bà. Bố Na thì đau ốm, nằm trong giường chỉ biết rên rỉ, cảm thấy mình lực bất tòng tâm nên đành ngậm đắng nuốt cay.
Na sinh con gái, sau thời gian ở cữ, bỏ mặc những lời đàm tiếu của mọi người, cô vẫn đi làm công ty để có tiền nuôi con. Na dành dụm được ít tiền và xin thêm bố mẹ để mua một cái xe máy cho tiện đi lại. Việc chăm sóc con nhỏ, cô dồn hết cho mẹ bởi cô chưa đầy 20 tuổi, chưa chuẩn bị tâm lý làm mẹ nên ẵm con vẫn còn lúng túng. Tự dưng mẹ Na trở thành “bà mọn”, bao nhiêu vất vả, tủi hổ trút xuống khiến đầu bà ngày càng bạc thêm. Bà chỉ mong có người đàn ông nào thông cảm, yêu thương Na để con bà có nơi có chốn, có tấm chồng nương tựa trong cuộc sống.
Khi con gái được ba tuổi thì Na dẫn về nhà một người đàn ông lạ, hơn cô gần hai chục tuổi, chưa vợ, ở tỉnh bên và giới thiệu với bố mẹ đó là “người yêu” của cô. Nhìn bộ dạng anh chàng quá từng trải, mẹ cô không hài lòng. Bà khuyên con gái phải tìm hiểu kỹ càng, cấm được “ăn cơm trước kẻng” nhưng Na vùng vằng: “Con còn gì để mất đâu mà mẹ phải lo”. Thấy con gái không nghe lời, lại còn nói hỗn, bà tát cô một cái. Ngay hôm ấy, Na đã mang theo xe máy, bỏ nhà đi với người yêu. Một ngày, hai ngày không thấy con gái về, tưởng cô giận dỗi dọa mẹ bỏ đến ở với anh chàng kia một vài bữa thôi, nhưng linh tính của người mẹ báo cho bà biết con gái gặp chuyện chẳng lành nên bà quyết định đi báo công an. Qua điều tra, cơ quan công an cho biết anh chàng kia từng có tiền án tiền sự, từng làm môi giới đưa người qua Trung Quốc bán. Vì vậy, rất có thể con gái bà đã bị anh ta dụ dỗ... Càng nghĩ bà càng bủn rủn cả chân tay.
Trong lúc chờ đợi tin tức từ phía công an, bố mẹ Na như đứt từng khúc ruột. Nhìn đứa cháu bé bỏng, ông bà cảm thấy gánh nặng đang đè trĩu lên đôi vai gầy yếu của mình. Giá mà Na chịu nghe lời cha mẹ thì đâu đến nỗi.
TRẦN THỊ LÀNH