Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối cùng đã gặp mặt trực tiếp tại Vladivostok (Nga) và tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên vào ngày 25.4.
Ông Kim Jong-un tranh thủ sự ủng hộ của Nga về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên
Chủ đề của cuộc gặp thượng đỉnh không thể tách rời khỏi vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo các nhà phân tích, đây là cuộc gặp muộn màng. Ông Kim Jong-un đã buộc phải khởi động phương án dự phòng của mình. Nói một cách thẳng thắn, nếu cuộc đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra thuận lợi thì Triều Tiên sẽ không phải tích cực lôi kéo Nga.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra hồi tháng 2 năm nay tại Hà Nội không ra được tuyên bố chung, đồng thời nhận thấy Donald Trump có thái độ cứng rắn, ông Kim Jong-un đành phải chuyển sang Nga với mục đích là “liên kết với Nga, kiềm chế Mỹ” nhằm nới lỏng mức độ trừng phạt của Washington.
“Tín báo” - nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong (Trung Quốc), cũng đưa ra phân tích chỉ rõ Nga mong muốn thông qua cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần này để nhấn mạnh lại vai trò quan trọng của mình ở khu vực, tránh để bị gạt ra ngoài lề.
Mặc dù Nga không phải là bên đóng vai trò quyết định với tình hình bán đảo Triều Tiên nhưng hoạt động của Moscow lại có ảnh hưởng đến sự phát triển chung trong khu vực. Trong cuộc gặp với ông Kim Jong-un, Tổng thống Nga Putin bày tỏ ủng hộ khởi động lại cuộc đàm phán 6 bên và đứng về phía Triều Tiên trong quan hệ Mỹ-Triều.
Ông Putin nhấn mạnh cần phải cung cấp sự bảo đảm an ninh thực chất hơn cho Triều Tiên thì mới có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân, cho thấy Tổng thống Nga mong muốn giành vai trò quan trọng cho Nga trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Hơn nữa, ông Putin vui hơn cả ông Trump nếu Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, bởi hành động này sẽ khiến quân đội Mỹ không còn cái cớ để đóng quân tại Hàn Quốc và Nhật Bản, giảm bớt mối đe dọa mà Nga phải chịu ở Đông Bắc Á.
Để đối phó với sự khiêu khích của Triều Tiên, Hàn Quốc đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ sản xuất, còn Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ trên đất liền Aegis của Mỹ, cả hai động thái này đều khiến Nga “đứng ngồi không yên”.
Moscow cho rằng đây là một khâu trong việc xây dựng mạng lưới phòng thủ tên lửa toàn cầu nhằm mục tiêu là Trung Quốc và Nga. Về cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, không chỉ có Triều Tiên không hài lòng mà Nga cũng coi đó là một “cái gai trong mắt”. Nếu bán đảo Triều Tiên thực sự phi hạt nhân hóa, Nga chắc chắn sẽ thấy Hàn Quốc và Nhật Bản loại bỏ hệ thống phòng thủ THAAD và hệ thống Aegis. Nếu ông Trump "thực hiện cam kết" hủy bỏ cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn Quốc thì càng đúng với ý nguyện của Nga.
"Nước cờ" mới này của ông Kim Jong-un chưa biết có tác dụng giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt hay không, nhưng ít nhất đã nhận được sự ủng hộ. Tổng thống Putin cho biết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có nghĩa là giải trừ vũ khí, nhưng phải bảo đảm an ninh và chủ quyền cho Triều Tiên, chỉ có cam kết của Mỹ và Hàn Quốc là không đủ, mà còn cần phải bảo đảm về mặt luật pháp quốc tế. "Chúng tôi muốn để luật pháp quốc tế quyết định trật tự thế giới, chứ không phải là nắm đấm", Tổng thống Putin nói.
Theo TTXVN