"Cơm treo" ngày giáp hạt

13/06/2023 07:16

Một minh chứng của sự mất cân đối dòng tiền là một triệu tỷ đồng đầu tư công đang bị "nhốt" trong kho, không giải ngân được.

Một cựu chủ tịch ngân hàng từng ba mươi năm lăn lộn trên thị trường tài chính nay đã nghỉ hưu chia sẻ với tôi về một vấn đề nổi cộm hiện nay: Khách hàng đủ điều kiện vay vốn bây giờ hầu như không còn, nên ngân hàng rất khó giải ngân. Một số nhà băng từ đầu năm đến nay có tăng trưởng tín dụng vượt trội chỉ tiêu được giao chủ yếu là “rót tiền” cứu công ty “sân sau”.

Ông đánh giá thêm, lãi suất đã giảm và có thể còn giảm, nhưng tiền vẫn sẽ khó ra.

Trên trang web của một ngân hàng cổ phần được đánh giá kinh doanh an toàn, lãi suất tiết kiệm sáu tháng chỉ còn 6,9%/năm, 12 tháng 7%/năm. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố đến hết quý I cho thấy tỷ lệ dư nợ cho vay toàn hệ thống trên tổng tiền gửi ở mức 75,2%, thấp chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua. Nghĩa là huy động được 10 đồng, các ngân hàng cho vay bình quân chỉ 7 đồng rưỡi.

Không phải các ngân hàng không muốn cho vay, mà ngại cho vay rồi không thu hồi được. Doanh nghiệp tốt thì thiếu đơn hàng xuất khẩu, sản phẩm bán trong nước tiêu thụ chậm, lợi nhuận thu hẹp. Những doanh nghiệp muốn vay và sẵn sàng vay với bất cứ lãi suất nào chủ yếu thuộc lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Tiền của người dân, xã hội, ngân hàng đang nằm trong bất động sản hàng triệu tỷ đồng, ứ đọng không thanh khoản. Cho bất động sản vay thêm biết bao giờ đòi lại được?

Lãi suất đã giảm, mà tiền gửi của dân vào ngân hàng vẫn tăng, số tuyệt đối tới 6,28 triệu tỷ đồng cuối quý I vừa qua, tăng 7,08% so với thời điểm tháng 12 năm ngoái. Lẽ ra khi khó cho vay, ngân hàng thương mại phải hạ lãi suất nhanh và mạnh, nhưng lãi suất xuống khá từ từ. Lý do là sau các vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, SCB, ngân hàng nào cũng nỗ lực làm dầy thêm lớp đệm thanh khoản. Một số ngân hàng đã "trót" liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, không còn cách nào khác là đảo nợ những lô trái phiếu đến hạn.

Dân gửi tiết kiệm nhiều. Nhưng tổng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp chỉ đạt 11,94 triệu tỷ đồng do tiền gửi doanh nghiệp giảm sâu, trong khi tổng dư nợ nền kinh tế là 12,23 triệu tỷ đồng. Bổ sung cho tiền gửi là các khoản giấy tờ có giá mà nhà băng phát hành, vay mượn trên thị trường liên ngân hàng và gần nửa triệu tỷ đồng Kho bạc Nhà nước chưa dùng tới, gửi ở bốn tổ chức tín dụng quốc doanh và nửa quốc doanh.

Quan trọng hơn, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bơm tiền ra lưu thông thông qua tái cấp vốn, mua lại giấy tờ có giá (như trái phiếu Chính phủ) và mua lại ngoại tệ từ các nhà xuất khẩu. Một quan chức cấp cao Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đã mua vào hơn 7 tỷ USD trong vài tháng qua, tức đưa ra thị trường khoảng 162.000 tỷ đồng. Chưa kể trong quý I, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã gia tăng cung tiền khoảng 200.000 tỷ đồng nữa.

Rõ ràng nền kinh tế không thiếu tiền. Cái thiếu cơ bản, căn cơ và đã kéo dài nhiều năm nay là khả năng hấp thụ vốn, sử dụng vốn đúng chỗ, đúng mục đích nhằm mang lại hiệu quả cao. Không những thế, dòng tiền đang bị mất cân đối trên bình diện quốc gia.

Một minh chứng của sự mất cân đối dòng tiền là một triệu tỷ đồng đầu tư công đang bị "nhốt" trong kho, không giải ngân được. Bộ Tài chính lý giải trong số một triệu tỷ đồng đó, có những khoản của ngân sách đã phân bổ, lên danh mục nhưng chưa chi tiêu, không thể "tiêu bừa" được. Đành là thế. Song sự linh hoạt trong điều phối ngân sách để tận dụng tối đa sức mạnh đồng vốn của cơ quan quản lý ngân khố quốc gia lúc này là cần thiết. Đồng tiền bất động là đồng tiền "chết". Một triệu tỷ đồng "bị nhốt", chỉ hưởng lãi suất 0,8%/năm là sự lãng phí khó chấp nhận khi đất nước đang vay nợ. Ngay cả một người dân bình thường cũng có thể tính toán chia khoản tiền lận lưng thành hai, ba món để chi tiêu sao cho có lợi nhất.

Trong bối cảnh tổng cầu của kinh tế thế giới đang suy giảm, lạm phát bên ngoài vẫn cao và mặt bằng lãi suất các nước châu Âu, Mỹ, Australia mới chỉ tạm dừng chân ở những nấc thang gần trên cùng, hy vọng lãi suất Việt Nam giảm mạnh nữa là không thực tế.

Nhìn rộng ra một triệu tỷ đồng ấy giống như khoản "cơm treo" ngày giáp hạt. Một triệu tỷ đồng có được từ phát hành trái phiếu Chính phủ này đã được tính vào trần nợ công và trần nợ công của Việt Nam đang trong tầm kiểm soát. Không có bất cứ một sự cản trở nào của khoản tiền khổng lồ trên với trần nợ công.

Chúng ta đang có tiền, nhiều tiền. Dòng tiền mất cân đối có thể uốn nắn, điều chỉnh. Quan trọng nhất là bộ, ngành, địa phương nào sẽ phát pháo lệnh và tự tay tháo gỡ những nút thắt để dòng tiền được khơi thông. Tiêu tiền đúng chỗ, đúng thời điểm là trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước, với dân lúc này.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Cơm treo" ngày giáp hạt